Lạ lùng tuyển Ấn Độ từng bị FIFA đuổi khỏi World Cup

Tuyển Ấn Độ hành trình bằng tàu biển đến Brazil đá World Cup 1950 nhưng không mang giày và bị LĐBĐ thế giới (FIFA) đuổi về.

Tuyển Ấn Độ sẽ chạm trán với tuyển Việt Nam lúc 18 giờ ngày 12-10 trên sân Thiên Trường, Nam Định.

Bóng đá Ấn Độ nói riêng và thể thao Ấn Độ có những chuyện rất lạ đời. World Cup 1950, khi nhận lời mời của chủ nhà Brazil, họ hành trình đến Brazil bằng việc đi vòng quanh thế giới bằng tàu biển, nhưng đi nửa chừng họ quay về vì cầu thủ đá chân trần.

Vòng chung kết World Cup 1950 diễn ra tại Brazil. Đó là World Cup đầu tiên sau Thế chiến 2, hầu hết các nước châu Âu rơi vào thế kiệt quệ. Tuyển Ấn Độ đã vượt qua vòng loại khu vực châu Á. Lần đó chỉ có 13 đội tuyển quốc gia tề tựu về Brazil để tham dự World Cup 1950, Ấn Độ cũng giống như nhiều quốc gia khác định bỏ World Cup 1950 vì quá khó khăn khi hành trình bằng tàu biển đi nửa vòng trái đất.

 Những đôi chân trần của tuyển Ấn Độ ra sân thi đấu tại Olympic 1948. Ảnh: FIFA

Những đôi chân trần của tuyển Ấn Độ ra sân thi đấu tại Olympic 1948. Ảnh: FIFA

Lần đó Brazil gởi thư mời đến LĐBĐ Ấn Độ bao chi phí toàn bộ chuyến đi tàu của tuyển Ấn Độ đến Brazil. Tuy nhiên cuộc hành trình bằng tàu được ít ngày thì tuyển Ấn Độ phải quay về vì bị FIFA đuổi do cầu thủ không quen mang giày đá bóng và không mang theo giày, họ chỉ đá chân trần, cùng lắm là mang tất.

Cần nói thêm trước đó, đội tuyển của họ cũng đá chân trần tại Olympic 1948 nhưng được phép đá vì phong trào Olympic là thể thao nghiệp dư. Còn World Cup thì không thể và cuối cùng con tàu chở đội tuyển Ấn Độ đến Brazil phải quay về. Đá bóng mà đội bạn mang giày còn mình không mang giày thì cực kỳ nguy hiểm cho chân, nhất là khi giẫm đạp nhau, giày đá bóng thời bấy giờ rất nặng và rất cứng, một cú giẫm lên bàn chân có thể gây chấn thương nặng.

 Đội hình rất đẹp nhưng chỉ mang tất và cắt phần đầu để những chân bám mặt sân. Ảnh: FIFA

Đội hình rất đẹp nhưng chỉ mang tất và cắt phần đầu để những chân bám mặt sân. Ảnh: FIFA

Câu hỏi đặt ra là vì sao một quốc gia từng một thời gian cực dài là thuộc địa của Anh nhưng lại chơi môn bóng đá không mang giày? Môn bóng đá ở Ấn Độ cũng chính do người Anh gầy dựng lên phong trào.

Đó là sau khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947 thì “làn sóng bài ngoại” trổi dậy mạnh nhất. Nhà tư tưởng Jawaharlal Nehru trở thành Thủ tướng, ông từng du học ở Anh về. Tuy nhiên làn sóng bài ngoại trỗi dậy và theo “tu hành” hầu hết mọi người đi bằng chân trần để không giẫm chết hoa, lá cỏ, cây, kiếng, côn trùng.

Và từ trào lưu này cả Ấn Độ làm điều đó bằng sự ý thức xã hội cực cao. Những người chơi thể thao cũng đều đi bằng chân trần. Tư tưởng này đến ngày nay đâu đó ở Ấn Độ cũng còn sót lại. Cụ thể hồi ASIAD 18 năm 2018 tại Indonesia vẫn có một VĐV Ấn Độ chạy việt dã về nhất bằng đôi chân trần.

Những năm 1950, bóng đá Ấn Độ là một thế lực châu Á, họ từng nhiều lần lên ngôi châu Á, ASIAD và từng góp mặt nhiều lần ở Olympic vẫn thi đấu bằng chân trần.

 Trong đội tuyển Ấn Độ lúc bấy giờ chỉ có thủ môn là mang giày. Ảnh:FIFA

Trong đội tuyển Ấn Độ lúc bấy giờ chỉ có thủ môn là mang giày. Ảnh:FIFA

Tuy nhiên sau đó thì “tư tưởng Jawaharlal Nehru” mai một dần cùng với sự phát triển của thể thao nên “hậu thế” bắt đầu làm quen với đôi giày để đảm không bị chấn thương khi thi đấu. Thể thao Ấn Độ nói chung và bóng đá nói riêng ngày nay đã khác, đã “bắt kịp” với thế giới thể thao hiện đại, thi đấu thể thao phải mang giày đúng quy chuẩn.

THANH HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/la-lung-tuyen-an-do-tung-bi-fifa-duoi-khoi-world-cup-post814583.html