Lạ lùng Bùi Tiến Dũng

Với hai pha cản phá thành công trước cú sút từ chấm 11 m của Ismaheel và Thanh Hải cùng pha làm Jilic mất tập trung đá ra ngoài, Bùi Tiến Dũng tiếp tục thành chuyên gia bắt luân lưu.

“Người hùng Thường Châu” đã có những pha cản phá xuất thần trên chấm luân lưu để Việt Nam đánh bại Iraq ở tứ kết rồi loạt tiếp Qatar ở bán kết giải U-23 châu Á hai năm trước, nay lại khiến người xem nhớ lại qua loạt luân lưu trên sân Thống Nhất.

Tối 30-5, thủ môn Bùi Tiến Dũng lại buộc người xem nhớ đến hình ảnh của mình tại Thường Châu với hai pha đổ người hai góc khác nhau để vô hiệu hóa hai quả sút 11 m của Ismaheel và Thanh Hải giúp TP.HCM loại SHB Đà Nẵng tại vòng 16 đội Cúp Quốc gia.

Không còn nghi ngờ gì nữa, không chỉ thầy Park mà vị HLV đồng hương của thầy Park là ông Chung Hae-seong của TP.HCM cũng đã biết thế mạnh của thủ môn này. Sau khi cản phá thành công hai quả phạt đền tối 30-5 trên sân Thống Nhất và chính thức giúp TP.HCM vào tứ kết Cúp Quốc gia, trên khu VIP khán đài sân Thống Nhất, trợ lý Lee Young-jin của HLV Park Hang-seo ngồi cười khoái trá. Một nụ cười có vẻ như ông Lee đã biết kết cục là thế vì ông quá hiểu “gà” của mình trên đội U-23 Việt Nam lẫn đội tuyển.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng vô hiệu hóa hai quả luân lưu và mừng chiến thắng của TP.HCM trong vòng tay đồng đội. Ảnh: XUÂN HUY

Thủ môn Bùi Tiến Dũng vô hiệu hóa hai quả luân lưu và mừng chiến thắng của TP.HCM trong vòng tay đồng đội. Ảnh: XUÂN HUY

Kể từ khi trở thành “người hùng Thường Châu”, thủ môn Bùi Tiến Dũng luôn tạo ra những luồng dư luận trái ngược nhau. Gần nhất là ở SEA Games 30, bàn thua trước U-22 Indonesia ở vòng bảng sau đó U-22 Việt Nam thắng chung cuộc 2-1 đã tạo ra trào lưu “ném đá” thủ môn này.

Tiến Dũng hay lập bập, căng thẳng và thiếu dứt khoát trong xử lý khi bắt bóng bổng. Điều đấy dường như đã trở thành điểm yếu cố hữu của thủ môn này. Nhưng mỗi khi đứng trước loạt luân lưu thì Tiến Dũng trở nên một hòn đá tảng tạo tâm lý bất an cho các chân sút đối mặt. Cũng không sai khi có người ví von: Bùi Tiến Dũng sinh ra để vô hiệu hóa những quả 11 m.

Sau loạt luân lưu trên sân Thống Nhất tối 30-5, Bùi Tiến Dũng bật mí: “Tôi cố nắm bắt diễn tiến tâm lý và tư thế của cầu thủ sút phạt, tất nhiên là có lúc đúng, lúc sai. Không có gì tuyệt đối cả, đó chỉ là khoảnh khắc và chỉ cần khoảnh khắc cảm nhận đúng và thế là đưa ra quyết định kịp thời thôi”.

Còn HLV thủ môn đội TP.HCM Trần Minh Quang cho biết: “Trong những buổi tập, CLB TP.HCM tập sút luân lưu rất nhiều, cả Thanh Thắng và Tiến Dũng đều thể hiện tốt khi đứng trong cầu môn nhưng tôi vẫn tin tưởng Bùi Tiến Dũng bắt luân lưu tốt hơn”.

Từ Thường Châu cho đến Cúp Quốc gia, chiến thắng trên chấm luân lưu đã trở thành thương hiệu riêng của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Tuy nhiên, thủ môn này cần phải cải thiện thật nhiều về yếu tố tâm lý, sự dứt khoát trong những pha bóng bổng.

Hy vọng từ việc tái lập hình ảnh Thường Châu hai năm trước, thủ môn Bùi Tiến Dũng sẽ thêm tự tin và nỗ lực nhiều hơn để vượt qua những vết tì mà anh đã trải qua rất nhiều trong khung thành, từ CLB Thanh Hóa sang Hà Nội, đội U-22 Việt Nam.

Bắt đầu lại từ CLB TP.HCM được không Bùi Tiến Dũng?

Vòng 16 đội Cúp Quốc gia có ba trận phải giải quyết trên chấm luân lưu

Vòng 16 đội Cúp Quốc gia có điều thú vị ngay những trận đầu đã có đến ba trận phải giải quyết trên chấm luân lưu. Đó là chiến thắng của đội hạng Nhất, Bà Rịa-Vũng Tàu ngay trên sân Vinh trước chủ nhà SL Nghệ An sau 90 phút hòa 1-1; là chiến thắng của chủ nhà Than Quảng Ninh trước DNH Nam Định sau hai hiệp chính hòa 2-2; là chiến thắng của chủ nhà TP.HCM trước SHB Đà Nẵng sau 90 phút hòa 0-0.

Các trận còn lại, An Giang - Viettel 0-2, B. Bình Dương - Thanh Hóa 1-0, Cần Thơ - Bình Phước 1-0, Quảng Nam - Hà Tĩnh 0-1, Hà Nội - Đồng Tháp: 3-0.

Tám đội vào tứ kết gồm hai đội hạng Nhất là Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ và sáu đội V-League gồm Than Quảng Ninh, TP.HCM, Viettel, B. Bình Dương, Hà Tĩnh, Hà Nội.

Đ.TR

TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/la-lung-bui-tien-dung-915862.html