La Dalat - chiếc xe hơi đầu tiên do Việt Nam sản xuất
Chiếc xe ngộ nghĩnh, nửa giống xe Jeep, nửa giống các xe khác. Giống xe Jeep vì phần trên là tấm bạt, không có cửa kính xe. Giống xe hơi vì xe không có màu xanh lá cây đậm.
Cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ XX, Sài Gòn khá phổ biến và dân Sài Gòn rất tự hào về một loại xe hơi, động cơ từ xe Citroen của Pháp nhưng hơn 70% phụ tùng xe là của Việt Nam.
Xem như bước đầu người Việt tập tành sản xuất xe hơi ấy mà. Đó là xe hơi La Dalat. Bài viết này tôi không nói về tính kinh tế hay kỹ thuật của chiếc La Dalat. Mà chỉ kể câu chuyện về hai người bạn học ngồi cạnh tôi năm tôi học lớp đệ ngũ (lớp 8).
Cẩm Vân ngồi bên trái tôi. Vân có vẻ giàu hơn chúng tôi, được tài xế đưa rước đi học bằng xe hơi sang trọng hiệu Toyota. Vĩnh Phước ngồi bên phải tôi, được mẹ đưa rước bằng xe Mobilet.
Học trò ngày xưa phần lớn đi bộ trên những con đường đầy bóng mát. Và hình ảnh những nàng học trò mặc áo dài trắng, tay cầm cặp hoặc theo thời trang bấy giờ là cầm vài quyển vở, hộp bút trên tay, thong thả bước những bước chân học trò “đến nhà hay vào lớp*” tạo nhiều cảm hứng cho bao nhạc sĩ và nhà thơ.
Nổi tiếng nhất là Con đường tình ta đi và Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy. Tôi nằm trong phần lớn lớp học trò đó. Tôi chẳng ganh tị chút nào với mấy đứa bạn được đưa rước bằng xe gắn máy hoặc xe hơi.
Hai người bạn khá giả hơn tôi đó cũng chẳng vì sự vượt trội của họ mà xa cách tôi hay có vẻ xem thường hoặc ra dáng kẻ cả với tôi. Chúng tôi kết bạn với nhau một cách vô tư và bình đẳng.
Một ngày, Vĩnh Phước vào khoe ba nó vừa mua một chiếc xe hơi hiệu La Dalat. Bạn có vẻ hiểu biết:
- Chiếc xe này của Việt Nam sản xuất đó. Và một ngày nào đó người Việt sẽ sản xuất được xe hơi sang trọng như người Nhật, người Mỹ.
Cẩm Vân vô cùng thích thú. Vĩnh Phước rủ chúng tôi chiều hôm đó đến nhà nó chơi để tận mắt “chiêm ngưỡng” chiếc xe đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Cẩm Vân không đi được. Một “tiểu thư con nhà giàu” như bạn làm sao “bụi đời” như tôi được. Nhà tôi và nhà Vĩnh Phước cùng quận 5. Tôi ở trên đường Phan Văn Trị, còn Vĩnh Phước trên đường Trần Bình Trọng. Chúng tôi có thể đi bộ đến nhà nhau được.
Chiều hôm đó tôi đi bộ đến nhà Vĩnh Phước. Và thật thích thú trước chiếc xe ngộ nghĩnh, nửa giống xe Jeep, nửa giống xe hơi bình thường. Giống xe Jeep vì phần trên là tấm bạt, không có cửa kính xe, cửa xe đóng mở bằng một chốt đơn sơ nhưng rất an toàn, không dễ bị bật ra dù xe có phải thắng gấp.
Giống xe hơi vì xe không có màu xanh lá cây đậm đặc trưng của xe Jeep. Ba của Vĩnh Phước bảo chúng tôi lên xe để ông chở dạo một vòng Sài Gòn. Xe hơi không xa lạ gì với tôi nhưng tôi rất phấn khích được đi trên một chiếc xe dễ thương như thế. Trên đường, chúng tôi gặp một chiếc La Dalat khác có nóc và cửa kính xe hẳn hoi. Ba của Vĩnh Phước giải thích:
- Xe của bác mui bằng bạt nên rẻ nhất, chỉ 50 ngàn đồng, vừa với túi tiền đa số công chức. Còn xe có mui, cửa kính đắt hơn xe bác đến 30 ngàn.
Ông còn tự hào nói chiếc xe có 70% phụ tùng do người Việt sản xuất. Và một ngày nào đó công chức, nhân viên, thầy cô giáo Việt Nam sẽ đi làm bằng xe hơi do chính Việt Nam chế tạo. Nghe những lời đầy lạc quan của ba Vĩnh Phước, trong tôi dội lên bao mơ mộng và toan tính.
Về nhà tôi hỏi lương chị tôi, một công chức bậc trung bao nhiêu, chị nói 18 ngàn. Tôi nhẩm tính mình sẽ có bằng đại học, ra làm việc lương có thể là 40 ngàn. Vậy, chỉ hai tháng lương có thể mua được chiếc La Dalat, có thể chở ba mẹ đi Cấp (Vũng Tàu) mỗi tuần, đưa ba mẹ đi lễ nhà thờ Đức Bà mỗi sáng chủ nhật.
Theo lời ba của Vĩnh Phước, xe nhập khẩu của Nhật, Mỹ, giá trên một triệu. Ngay chiếc xe lỗi thời Dauphine của Pháp giá trên một trăm ngàn. Thôi thì giấc mơ “lên đời” bằng xe La Dalat cho thực tế, trong tầm tay và cũng là cách ủng hộ hàng Việt Nam vậy.
Cuối năm học đó, ba biến cố xảy đến cho cả ba chúng tôi. Ba tôi qua đời. Ba Cẩm Vân buộc mẹ con nó về quê ngoại Cần Thơ để nhà cửa tại Sài Gòn ông sống cùng vợ... bé, theo lời mẹ nó nói với nó. Vân khóc rất nhiều trong buổi chia tay chúng tôi. Một sáng Vĩnh Phước báo tin ba nó đổ tiền của, cả chiếc La Dalat vào cờ bạc.
Căn nhà cũng bị chủ nợ đến xiết. Vĩnh Phước phải cùng ba mẹ dọn đi nơi khác, xa trung tâm thành phố để thuê nhà, lánh mặt bà con, bạn bè. Bạn phải chuyển trường khác. Chỉ còn tôi cô đơn trên chiếc ghế trống trải đến ngày nghỉ hè.
Tuy vậy trong tôi vẫn còn động lực học tập mạnh mẽ để có bằng đại học và mua cho mẹ chiếc La Dalat chở mẹ đi chơi, đi lễ hàng tuần. Năm 1980, tôi tốt nghiệp đại học.
Với đồng lương thời bao cấp, tôi không đủ sống thư thả suốt tháng. [...] Điều quan trọng La Dalat đã biến mất trong đời sống người Việt thuở đó. Hình ảnh chiếc xe còn không thấy, lấy đâu mua với bán nếu có tiền đi nữa.
Giấc mơ theo ba Vĩnh Phước ngày xưa nói với tôi thật đơn giản, chỉ cần tôi học giỏi là được, xem ra đã vượt quá xa tầm tay với của tôi để trở thành một giấc mơ hão huyền!
Đất nước mở cửa. Hàng hóa, cả xe hơi nhập khẩu hoặc xe hơi lắp ráp ê hề. Số tiền tích lũy trong mấy chục năm làm việc của tôi có thể mua một chiếc xe hơi lắp ráp tại Việt Nam với 100% phụ tùng, động cơ của nước ngoài. Thế nhưng tôi đã qua tuổi “tri thiên mệnh” để học lái xe, và mua cho mình chiếc xe để chở mẹ đi chơi, đi lễ cuối tuần như giấc mơ ngày xưa.
Thi thoảng, xem ảnh Sài Gòn xưa bắt gặp chiếc xe La Dalat, tôi bỗng thấy buồn buồn nhưng không hiểu sao lại cười... một mình. Giấc mơ đơn giản ngày xưa xem ra chẳng giản đơn chút nào dù trong tay có đủ tiền…
-----------------
* Trích từ bài hát Con đường tình ta đi.