Dưới chân dãy núi Transantarctic (dãy núi đá nổi lên và kéo dài dọc Nam Cực) thuộc thung lũng khô McMurdo có một hồ nước kì lạ tên Don Juan. Hồ Don Juan được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1961.
Tên của nó được đặt theo tên của các phi công lái trực thăng cho đoàn thám hiểm Nam Cực khi đó là Donald Roe và John Hickey.
Điều kì lạ là dù vào mùa đông, thậm chí khi nhiệt độ chỉ còn âm 50 độ C mọi thứ ở Nam Cực đều đóng băng trừ hồ Don Juan. Đặc biệt hơn nữa, trong điều kiện khô hạn của Nam Cực với lượng mưa hàng năm chỉ ở mức 50 mm, các nhà khoa học chưa thể xác định được rằng hồ Don Juan lấy nguồn cung cấp nước từ đâu.
Chỉ sâu hơn 10 cm, hồ Don Juan trông giống như 1 vũng nước chứa thứ chất lỏng màu trắng hơn là một cái hồ. Chính vì thế, các nhà khoa học của đại học Washington đã quyết định tới hồ Don Juan để xác định chính xác xem nước ở đây có đặc điểm gì mà dù nhiệt độ xuống thấp mà vẫn không bị đóng băng.
Ronald Sletten, giáo sư của khoa Khoa học Trái đất thuộc Đại học Washington cho biết: "Hồ Don Juan vô cùng đặc biệt. Mục tiêu của chúng tôi là hiểu rõ hơn về các thành phần có trong nước và nguồn nước của hồ."
Sletten và nhóm của ông đã dành 6 tuần ở Nam Cực để nghiên cứu về hồ Don Juan, dòng chảy của nó cũng như môi trường xung quanh. Đối với nhóm khoa học, nghiên cứu này còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm hiểu về sự sống trên các hành tinh khác, đặc biệt là trên sao Hỏa.
Bởi môi trường của thung lũng McMurdo ở Nam Cực có nhiều điểm tương đồng với sao Hỏa, đó là lạnh, mặn và khô. Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), tổ chức này cũng quản lý Chương trình Nam Cực của Hoa Kỳ và NASA.
Theo kết quả nghiên cứu, hồ Don Juan là hồ nước mặn nhất thế giới với độ mặn vượt quá mức của đại dương (vượt quá 3,5%). Hồ Don Juan có độ mặn lên tới 47,4%, gần như gấp 1,5 lần so với Biển Chết và 13,5 lần so với đại dương. Do đó, dù nằm ở một trong những khu vực lạnh nhất ở Nam Cực, nó vẫn không bao giờ đóng băng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hồ Don Juan có độ mặn như vậy là bởi nó lấy muối từ các dòng nước ngầm dưới chân của dãy Olympus và Asgrad. Ngoài ra nó còn nhận được khoáng chất được hòa tan từ các tảng đá ven hồ.
Cũng theo nghiên cứu này, hồ Don Juan được cung cấp nước từ một hệ thống nước ngầm sâu. Theo tính toán của họ, mỗi 6 tháng hệ thống nước ngầm bên dưới sẽ dâng lên cao và thoát lên mặt đất tạo thành nước hồ Don Juan.
Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Penn State đã phát hiện ra dấu vết của sự sống vi sinh trong hồ Don Juan. Họ đã tìm thấy dưới bề mặt nước các lớp hữu cơ mỏng với độ dày 2 – 5mm được tìm thấy ở phía Tây của hồ. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một quần xã vi sinh bao gồm các dạng dị dưỡng và sinh vật nhân sơ, nấm trong hồ.
Tuy nhiên, họ vẫn đang nghiên cứu xem liệu đó có phải là những vi sinh thực sự sinh sôi tại đây không, hay chỉ là các vi sinh vật từ nơi khác theo gió cuốn tới.
Corien Bakermans, nhà vi sinh vật học từ Đại học Penn State cho biết, hồ Don Juan được coi như một ví dụ về một nơi trên Trái Đất mà chúng ta cho là có tồn tại sự sống, nhưng lại không thể xác định được là có sự hiện diện đó hay không?
Lê Trang (TH)