La Nina sẽ ảnh hưởng thế nào đến thời tiết nước ta đầu năm 2025?
Hiện tượng La Nina có thể ảnh hưởng đến thời tiết toàn cầu và gây ra những biến đổi có thể ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường và cuộc sống của con người.
Theo thông báo mới được cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA), La Nina đã xuất hiện ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương.
PAGASA cho hay, việc nhiệt độ bề mặt biển thấp hơn mức trung bình (bắt đầu từ tháng 9/2024) cuối cùng cũng đã đạt tới ngưỡng để gọi là La Nina. Trước đó, các cơ quan khí tượng lớn đã dự báo là La Nina sẽ bắt đầu từ khoảng tháng 10 - 11/2024, nhưng cuối cùng thì hiện tượng này đến muộn hơn.
Ngược lại với El Nino, La Nina thường khiến thời tiết trở nên mát/ lạnh hơn và ướt hơn (độ ẩm, lượng mưa cao hơn) ở Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
PAGASA cho biết, La Nina sẽ tiếp diễn ít nhất là đến hết tháng 3/2025. Do đó, từ giờ đến hết tháng 3, dự báo ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung sẽ có lượng mưa cao hơn mức trung bình (không phải tất cả các địa phương đều như vậy, mà đây là tính trung bình). PAGASA cũng cảnh báo thêm, do độ ẩm cao hơn nên “khả năng có hoạt động của áp thấp nhiệt đới/ bão cũng tăng”. Thêm vào đó, lượng mưa cao hơn trung bình cũng làm tăng nguy cơ ngập lụt.
Ở thời điểm này, độ ẩm tại miền Bắc Việt Nam, bao gồm Thủ đô Hà Nội, cũng đang tăng lên khá cao vào buổi sáng và tối, sáng sớm và đêm có thể lên xấp xỉ 90%, còn buổi trưa thì độ ẩm giảm mạnh. Sự chênh lệch lớn về nhiệt độ, độ ẩm giữa ngày và đêm/ sáng sớm, kèm theo sương mù và tình trạng ô nhiễm khiến nhiều người dễ mắc các bệnh đường hô hấp, cảm… Chính vì thế, khi ra ngoài người dân nên mặc ấm, che kín mũi, miệng.
Hiện tượng La Nina ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống và sản xuất ở mức độ toàn cầu. Việt Nam nằm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nên cũng không nằm ngoài những tác động của các loại hình thời tiết cực đoan, mưa bão, khô hạn...
Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực chịu tác động mạnh của La Nina, trong đó, La Nina làm gia tăng lượng mưa, nhiều trận mưa lớn, bão và bão mạnh, lụt lụt, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm rét hại và các đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại kéo dài, … Kéo theo đó là những tác động xấu đến các hoạt động kinh tế-xã hội, môi trường và sinh thái.
La Nina làm gia tăng các trận mưa lớn, lũ lụt thường xuyên hơn. Mùa mưa bão, miền Trung hứng chịu nhiều đợt mưa lớn kéo dài, nhất là từ tháng 9 đến tháng 12. Điều này dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, sạt lở đất, và thiệt hại lớn về người và tài sản. Các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng của mưa lớn, gây ra lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt nguy hiểm đối với các cộng đồng dân cư sống ở những khu vực này.
Các chuyên gia cho biết, hiện tượng La Nina thường liên quan đến sự gia tăng hoạt động của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông. Ở Việt Nam trọng tâm là các tỉnh ven biển miền Trung và miền Bắc có thể phải đối mặt trực tiếp với nhiều cơn bão hơn, có sức mạnh lớn và gây thiệt hại nặng nề.
La Nina gây ra mưa lớn, lũ lụt và bão có thể làm ngập úng và hư hại lượng lớn diện tích đất trồng lúa và các loại cây trồng khác. Tình trạng sạt lở và xói mòn đất cũng làm giảm chất lượng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ẩm ướt do mưa lớn cũng có thể tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi phát triển, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nông sản.
Lũ lụt và bão do La Nina gây ra gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, nhà cửa và phương tiện sản xuất, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, thương mại và giao thông.