Lạ mắt với mâm mứt Tết truyền thống bằng… đất sét

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đạt đã tái hiện mâm mứt Tết truyền thống với nguyên liệu bằng đất sét, nhằm đem lại sự ngọt ngào, không khí đoàn tụ ngày Tết và xoa dịu sự mất mát của người dân khi vừa trải qua đại dịch.

Theo truyền thống của người Việt, ngay từ lâu, mâm mứt là thứ không thể thiếu ở mỗi gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Song, ít có ai hiểu hết về ý nghĩa của mâm mứt Tết, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay vẫn chưa có cơ hội tìm hiểu về thức quà ngọt ngào, ý nghĩa của dân tộc.

Nghệ nhân Tấn Đạt tái hiện mâm mứt Tết truyền thống bằng... đất sét.

Bài liên quan

Tổ chức cho các cháu tàn tật mồ côi đón Tết an toàn, vui tươi, đầm ấm

Trung Quốc tặng “hồng bao”, khuyến khích người lao động không về quê đón Tết

Tạp chí Gia đình Việt Nam trao tặng hàng trăm phần quà tiếp sức người nghèo đón Tết

Chật vật tìm căn hộ hợp túi tiền trước Tết Nguyên đán

Thấu hiểu tâm tư của người con đất Việt, nghệ nhân Nguyễn Tấn Đạt (ngụ quận 3, TP. HCM) đã làm ra 8 loại mứt Tết truyền thống, với nguyên liệu bằng… đất sét, khiến người xem phải thốt lên “nhìn y như thật”.

Anh Đạt cho biết, anh lấy cảm hứng làm mâm mứt từ chính nơi anh đang sống. Từ xưa, cư xá đường sắt – cư xá Hỏa Xa là một trong những làng nghề mứt Tết.

Để làm được mâm mứt đúng chính xác với ý nghĩa của nó, nghệ nhân 8X đã đến lò mứt còn tồn tại ở thành phố, để hỏi về từng loại mứt trong mâm mứt Tết.

“Gần 9 tháng qua, người dân ở thành phố nói riêng và người dân cả nước nói chung đã phải trải qua nhiều đau thương, cay đắng do dịch bệnh gây ra. Vì thế tôi muốn tạo ra một giá trị nào đó, nhằm đem lại ý nghĩa ngọt ngào, giúp xoa dịu tâm hồn đã phải chịu nhiều mất mát của chúng ta. Từ đó chúng ta có thể đón một năm mới tốt đẹp hơn”, anh Đạt nói.

Từng loại mứt được anh Đạt khắc họa đầy đủ các chi tiết.

Được biết, mâm mứt Tết của anh Đạt có 8 loại mứt như: Mứt dừa non, mứt gừng, mứt bí, mứt mãn cầu, nho khô, táo khô, mứt hạt sen, mứt củ sen. Bên cạnh đó, mâm mứt có thể ăn kèm với xí muội, sau đó là thưởng thức trà,...

Khó nhất là bước tạo hình cho loại mứt gừng, theo anh Đạt, do mứt gừng có đường bên trên nên khá khó trong việc tạo hình.

"Mâm mứt bằng đất sét phải được tạo hình sao cho người xem nhìn vào có cảm giác thèm ăn, từng loại mứt phải có độ trong và người thực hiện phải làm chủ được chất liệu", nghệ nhân chia sẻ.

Mâm mứt Tết với nhiều loại mứt được trưng bày ở mỗi khay khác nhau, mỗi loại mỗi vị tượng trưng cho đắng, cay, ngọt, bùi đại diện cho hương vị cuộc sống.

Mứt Tết không chỉ là món ăn, mà nó còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong năm mới, tái hiện lại khung cảnh đoàn tụ gia đình và hơn hết là tượng trưng cho lời chúc an lành, ước vọng cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/la-mat-voi-mam-mut-tet-truyen-thong-bang-dat-set-post178764.html