Lá phiếu thật trong thế giới ảo

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 chỉ mới qua bước dạo đầu, song những thông tin sai lệch liên quan tới lá phiếu đã đến với các cử tri từ trước đó. Tin giả giờ cũng không còn là chuyện riêng của bầu cử Mỹ, mà nếu có đổ lỗi, người ta nghĩ ngay đến internet và mạng xã hội.

Cùng với thông báo phát hiện và ngăn chặn 4 mạng lưới nước ngoài chuyên tán phát thông tin sai lệch, Facebook-mạng xã hội lớn nhất thế giới gần đây cho biết đang thắt chặt các biện pháp an ninh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khi xuất hiện các dấu hiệu của những hoạt động tấn công trên mạng nhằm vào các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, trong đó có cựu Phó tổng thống Joe Biden.

Internet và mạng xã hội đang trở thành thứ vũ khí nguy hiểm khi ai đó muốn sử dụng thông tin sai lệch để gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử. Một video giả được tạo dựng khéo léo hay một bản tin dù chỉ vỏn vẹn vài dòng trên mạng xã hội cũng có thể khiến sự thật bị biến hình méo mó, làm suy yếu hình ảnh của các chính trị gia và tác động mạnh mẽ tới tình cảm của cử tri.

Ở thời đại internet nở rộ, chỉ cần một cú nhấp chuột là những sản phẩm như vậy được đưa lên mạng xã hội và đến với hàng nghìn, hàng triệu người chỉ trong ít phút. Nguy hiểm hơn, cử tri hoàn toàn có thể bị thuyết phục bởi những thông tin động trời xuất hiện trên chiếc điện thoại nhỏ hơn bàn tay, từ đó dẫn đến quyết định sai lầm.

Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy, có tới một nửa số người Mỹ được hỏi nói rằng họ coi tin giả là một vấn đề lớn đối với đất nước, hơn cả các vấn đề như khủng bố, phân biệt chủng tộc hay nhập cư bất hợp pháp. Đa số người Mỹ cũng nói rằng, tin tức sai lệch và thông tin bịa đặt ảnh hưởng lớn đến niềm tin của họ đối với các tổ chức chính phủ.

Người ta đã sáng chế ra khá nhiều phương thuốc điều trị tin giả hay thông tin sai lệch để đem ra áp dụng trong các cuộc bầu cử quan trọng. Ví như tại Pháp, vào tháng 10-2018, chính phủ nước này đã thông qua hai đạo luật chống tin tức giả nhằm kiểm soát thông tin sai sự thật trong suốt chiến dịch bầu cử. Theo đó, một ứng viên hoặc một đảng chính trị có thể đệ đơn lên tòa án để tìm một phán quyết ngăn chặn việc tán phát các thông tin sai sự thật trong 3 tháng trước cuộc bầu cử quốc gia. Cơ quan quản lý truyền thông Pháp cũng có quyền ngừng phát bất kỳ mạng thông tin nào lan truyền thông tin sai lệch.

Còn tại Mỹ, trước mỗi cuộc bầu cử quan trọng, các website và dự án chống tin giả lại mọc lên như nấm.

Dưới sức ép của chính phủ các nước, các mạng xã hội lớn như Facebook hay Twitter cũng đưa ra những điều chỉnh nhằm chống thông tin sai lệch trong bầu cử và tăng cường bảo mật cho các trang cá nhân của những ứng cử viên chính trị.

Một số quốc gia còn đặt ra chỉ tiêu phải đưa ra lượng tin tức báo chí được coi là chính thống đủ để áp đảo những thông tin trên mạng xã hội.

Nhưng thế giới mạng có tính cách riêng, đó là thật giả lẫn lộn. Lá phiếu của mỗi cử tri vì thế cũng phụ thuộc vào cách mà họ nhìn nhận các thông tin đa chiều dồn dập trong mắt mình, để rồi suy xét và đưa ra quyết định đúng đắn.

Bầu cử là chuyện của mỗi quốc gia, còn đối phó với những thông tin sai lệch trong các cuộc bỏ phiếu giờ đang trở thành thách thức toàn cầu.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/la-phieu-that-trong-the-gioi-ao-598338