Lạ lùng cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo vẫn 'xanh ngắt'

Từ ngày 11/7, cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo.

Dù bị đưa vào diện cảnh báo, nhưng cổ phiếu HBC và HPX vẫn diễn biến khá tích cực. (Ảnh minh họa)

Dù bị đưa vào diện cảnh báo, nhưng cổ phiếu HBC và HPX vẫn diễn biến khá tích cực. (Ảnh minh họa)

Theo HoSE, việc cổ phiếu HBC bị đưa vào diện cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 14.149 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với trước kiểm toán và tăng 25% so với năm 2021. Tuy nhiên, số liệu sau kiểm toán có biến động mạnh, lỗ ròng tăng gấp 2,27 lần lên 2.594 tỷ đồng so với mức 1.138 tỷ đồng ở báo cáo tự lập.

Không chỉ vậy, tại báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc bị đưa vào diện cảnh báo, cổ phiếu HBC còn được theo dõi ở các diện sau: Cổ phiếu bị kiểm soát theo Quyết định số 165/QĐ-SGDHCM ngày 10/4/2023 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (năm 2021 - 2022) và cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo Quyết định số 221/QĐ-SGDHCM ngày 16/5/2023 của HoSE do công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày.

Mới đây, HoSE cũng quyết định đưa cổ phiếu HPX vào diện cảnh báo do công ty chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.

Ngoài ra, HoSE cũng vừa đưa cổ phiếu HPX vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện cấp margin trong quý III/2023, do cổ phiếu này thuộc diện hạn chế giao dịch, đồng thời công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán.

Lý giải nguyên nhân, Đầu tư Hải Phát cho biết do việc tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty để xin ý kiến cổ đông thông qua việc đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 bị kéo dài, nên kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của công ty bị kéo dài so với dự kiến.

Hải Phát đang phối hợp với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến Hải Phát, trước đó, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

Đáng chú ý, dù bị đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo nhưng sau đó, cổ phiếu HBC và HPX vẫn giao dịch khá tích cực.

Cụ thể, chốt phiên ngày 10/7, thị giá cổ phiếu HBC tăng lên mức 9.650 đồng/cp với tổng khối lượng gần 2,4 triệu đơn vị, ghi nhận 2 phiên tăng giá liên tiếp. Trước đó, trong phiên 7/7, cổ phiếu này cũng tăng 3,8% lên mức 9.550 đồng/cp với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2,5 triệu cổ phiếu, ngay sau khi thông báo của HoSE đưa ra.

Trong khi đó, cổ phiếu HPX ghi nhận phần trăm tăng giá cao hơn, lên mức 4.180 đồng/cp (phiên 10/7) với khối lượng khớp lệnh gần 3 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trước đó, phiên 7/7, cổ phiếu này giảm nhẹ 0,24%.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/la-lung-co-phieu-bi-dua-vao-dien-canh-bao-van-xanh-ngat-apos-1093784.html