'Lá phổi xanh' Tây Bắc

Giữa đại ngàn, nơi mây quấn quýt bên đỉnh và gió trò chuyện với rừng, dãy Hoàng Liên Sơn hiện lên hùng vĩ và đầy bí ẩn. Nơi đây tọa lạc đỉnh Fansipan - 'nóc nhà Đông Dương' và ẩn chứa một trong những báu vật thiên nhiên quý giá: Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi Hoàng Liên Sơn là “lá phổi xanh” của vùng Tây Bắc. Mỗi tán cây không chỉ lọc khí, giữ nước, mà còn lưu giữ ký ức sinh học hàng triệu năm. Khi mặt trời lên, cả cánh rừng như sống dậy trong sắc xanh. Khi mây phủ xuống, từng vạt rừng ẩn hiện, huyền ảo. Rừng chuyển mình theo mùa, thiên nhiên thay áo theo tầng độ cao.

 Vườn Quốc gia Hoàng Liên nhìn từ trên cao.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên nhìn từ trên cao.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên có hệ sinh thái sống động, là vùng đa dạng sinh học đặc biệt của Việt Nam và khu vực. Hơn 28.000 ha rừng đặc dụng, hơn 90% độ che phủ, hàng trăm loài động thực vật quý hiếm - nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trước năm 2002, các nhà khoa học, quản lý và lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã chủ động đề xuất thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên núi Hoàng Liên. Ngày 12/7/2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Vườn Quốc gia Hoàng Liên, bước ngoặt trong công tác bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, là sự thừa nhận cho nỗ lực âm thầm, bền bỉ của những người yêu rừng.

Hiện, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có vùng lõi rộng 29.845 ha, nằm trên hệ núi cao Hoàng Liên Sơn và vùng đệm 38.724 ha, trải rộng trên địa bàn Lào Cai và Lai Châu. Vườn là nơi cư trú của hơn 2.000 loài thực vật, trong đó 147 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật cũng phong phú với 98 loài thú, 346 loài chim, 88 loài lưỡng cư và 67 loài bò sát. Địa hình chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt, động thực vật phân bố theo độ cao - tất cả tạo nên hệ sinh thái quý giá.

Không chỉ bảo vệ rừng, Vườn còn là nơi nghiên cứu khoa học, cứu hộ động - thực vật, phát triển cây dược liệu, tổ chức du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Từ cơ sở nuôi cấy mô duy nhất tại Lào Cai, hàng nghìn giống cây quý như sâm Ngọc Linh, Hoàng Liên gai, Vân Sam, địa lan Sa Pa đã được nhân giống thành công.

 Nghiên cứu khoa học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Nghiên cứu khoa học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

 Hàng nghìn giống cây quý như sâm Ngọc Linh, Hoàng Liên gai, Vân Sam, đã được nhân giống thành công tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Hàng nghìn giống cây quý như sâm Ngọc Linh, Hoàng Liên gai, Vân Sam, đã được nhân giống thành công tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, tỉnh đã triển khai tại đây, mở ra hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng, đồng thời đảm bảo mục tiêu bảo tồn. Tiêu biểu như dự án nhân giống lan Sa Pa (2006 - 2009) cung cấp giống sạch bệnh cho 200 hộ dân; đề tài “Phát triển nguồn gen Hoàng Liên gai” (2017 - 2020) xây dựng hai vườn giống diện tích 3.000 m², cung cấp 20.000 cây/năm; đề tài về Tế tân lá tim (2021 - 2025) nhân giống 50.000 cây, kết hợp mô hình trồng tập trung và dưới tán rừng; đề tài Hoàng đàn (2022 - 2024) nhân giống 20.000 cây, trong đó có 2.000 cây vô tính. Những nghiên cứu này khẳng định bước tiến trong bảo tồn thực vật quý hiếm tại Vườn.

 Nhà bảo tàng đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Nhà bảo tàng đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

 Nhà bảo tàng đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Nhà bảo tàng đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Với vị trí liền kề khu du lịch quốc gia Sa Pa, Vườn có lợi thế thu hút du khách và kết nối truyền thông. Từ một khu bảo tồn nhỏ, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã vươn lên thành biểu tượng bảo tồn hiện đại. Vườn còn lưu giữ tri thức sinh học, kết nối cộng đồng và truyền cảm hứng sống xanh cho hàng triệu người.

 Vườn Quốc gia Hoàng Liên thu hút khách du lịch.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên thu hút khách du lịch.

Năm 2006, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận nơi đây là Vườn Di sản ASEAN - danh hiệu danh giá, ghi nhận tầm vóc quốc tế. Một lần nữa khẳng định, Vườn Quốc gia Hoàng Liên không chỉ thuộc về Lào Cai hay Việt Nam, mà là di sản của nhân loại.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh: “Việc thành lập Vườn là bước ngoặt, giúp định hình lại công tác bảo tồn, thúc đẩy phát triển bền vững và ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sinh học khu vực”. Ông cũng khẳng định giá trị nổi bật về sinh thái, đa dạng sinh học và những đóng góp cụ thể cho cộng đồng đã làm nên uy tín cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

“Bảo tồn không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể” - Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ. Theo ông, để thiên nhiên hồi sinh đúng nghĩa, cần chiến lược dẫn dắt bài bản, kiên định và phù hợp bối cảnh địa phương. Trong đó, bảo vệ và phát triển rừng không tách rời trách nhiệm của chính quyền và người dân, mà song hành như hai cánh của một cánh rừng sinh thái bền vững.

Hiện Vườn đang thực hiện phương án quản lý rừng bền vững 2022 - 2030, với mục tiêu giữ “lá phổi” quý giá, bảo vệ nguồn nước, tăng khả năng sinh thủy - ưu tiên sống còn trong biến đổi khí hậu. Các nguồn gen dược liệu bản địa mang giá trị kinh tế và góp phần ổn định vùng đệm đang được phát triển có định hướng.

Du lịch sinh thái cũng được khai thác có trách nhiệm. Các loại hình như leo núi, trượt thác, lưu trú trên cây... dần trở thành sản phẩm đặc trưng, giúp du khách trải nghiệm mà không làm ảnh hưởng đến thiên nhiên.

Ông Hạnh cũng nhấn mạnh yếu tố con người là then chốt. Bộ máy được tinh gọn, hiệu lực; cán bộ, viên chức được đào tạo bài bản để thích ứng thách thức thời đại số. Đảng bộ Vườn được củng cố về tư tưởng và hành động, bảo đảm vai trò lãnh đạo xuyên suốt.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên không chỉ là rừng, đó là kho tàng gen sống động, nơi tập trung gần 20% loài động - thực vật của Việt Nam, dù chỉ chiếm 1,3% diện tích cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị nhận định thêm: “Đó là minh chứng rõ ràng cho giá trị sinh học của Vườn. Những nỗ lực của chúng ta đã giữ nguyên hệ sinh thái rừng đặc trưng, bảo vệ nguồn nước và khí hậu”.

Vườn cũng đã chủ động trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn hệ sinh thái, phát hiện nhiều cây dược liệu quý - mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Người dân vùng đệm tham gia bảo tồn hệ sinh thái rừng có thêm sinh kế từ các hoạt động du lịch cộng đồng, canh tác bền vững, trồng dược liệu...

 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận nơi đây là Vườn Di sản ASEAN.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận nơi đây là Vườn Di sản ASEAN.

Không dừng lại ở những thành tựu, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang hướng tới mục tiêu giữ rừng theo chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng trung tâm du lịch sinh thái, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước. Giấc mơ về một Vườn Quốc gia kiểu mẫu đang hình thành, nơi rừng được bảo vệ, con người sống hòa hợp với thiên nhiên và di sản được lan tỏa đến mai sau.

Lê Lý

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/la-phoi-xanh-tay-bac-post649655.html