La Hai phố núi mù sương

Di tích lịch sử quốc gia Nơi thành lập chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên. Ảnh: XUÂN HIẾU

Ðược bao bọc bởi dãy núi La Hiên có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, có con sông Cái lượn quanh và những cánh đồng lúa, La Hai là một thị trấn vùng quê có vẻ đẹp sơn thủy hữu tình.

Không ai biết chính xác danh xưng La Hai, huyện lỵ của Đồng Xuân có từ bao giờ. Người dân địa phương bảo La Hai có họ hàng với La Hiên, còn người dân quanh vùng gọi thị trấn này một cách nên thơ là “phố núi mù sương”.

Tháng tám sương thu

Chúng tôi về La Hai vào một ngày cuối tháng tám âm lịch bảng lảng sương thu. Người dân ở đây nói rằng sương ở La Hai khác lạ, có cả sương già và sương non. Sương già giăng mờ đục, như mưa sương. Còn sương non bảng lảng, lúc đậu hờ hững trên nhành cây, khi bay bay lượn lờ qua từng góc phố.

Nhà thơ Xuân Tính (Bùi Tân), người con của quê hương Đồng Xuân có một thi phẩm được nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy phổ nhạc nhiều người biết đến, với khổ đầu tiên là Sáng tháng tư La Hai mù sương/Chiều tháng tư La Hai nồm mát... Còn tác giả Ngọc Thảo, trong thi phẩm Nỗi nhớ tháng tư thì: Tháng tư về với Đồng Xuân/ La Hai phố núi xa gần mù sương...

Khác với trước kia chỉ có một cây cầu chung giữa đường sắt và đường bộ được xây dựng từ năm 1936, dòng Kỳ Lộ (sông Cái) chảy qua thị trấn La Hai hiện nay có những ba cây cầu bắc qua sông, trong đó cầu đường bộ La Hai mới xây dựng gần cầu đường sắt cùng tên được xây dựng lại khoảng 10 năm trước. Tản bộ dọc bờ kè uốn lượn theo dòng sông phía dưới chân cầu, khung cảnh làng quê thật yên bình. Ấn tượng nhất là bàu Long Thăng và khu dân cư ở trung tâm thị trấn.

Ông Lê Ngọc Hà cảm nhận về nơi ông đã sinh ra và gắn bó hơn 70 năm qua: Từ trên cao nhìn xuống cảnh bàu Long Thăng đầu thu đẹp như một bức tranh thủy mặc. Mặt nước xanh màu ngọc bích. Hai bên là những ruộng lúa đang làm đòng. Buổi sáng sớm, đi bộ hoặc đạp xe quanh bàu và những trục đường bê tông Trường Chinh nối dài, đường dọc bờ kè sông Cái… trong tiết trời hơi se lạnh, cảm giác thật thích thú. Xa xa, hàng dừa cao vút ngọn với tán lá như những chiếc lược xanh khổng lồ chải vào mây trời, lả lơi theo ngọn gió cùng làn khói trắng ưỡn ẹo vươn lên từ ống khói của Nhà máy đường KCP đang hoạt động nằm bên kia sông. Chếch bên trong là lô nhô những mái ngói đỏ rực và nhà cao tầng của hai khu phố Long Châu, Long Thăng. Bên cánh đồng xanh, đám trẻ con thả những cánh diều chao lượn trên khung trời chiều. Trong bảng lảng sương thu, phố nhỏ của quê nhà lung linh mờ mờ mà ngỡ như cao nguyên thơ mộng.

Thị trấn La Hai nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Thị trấn La Hai nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Nơi ươm mầm những hạt giống đỏ đầu tiên

Sắp đến kỷ niệm 92 năm ngày thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Phú Yên (5/10/1930-5/10/2022). Nhắc đến sự kiện lịch sử này, mỗi người dân La Hai đều rất đỗi tự hào khi mảnh đất họ sinh ra và lớn lên chính là nơi ươm mầm những hạt giống đỏ đầu tiên của tỉnh nhà.

Hạt giống đỏ số 1 là đồng chí Phan Lưu Thanh. Là một người con ưu tú của La Hai, năm 23 tuổi (1929), đồng chí Phan Lưu Thanh vào Sài Gòn học ở trường lái xe. Lúc này phong trào vô sản hóa trong các nhà máy, xí nghiệp ở Sài Gòn - Gia Định phát triển mạnh. Được sự dìu dắt của đồng chí Tư Rèn, Bí thư Chi bộ Thị Nghè và thầy giáo Nguyễn Thương, đầu năm 1930, đồng chí Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, đồng chí được cử về Phú Yên gây dựng cơ sở cách mạng. Tại quê nhà, đồng chí đã giác ngộ một nhóm gồm 8 thanh niên yêu nước trở thành những đảng viên cộng sản. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Lưu Thanh, trên cơ sở nhóm thanh niên nòng cốt này, các tổ chức như: hội thanh niên, hội phụ nữ, nông hội... đã ra đời và hoạt động sôi nổi.

Khi thấy điều kiện đã chín muồi, ngày 5/10/1930, ngay tại ngôi nhà ba gian của gia đình mình ở xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long (nay là khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), đồng chí Phan Lưu Thanh tổ chức cuộc họp toàn thể đảng viên để thành lập chi bộ Đảng Cộng sản. Theo lời kể của lão đồng chí Phan Ngọc Bích khi đón nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng: “Đồng chí Phan Lưu Thanh lấy lá cờ đỏ búa liềm treo trên vách. Sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định, trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, đồng chí tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Phú Yên gồm có chín đảng viên. Đồng chí Phan Lưu Thanh được bầu làm Bí thư”.

Việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là dấu son mở đầu cho quá trình đấu tranh cách mạng anh dũng, vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Tấm bia trong Khu di tích lịch sử quốc gia Nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Phú Yên hiện nay ghi rõ: “Nơi đây, ngày 5/10/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên được thành lập gồm có các đồng chí: Phan Lưu Thanh, Bùi Xuân Cảnh, Phan Ngọc Bích, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Diệp, Nguyễn Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Tánh, Phan Cao Lâm và Nguyễn Thị Hảo. Đồng chí Phan Lưu Thanh được bầu làm Bí thư Chi bộ”.

Sau khi thành lập, chi bộ đã nhanh chóng tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ nhiều quần chúng yêu nước, tiến bộ, thúc đẩy mạnh mẽ việc thành lập cơ sở Đảng. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên, nhiều chi bộ Đảng ở Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa… lần lượt ra đời. Đến tháng 1/1931, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên được thành lập do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhiều phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh diễn ra rộng khắp, liên tục, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh nhà đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng với cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ một chi bộ Đảng đầu tiên với chín đảng viên, đến nay Phú Yên đã có hơn 24.000 đảng viên thuộc hơn 950 tổ chức cơ sở Đảng; 100% thôn, buôn, khu phố, tổ chức đơn vị đều có chi bộ Đảng.

Phát huy truyền thống

Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương hạt giống đỏ, là cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh nhà, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn La Hai đoàn kết một lòng, ra sức khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhiệm kỳ 2010-2015, thu ngân sách của thị trấn La Hai tăng bình quân 8%/năm; giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 3-3,5%; tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh chiếm 50%, Đảng bộ giữ vững trong sạch vững mạnh; tỉ lệ phát triển đảng viên mới tăng từ 6-7%/năm…

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thị trấn La Hai thực hiện đạt và vượt 12/13 chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội đã đề ra. Trong đó, thu ngân sách tăng bình quân 10,8%/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%; 50% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản đồng bộ, diện mạo đô thị ngày một khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên…

Bí thư Đảng ủy thị trấn La Hai Nguyễn Văn Bình cho biết: Đảng bộ thị trấn La Hai hiện có 11 chi bộ trực thuộc với 474 đảng viên. Phát huy truyền thống quê hương hạt giống đỏ của tỉnh, Đảng bộ thị trấn La Hai tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân; củng cố nền quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng thị trấn La Hai đạt đô thị loại IV vào năm 2025.

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/286529/la-hai-pho-nui-mu-suong.html