Lạ lùng dự án kè chống sạt lở ở Kon Tum khi chưa bàn giao đã hỏng
Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô có tổng mức đầu tư hơn 93 tỉ đồng sau hàng chục năm thi công đến nay vẫn chưa bàn giao.
Các hạng mục của dự án nằm “đắp chiếu”, hư hỏng, sụt lún. Công trình được Nhà nước đầu tư tiền tỉ chưa phát huy tác dụng đã xuống cấp thì cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm?
Dự án 93 tỉ đồng chưa bàn giao đã hỏng
Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô có chiều dài hơn 1,9 km, với tổng mức đầu tư hơn 93 tỉ đồng. Dự án có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng công trình chống sạt lở đê, phòng chống lụt bão cấp bách.
Dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.
Tìm hiểu của Báo GD&TĐ, Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô được triển khai từ năm 2009. Khi đang thi công dở dang thì đến năm 2013 phải tạm ngừng. Lý do được đưa ra là vì khó bố trí vốn. Thời điểm đó khối lượng công trình đạt giá trị xây lắp trên 25 tỉ đồng.
Đến năm 2019, dự án được tái khởi động, được bố trí hơn 11,8 tỉ đồng vốn để tiếp tục triển khai các hạng mục cấp thiết, dự kiến tháng 12/2021 hoàn thành, bàn giao.
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum thì trong thời gian chờ bàn giao công trình dự án gặp sự cố. Đó là tháng 9/2022, cơ bão số 4 đã gây sạt lở, hư hỏng phần chân kè và mái kè phía sông với tổng chiều dài khoảng 60 m.
Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn bờ kè qua thôn Đông Sông (thị trấn Đăk Glei) dài khoảng 60 mét đã bị sạt lở phần mái, các tấm gạch bảo vệ ở phần thân bong tróc… Một số đoạn phần mái bị hỏng, lún sụt một đoạn dài dẫn đến “hở hàm ếch”.
Chiều 2/6, công tác khắc phục đang được triển khai. Tại Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô có 5 công nhân, một máy múc hoạt động lắp tấm đan bị bong tróc vào điểm hư hỏng. Thế nhưng, dự án vẫn ngổn ngang, hàng trăm tấm đan bị vứt vương vãi dưới mép sông…
Bà Hà Thị Song Huệ (thôn Đông Sông) cho hay, trước kia những khi mưa bão lớn, trong thôn xuất hiện tình trạng ngập lụt. Theo đó, nước tràn vào những hộ ở khu vực trũng thấp. Nhà bà Huệ có nền đất cao ráo, nhưng nước cũng mấp mé mép sân.
Bà Huệ tỏ thái độ mất niềm tin vì bờ kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô xây dựng đã lâu, kéo dài hàng chục năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số chỗ hư hỏng. Do đó, theo bà Huệ, người dân nơi đây rất mong ngóng các cơ quan ban ngành đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện. Từ đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh ngập lụt.
Còn theo một người dân tại thôn Đông Sông, trong những trận mưa lũ gần đây, cống thoát nước của thôn nhỏ, không thể đổ ra sông Pô Kô nên gây ngập lụt, nước tràn vào nhà một số hộ dân ở khu vực trũng thấp.
“Chúng tôi không biết nguyên nhân do đâu, nhưng việc ngập lụt vào mùa mưa bão ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con, tiềm ẩn nguy hiểm đối với mọi người”, người dân ở đây phản ánh.
Chờ phân cấp quản lý để bàn giao
Về vấn đề này, Lãnh đạo UBND huyện Đăk Glei xác nhận: Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô thi công đã lâu, từ năm 2009 đến nay vẫn chưa hoàn thành và bàn giao. Huyện Đăk Glei là đơn vị thụ hưởng nên việc chậm bàn giao ít nhiều cũng ảnh hưởng đến địa phương và đời sống người dân.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum xác nhận đúng là có việc một đoạn kè dự án qua thị trấn Đăk Glei bị hư hỏng. Gói thầu hư hỏng do liên danh gồm 3 nhà thầu tại tỉnh Kon Tum thi công, hoàn thành vào cuối năm 2021.
Theo ông Tuấn, trong thời gian chờ bàn giao, nghiệm thu thì tháng 10/2022 kè bị hư hỏng với giá trị thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng. Phần hư hỏng này do Công ty TNHH Tuấn Dũng thi công. Nguyên nhân hư hỏng được xác định là do bão lũ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, ngay khi phát hiện hư hỏng do bão đã có văn bản gửi ngành chức năng xin hỗ trợ khắc phục. Tuy nhiên, do gặp một số vướng mắc nên việc xin kinh phí khắc phục không được thông qua, gây nên thời gian kéo dài.
“Hiện dự án chưa nghiệm thu, bàn giao nên khi hư hỏng, trách nhiệm sửa chữa thuộc về nhà thầu thi công là Công ty TNHH Tuấn Dũng (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum)”, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum khẳng định.
Ngoài lý do như đã nêu, còn có một lý do khác khiến dự án này còn nhiều “nhùng nhằng” chưa thể hoàn thành dứt điểm được. Như thông tin từ Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum thì có một phần nguyên nhân là do UBND tỉnh Kon Tum chưa có văn bản phân cấp đơn vị quản lý.