Là một loài rùa mai mềm đặc hữu của Trung Quốc, ba ba trơn hay ba ba hoa (Pelodiscus sinensis) là loài rùa được nuôi phổ biến nhất thế giới ngày nay.
Dài 27-33 cm, những con rùa này thuộc một nhóm rùa có vỏ da mềm bao phú phần thân, đặc biệt là ở hai bên. Phần trung tâm của mai có một lớp xương rắn bên dưới. Chiếc mai dẹp, nhẹ và linh hoạt cho phép chúng di chuyển và ẩn nấp dễ dàng dưới đáy sông, hồ đầy bùn.
Là loài săn mồi, ba ba trơn ăn cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm, côn trùng... mà chúng tìm thấy ở dưới nước. Chúng cũng ăn xác động vật chết và đôi khi là hạt của các loại cây trong khu vực phân bố.
Một đặc điểm sinh học độc đáo của loài rùa này là chúng mang gen tạo ra một loại protein cho phép tiết ra urê từ miệng, giúp tồn tại trong vùng nước lợ mà không cần uống quá nhiều nước tại môi trường này.
Ba ba trơn có tập tính chỉ nhô phần mắt và mũi lên trên mặt nước, khi thấy có động sẽ rụt xuống và lủi đi rất nhanh.
Chúng đạt đến độ tuổi thành thục sinh dục vào khoảng từ 4 đến 6 tuổi. Con cái đẻ 8–30 trứng trong một ổ và có thể đẻ từ 2 đến 5 ổ mỗi năm. Thời gian ấp khoảng 60 ngày. Giới tính ba ba sơ sinh không phụ thuộc vào nhiệt độ.
Do ba ba trơn đã được người Trung Quốc đem đi nhiều nơi để sử dụng làm thực phẩm và dược liệu từ lâu đời, việc xác định phạm vi bản địa chính xác của chúng là điều rất khó. Cùng với sự di cư của cộng đồng Hoa kiều, loài lùa này đã được đưa đến nhiều quốc gia.
Ngày nay, ba ba trơn đã trở thành quần thể du nhập ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Do khả năng thích nghi tốt và đặc tính phàm ăn, chúng đã trở thành loài xâm hại ở một số nơi.
Trong môi trường tự nhiên ở Trung Quốc, những con rùa này được tìm thấy ở sông, hồ, ao, kênh và lạch có dòng chảy chậm. Nhưng ở những nơi được du nhập, như Hawaii, chúng có thể được tìm thấy trong hệ thống rãnh thoát nước.
Hàng trăm triệu con ba ba trơn đang được nuôi ở nhiều quốc gia trên thế giới để làm thực phẩm, đặc biệt là ở Trung Quốc. Đây cũng là loài ba ba được nuôi nhiều nhất ở Việt Nam. Chúng được coi là loài rùa quan trọng nhất về mặt kinh tế trên thế giới.
Mặc dù được nuôi nhân tạo trên quy mô lớn, ba ba trơn lại được đánh giá là một loài “sắp nguy cấp” trong tự nhiên. Mối đe dọa lớn nhất đối với chúng là việc săn bắt quá độ và suy thoái môi trường sống.
Mời quý độc giả xem video: Khám phá thế giới của loài bọ ngựa | VTV2.
T.B (tổng hợp)