Nghêu thương phẩm có thể được chế biến thành nhiều món ăn như: nghêu hấp gừng, nghêu luộc xả, nghêu xào sa tế, nghêu kho khô… Đặc biệt là món nghêu khô ở vùng Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Tỉnh Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi có nhiều bãi bồi, phù hợp cho các loài nhuyễn thể phát triển. Nghêu ở Mũi Cà Mau nổi tiếng khắp nơi, bởi độ thơm ngọt và đặc biệt là không lẫn cát.
Sau khi ngâm với nước sạch khoảng 10 giờ, nghêu được luộc chín, tách lấy thịt và đem phơi. Thịt nghêu được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, sau khoảng hai ngày có thể dùng ngay được.
Để làm ra được 1kg nghêu khô, cần khoảng 40kg nghêu tươi. Nghêu khô có giá bán trên thị trường khoảng 1 triệu đồng/kg, được nhiều du khách gần xa tìm mua.
Ông Trương Long Châu (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Nghêu khô không khó làm, nhưng đòi hỏi người làm phải có sự cố gắng, cẩn trọng trong việc tách thịt nghêu. Quá trình sơ chế, chế biến nghêu khô phải được chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo thực phẩm sạch, chất lượng. Nghêu khô được đóng gói cẩn thận, hút chân không nên bảo quản được lâu. Nghề làm nghêu khô giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều xã viên trong hợp tác xã".
Mỗi năm hợp tác xã nghêu Đất Mũi (Cà Mau) khai thác và cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn nghêu thương phẩm, còn nghêu khô là một sản phẩm mới, chủ yếu cung cấp thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hâu Giang...
Bà Lê Hồng Em (ngụ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ: "Tôi gắn bó với nghề làm nghêu khô đã hai, ba năm nay. Làm nghêu khô giúp tôi có thêm thu nhập hơn 150.000 đồng/ngày, với công việc là luộc, tách thịt và phơi nghêu".
Nghêu tươi dùng để làm nghêu khô phù hợp nhất là loại 80-90 con/kg, việc phơi sẽ được nhanh khô hơn, nghêu giữ được vị ngọt.
Nghêu khô có thể bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh dùng dần trong vài tháng. Nghêu khô Đất Mũi ăn vào sẽ cảm nhận ngay được vị ngọt, mùi thơm đặc trưng, độ dai vừa phải phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng. Nghêu khô có thể được xem là món quà biếu đặc sản.
Gia Minh