Lạ kỳ người mất tích được tòa chia 'hương hỏa' để… thi hành án (!)

Cụ Ngô Thị Vấn (SN 1942, ngụ ấp 2B, xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) bày tỏ tri ân với Chuyên đề CATP đã có loạt bài góp phần giúp cụ thoát món nợ khủng. Sau khi được TAND Cấp cao tại TPHCM giải oan, cụ Vấn nghĩ đã thoát nạn, an yên sống những năm cuối đời. Nào ngờ, cụ được TAND TP.Bến Tre 'réo' tên, trở thành bị đơn trong vụ án mới, buộc phải cắt ¼ mảnh đất hương hỏa để thi hành án cho đứa con nuôi đã 'mất tích' nhiều năm…

Nỗi đau chồng chết, con mất tích

Như Chuyên đề CATP đã phản ánh, cụ Vấn và chồng là cụ Trần Huy Hưng (SN 1942) nhặt đứa trẻ vừa lọt lòng bị bỏ rơi, mang về nuôi từ năm 1990, đặt tên Trần Huy Thịnh. Năm 2018, Thịnh lâm cảnh nợ nần, bày cách lừa gạt, mang khu đất hương hỏa 8.655m2 (thuộc thửa 868, tại ấp 2B, xã Nhơn Thạnh) của vợ chồng cụ Vấn, giao cho ông Phạm Văn Trèn (SN 1986, ngụ xã Nhơn Thạnh) để cấn nợ 6,66 tỷ đồng. Hai bên "hô biến" thành hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) thửa đất 868 được ký giữa Thịnh với ông Trèn ngày 9/10/2018, với giá 200 triệu đồng (?!).

Ông Trèn xác định: Hai bên thỏa thuận giá thửa đất là 6,66 tỷ đồng, Thịnh đã nhận đủ tiền rồi bỏ trốn từ tháng 11/2018. Ông chưa nhận đất do tranh chấp.

Vợ chồng cụ Vấn khởi kiện ngày 26/11/2018, yêu cầu tòa hủy HĐCN đất; phần Thịnh vay tiền, vợ chồng cụ không liên quan. Dù chủ đất đã khởi kiện, đất đang tranh chấp nhưng ông Trèn vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất ngày 02/01/2019. Đau buồn vì đứa con nuôi "bán trời không văn tự", cụ Hưng lâm bệnh, chết tức tưởi tháng 10/2019.

Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 26/11/2019, TAND TP.Bến Tre tuyên Bản án số 83/2019/DS-ST (Bản án số 83): Hủy HĐCN đất ngày 09/10/2018; việc vay mượn giữa 2 ông Thịnh - Trèn được giải quyết bằng một vụ án khác.

HĐXX sơ thẩm nhận định: Ông Thịnh đã lừa dối cha mẹ để ký HĐCN đất với ông Trèn. HĐCN này là giả tạo, nhằm che giấu cho giao dịch vay tiền nên vô hiệu.

Cụ Ngô Thị Vấn ký đơn kêu cứu mới

Cụ Ngô Thị Vấn ký đơn kêu cứu mới

TAND tỉnh Bến Tre mở phiên tòa phúc thẩm ngày 09/5/2020 với HĐXX do thẩm phán Phạm Kim Của (làm chủ tọa, đã nghỉ việc), tuyên hủy HĐCN đất; buộc ông Thịnh và vợ chồng cụ Vấn "liên đới" trả ông Trèn 5,56 tỷ đồng theo các biên nhận vay tiền. Theo HĐXX, ông Thịnh ký HĐCN đất trên cơ sở "ủy quyền" của vợ chồng cụ Vấn, nên cụ Vấn bị "liên đới" (?!). Bản án phúc thẩm khiến cụ Vấn bị sốc, lên máu suýt mất mạng! Ngày 01/11/2021, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa Giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm; giữ y Bản án số 83 của TAND TP.Bến Tre.

Cụ Vấn trình bày: Sau khi được giải oan, theo hướng dẫn của tòa, ngày 22/4/2022, cụ làm thủ tục "con mất tích". Ngày 12/10/2022, TAND TP.Bến Tre ra Quyết định (QĐ) số 07 do Thẩm phán Huỳnh Thị Thanh Như ký, tuyên bố: "Ông Trần Huy Thịnh mất tích". Tòa xác định: Ông Thịnh bỏ nhà đi từ cuối năm 2017. Ngày 01/6/2022, Tòa án ra quyết định tìm kiếm người mất tích. Cụ Vấn đã 3 lần đăng thông tin trên báo và 3 lần trên đài truyền hình để tìm kiếm. Tính đến ngày cụ Vấn có đơn yêu cầu, ông Thịnh đã biệt tích hơn 2 năm liền...

Lật tẩy những con số "nhảy múa"

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp, cụ Vấn trình bày: Đang chờ QĐ của tòa tuyên bố Thịnh mất tích, cụ bất ngờ nhận được văn bản ngày 11/7/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Bến Tre, thông báo thi hành Bản án sơ thẩm số 25 của TAND TP Bến Tre. Bản án này do Thẩm phán chủ tọa Nguyễn Xuân Triều ký ngày 09/5/2022, buộc Thịnh trả cho ông Trèn 6,66 tỷ đồng và phải nộp án phí 114,66 triệu đồng.

4 GMT trong cùng ngày 10/12/2018 với số tiền 3,7 tỷ đồng

4 GMT trong cùng ngày 10/12/2018 với số tiền 3,7 tỷ đồng

"Giấy giao nhận tiền" ngày 09/10/2018, ông Thịnh xác nhận đã nhận đủ 6,66 tỷ đồng của ông Trèn

"Giấy giao nhận tiền" ngày 09/10/2018, ông Thịnh xác nhận đã nhận đủ 6,66 tỷ đồng của ông Trèn

Bản án 25 xác định: Số tiền vay 6,66 tỷ đồng thể hiện trên 13 giấy mượn tiền (GMT) do ông Trèn cung cấp, trong đó, có 8 GMT từ ngày 05/10/2018 đến 27/11/2018 với 2,86 tỷ đồng. Còn lại 5 GMT từ tháng 12/2018 với 3,8 tỷ đồng, gồm 1 GMT ngày 08/12 với 100 triệu đồng và 4 GMT cùng ngày 10/12 với 3,7 tỷ đồng (1 giấy 50 triệu, 1 giấy 150 triệu, 1 giấy 1 tỷ và 1 giấy 2,5 tỷ).

Phần nội dung cốt lõi của bản án này trái ngược với Bản án 83, ngày 26/11/2019 của TAND TP.Bến Tre. Chính ông Trèn đã xác định: "Thịnh đã nhận đủ 6,66 tỷ đồng, rồi bỏ trốn từ tháng 11/2018". Kèm theo là "giấy giao nhận tiền" ngày 09/10/2018, có chữ ký của cả 2 ông Trèn - Thịnh, ghi rõ: "Họ và tên: Trần Huy Thịnh, SN 1990. Hôm nay ngày 09/10/2018, tôi có nhận của anh Phạm Văn Trèn 6,66 tỷ đồng. Tôi đã nhận đủ số tiền ghi trên".

Trong ngày 09/10/2018, ông Thịnh còn nhận của ông Trèn 800 triệu đồng thể hiện bằng "hợp đồng vay tiền" (600 triệu) và "giấy giao nhận tiền" (200 triệu). Thật vô lý, chỉ riêng ngày 09/10/2018, ông Thịnh ký nhận của ông Trèn 7,46 tỷ đồng. Nếu tính tất cả các khoản ông Thịnh đã nhận, tổng số tiền vọt lên hơn 13 tỷ đồng (?!). Càng vô lý hơn đối với 5 GMT tháng 12/2018 (3,8 tỷ đồng), bởi ông Trèn khẳng định với tòa, ông Thịnh đã bỏ trốn tháng 11/2018?

Luật sư trợ giúp pháp lý cho cụ Vấn chứng minh ông Trèn khởi kiện bằng những tài liệu lộ dấu hiệu gian dối, ngụy tạo, với số tiền tỷ liên tục "nhảy múa". TAND TP.Bến Tre xác định ông Thịnh đã biệt tích hơn 2 năm, nên không thể nào đối chất, làm rõ số tiền Thịnh thực nhận và trả cho ông Trèn là bao nhiêu, nhưng lại tuyên cho nguyên đơn dễ dàng thắng kiện bằng Bản án 25 lộ rõ oan sai.

Lại gặp nạn…

Được bản án 25 "như ý”, ông Trèn tiếp tục có đơn ngày 04/4/2023 khởi kiện cụ Vấn và ông Thịnh. Theo nguyên đơn, thửa đất 868 là tài sản chung, sau khi cụ Hưng mất, ông Thịnh được "nhận thừa kế" 1 phần để thi hành án (THA) cho ông Trèn. TAND TP.Bến Tre thụ lý vụ án mới ngày 26/4/2023 với tên gọi khiến cụ Vấn ngỡ ngàng: "Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để THA" (?!).

Phiên tòa sơ thẩm được mở ngày 21/9/2023 với HĐXX do Thẩm phán Huỳnh Thị Thanh Như ngồi ghế chủ tọa, cùng 2 Hội thẩm Trần Văn Hổ và Trần Thị Kim Mỹ.

Đại diện cụ Vấn trình bày: Thửa 868 của cha mẹ cho cụ Hưng trước khi vợ chồng cụ nhận Thịnh làm con nuôi. Ông Thịnh không có công sức đóng góp, lại bất hiếu với cha mẹ (không nuôi dưỡng; không chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật; không về chịu tang khi cha mất...). Ông Thịnh còn lừa gạt, bán đất hương hỏa, là nguồn sống duy nhất của cha mẹ già rồi bỏ đi biệt tích. Từ đó, cụ Vấn đề nghị tòa bác bỏ quyền thừa kế của ông Thịnh đối với di sản của cụ Hưng để lại.

Cụ Vấn thừa nhận: Cụ và cụ Hưng lúc còn sống, đã ký giấy tay 2 HĐCN một phần diện tích thửa đất 868. Cụ thể: Ngày 02/7/2017, hai cụ ký bán cho ông Ngô Quốc Thụ (SN 1982, cháu ruột cụ Vấn) 1.340,3m2 đất, giá 150 triệu đồng; ngày 17/6/2018, ký bán cho bà Nguyễn Thị Sắc (SN 1956, ngụ xã An Thạnh) 3.014,4m2, giá 600 triệu. Ông Thụ, bà Sắc đã trả đủ tiền, nhận đất, đang quản lý sử dụng. Cụ Vấn đồng ý tiếp tục thực hiện 2 HĐCN trên.

Dù còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nhất là việc ông Thịnh mất tích nhiều năm được chính Thẩm phán Như ký QĐ tuyên bố, nhưng HĐXX đã tuyên Bản án số 143/2023/DS-ST (Bản án 143) ngày 25/9/2023, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trèn. Cụ thể: Ông Thịnh được quyền sử dụng 1/4 thửa đất 868 và sở hữu 1/4 giá trị tài sản gắn liền với đất, để THA cho ông Trèn. Ông Thịnh phải nộp 84 triệu đồng án phí.

Về 2 HĐCN đất, HĐXX tuyên vô hiệu, buộc ông Thụ và bà Sắc trả lại đất cho cụ Vấn. Cụ Vấn phải hoàn lại cho ông Thụ 879,18 triệu đồng, bà Sắc 2,108 tỷ đồng.

Trình đơn kêu cứu kèm chứng cứ liên quan, cụ Vấn và nhóm trợ giúp pháp lý chỉ ra Bản án 143 gây oan sai nghiêm trọng.

Thứ nhất, ông Thịnh lộ dấu hiệu câu kết ông Trèn để chiếm đoạt thửa đất 868. Cụ Hưng và cụ Vấn phải khổ công thưa kiện mới lấy lại được từ tay ông Trèn. Cụ Hưng chết trong uất ức vì đưa con nuôi. Ông Trèn cùng ông Thịnh "bùa" HĐCN để chiếm đoạt thửa đất nhưng không bị xử lý, nay quay lại khởi kiện để lấy đất lần nữa...

Thứ hai, ông Thịnh đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ; lừa gạt cha mẹ bán đất rồi bỏ trốn, hiện đang biệt tích nên chưa đủ căn cứ xác thực để tòa cho hưởng 1/4 tài sản theo yêu cầu ông Trèn.

Thứ ba, 2 HĐCN đất cho ông Thụ và bà Sắc hợp pháp, không có ai khiếu nại, tranh chấp. Cả 2 HĐCN này thể hiện rõ ý chí của cụ Hưng ký bán lúc còn sống; các bên đã thực hiện xong hợp đồng cách nay hơn 6 năm. Tòa tuyên vô hiệu là không có căn cứ, xúc phạm đến vong linh người đã khuất. Còn cụ Vấn đã 82 tuổi, mắc nhiều bệnh, như "đèn treo trước gió”. Hiện cụ sống bằng trợ cấp xã hội, lấy đâu ra gần 3 tỷ đồng trả ông Thụ và bà Sắc theo phán quyết của tòa? Với bản án này, đến chết cụ Vấn vẫn còn mắc nợ oan ức!

NHÓM PV CHUYÊN ĐỀ

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/la-ky-nguoi-mat-tich-duoc-toa-chia-huong-hoa-de-thi-hanh-an_156893.html