Lạ lùng loài chim sặc sỡ thích ăn đất sét
Ở những vách núi đất sét miền đông nam Peru, ước tính hằng ngày có đến 18 loài vẹt kéo đến ăn… đất. Vì sao chúng có thói quen này?
Trước đây, giới nghiên cứu tin rằng những thành phần trong đất sét có khả năng giúp chim tránh bị ngộ độc trong tự nhiên. Nhờ đó, khi nguồn thức ăn khan hiếm, chim có thể tiêu hóa những loại cây trái chứa hàm lượng độc tố ở mức vừa phải.
Một số nghiên cứu ở cấp độ phòng thí nghiệm cho thấy đất sét có thể kết hợp với một vài nguyên tố độc và ngăn chúng đi vào hệ tuần hoàn, giữ an toàn cho vẹt.
Giả thuyết thứ hai là đất sét giúp bổ sung một số khoáng chất cần thiết mà chế độ ăn chỉ gồm thực vật không đáp ứng đủ.
Với loài vẹt ở Amazon, natri được xem là chất cần thiết cho sự hoạt động của hệ thần kinh cũng như sự co dãn cơ bắp. Nguồn cung natri trong các khu rừng mưa nhiệt đới thường rất khó tìm thấy, nhưng lại được trữ nhiều trong những phiến đất sét.
Ước tính những khu đất sét vùng Amazon chứa nhiều natri hơn gấp 40 lần so với các thực phẩm mà những loài vẹt thường tiêu thụ.
Giữa hai giả thuyết trên, giả thuyết nào mới đúng? Để tìm câu trả lời, nhà sinh vật học Donald Brighsmith - Đại học Texas A&M (Mỹ) - đã tiến hành một dự án quan sát những đàn vẹt ở khu vực rừng Amazon kéo dài 16 năm nhằm nghiên cứu thói quen ăn đất sét của bọn vẹt.
Theo NPR, sau hơn 20.000 giờ quan sát và ghi lại dữ liệu trong thời gian dài giữa chế độ ăn và chỉ số cơ thể, nhóm nghiên cứu của Brighsmith kết luận những bằng chứng cho thấy loài vẹt ăn đất sét để tẩy độc vẫn chưa thuyết phục.
Thay vào đó, số liệu thống kê giữa chế độ ăn và sự thiếu hụt một số khoáng chất ở vẹt lại quan hệ chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, Elizabeth Hobson - nhà sinh thái học hành vi tại Viện Santa Fe (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu - cho biết hầu hết chim mái ăn đất sét nhiều nhất là trong giai đoạn mang thai. Việc này nhằm cung cấp thêm chất dinh dưỡng thiếu hụt khi sinh con.
"Natri là chất cần thiết nhưng thường thiếu nghiêm trọng trong chế độ ăn của loài vẹt vùng Amazon, do đó chúng cần bổ sung thêm, đặc biệt là trong những lúc quan trọng như mang thai", Hobson nói.
Theo Mrinalini Watsa - nhà sinh vật học Đại học Missouri-St. Louis (Mỹ) - thói quen "ăn đất" còn xuất hiện ở nhiều loại động vật khác, trong đó có cả voi, dơi, hay tinh tinh.
Watsa giải thích, với những động vật bậc cao, thói quen ăn đất thường nhằm mục đích giải độc hoặc hỗ trợ tiêu hóa hơn là bổ sung các chất.