Cùng với không gian chợ hoa Tết, các hoạt động văn hóa truyền thống thì ở phố bích họa Phùng Hưng cũng có những gian hàng mang đậm nét văn hóa xưa
Một gian hàng được bày bán nhiều con vật hết sức ngộ nghĩnh nhưng cũng rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày
Những con vật như chó, mèo, lợn, gà, chim, chuột đủ loại khá sinh động
Ít ai biết được tên gọi của chúng nếu không từng nghe qua
Đó là phỗng đất, một trong những nét văn hóa dân gian chỉ có ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)
Để làm một bộ phỗng đất khá kỳ công, nguyên liệu làm phỗng đất là đất sét và giấy bản. Đất sét được đào ở độ sâu từ 2-2,5m, đem phơi khô, đập, giã thành bột mịn
Ông Phùng Đình Giáp, nghệ nhân nặn phỗng đất đến từ Thuận Thành, Bắc Ninh. Cả vùng đất Kinh Bắc chỉ duy nhất gia đình ông theo cái nghề vừa lạ vừa độc đáo này
Theo ông mô tả, sau khi "chế biến" đất sét thì phải lấy giấy bản ngâm trong nước 7 ngày cho mủn hoàn toàn thì trộn đất và giấy với nhau, vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại rồi mang ra nặn, nặn xong phơi ra ngoài nắng phơi cho khô
Phỗng đất sau khi phơi khô sẽ được sơn phủ một lớp hỗn hợp gồm bột điệp trắng, hồ pha với nước theo tỉ lệ thích hợp
Dù không nung qua lửa, nhưng các sản phẩm phỗng có độ bền tốt
Mỗi phỗng đất như thế này có giá trung bình từ 200 nghìn đồng trở lên
Nhiều người dân tò mò khi lần đầu nhìn thấy phỗng đất như thế này
Những phỗng đất có dáng vẻ thanh thoát, dân dã và nét văn hóa truyền thống
Những em nhỏ không ngừng để mắt tới các con vật ngộ nghĩnh này khi tới phố bích họa Phùng Hưng
“Chẳng biết phỗng đất ra đời từ bao giờ, nhưng tôi nhất định sẽ không để phỗng biến mất..." ông Phùng Đình Giáp chia sẻ
Lam Thanh