La Nina xuất hiện vào đúng mùa mưa bão, Biển Đông có thể đón bão chồng bão

Dưới trạng thái La Nina, từ tháng 10 đến tháng 12, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía Nam.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát bản tin dự báo mùa. Theo đó, hiện tượng ENSO vẫn đang trong trạng thái trung tính, từ tháng 10 - tháng 12 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%.

Dưới trạng thái La Nina, từ tháng 10 đến tháng 12, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN từ 4 - 5 cơn); trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với TBNN (TBNN 1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam. Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Chính vì vậy, trong thời điểm này vùng ven biển các tỉnh khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ cần lưu ý đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão/áp thấp nhiệt đới, nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

Ngoài ra, tháng 10 đến tháng 12/2024, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, độ cao sóng ở khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, trên khu vực Bắc và giữa Biển Đông có thể đạt trên 4m, biển động mạnh.

Không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết La Nina xuất hiện đúng vào mùa mưa bão ở miền Trung nên tình hình mưa, bão ở khu vực này khả năng diễn biến sẽ có nhiều phức tạp.

Đặc biệt, nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, nhất là ở các vùng núi cao, nơi có tính chất đất không ổn định.

Lý giải nguyên nhân thời gian qua, dù nước ta mới bước vào giai đoạn trung tính là ENSO nhưng thời tiết đã có những diễn biến bất thường, ông Mai Văn Khiêm cho biết, tháng 6-7 là mùa mưa chính ở Bắc Bộ. Lượng mưa trung bình trong 2 tháng này chiếm khoảng 30-35% tổng lượng mưa của năm. Bên cạnh đó, khi chuyển từ El Nino sang ENSO và La Nina, hệ thống khí quyển thế giới có sự xáo trộn, trong đó có Việt Nam. Điều này dẫn đến những hiện tượng mưa lũ bất thường thời gian qua.

Dự báo xa hơn trong khoảng từ nay đến cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

La Nina có thể làm gia tăng tần suất, cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8 - 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Bên cạnh đó, hiện tượng dông lốc ở đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Trung tâm dự báo KTTV Trung ương

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/la-nina-xuat-hien-vao-dung-mua-mua-bao-bien-dong-co-the-don-bao-chong-bao-post1675853.tpo