Lá sen và biến tấu của chiếc nón

Nói đến Huế là người ta thường nghĩ về những người con gái thướt tha trong tà áo dài và chiếc nón lá thơ mộng bên dòng Hương Giang, hay tha thướt bên những hồ sen khắp nơi tại xứ sở mộng mơ này. Chiếc nón lá gắn với tà áo dài đã trở thành 'đặc sản' xứ Huế, là ký ức khắc sâu thẳm trong tim những người con yêu Huế.

Không dừng lại ở những chiếc nón bài thơ truyền thống, giờ đây chiếc nón lá đã được gia công, biến tấu mang đậm bản sắc từ những sản vật có sẵn tại miền đất Cố đô - những chiếc nón lá sen.

Có chàng trai xứ Huế với hoài bão của mình là làm được thứ gì đó mang đậm hồn cốt của xứ Huế, mang đậm tâm hồn của những người con gái đất kinh kỳ. Và sen chính là nguyên liệu giúp hoài bão của chàng trai xứ Huế - Họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo thành hiện thực. Anh Thảo tốt nghiệp Trường Ðại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành Ðồ họa. Anh đã trải qua quá trình gian nan tìm tòi, sáng tạo trước khi bén duyên với những chiếc nón làm bằng lá sen.

Anh Thảo bồi hồi tâm sự, hồ sen là nơi lưu giữ ký ức đội lá sen lên đầu để tắm mưa của anh và bè bạn thời thơ ấu. Ký ức ấy, cộng hưởng với ước muốn mang lại một sản phẩm làng nghề độc lạ, giá trị cho Huế bấy giờ, hình thành cho anh ý tưởng chiếc nón lá sen độc đáo.

Quá trình làm ra chiếc nón lá sen không hề đơn giản. Lá sen phải được chọn lựa rất kỹ, là lá có độ già vừa phải, rõ gân lá, không bị sâu và màu sắc tươi sáng. Sau khi thu hoạch lá sen đúng chuẩn, thì ngâm vào dung dịch phù hợp rồi mang phơi khô. Lá sen khô sau đó được thợ cắt ra sao cho giữ được đường gân lá, nhằm xây lá dọc theo chiều chóp nón đi xuống. Xếp lá lên vành nón, chằm và sơn bóng để giữ màu sắc lá xanh tự nhiên được lâu bền.

Những người thợ đang chằm nón và xếp lá trong công đoạn hình thành một chiếc nón lá sen.

Những người thợ đang chằm nón và xếp lá trong công đoạn hình thành một chiếc nón lá sen.

Chiếc nón thành phẩm có màu xanh của lá sen. Gân lá sen chi chít nổi lên trên mặt nón mang tính thẩm mỹ cao, tạo nên những đường nét và bố cục toàn thể rất riêng, rất độc bản. Ðể tăng thêm phần hồn cho chiếc nón, người họa sĩ lại tiếp tục “phóng bút” thêm một vài họa tiết đặc sắc lên nón để mang lại nét độc đáo, riêng biệt.

Chiếc nón lá sen được họa sĩ thổi hồn vào bằng những họa tiết hoa, phong cảnh…

Chiếc nón lá sen được họa sĩ thổi hồn vào bằng những họa tiết hoa, phong cảnh…

Cũng cần nói thêm rằng, nón lá bài thơ xứ Huế thường có 16 vành tượng trưng cho tuổi 16 đẹp như trăng tròn của người thiếu nữ. Còn về dáng nón triều Nguyễn thì sẽ thấp và bành, đỉnh chóp của nón cũng nhọn hơn.

Sau khi tìm hiểu, anh Thảo đã phác họa lại dáng nón triều Nguyễn để áp dụng lên nón lá sen, gợi nhớ được nét đẹp của tiền nhân và góp phần bảo tồn, quảng bá tinh hoa văn hóa xứ Huế, vừa tạo nên sản phẩm độc đáo không phải nơi nào cũng có được.

O Tôn Nữ hoàng phái làm duyên với chiếc nón lá sen xứ Huế.

O Tôn Nữ hoàng phái làm duyên với chiếc nón lá sen xứ Huế.

Những chiếc nón lá sen qua bàn tay tạo tác và biến tấu của làng nghề thủ công xứ Huế ngày nay, không chỉ phổ biến tại các khu du lịch xứ Huế mà đã có mặt tại thị trường nhiều nước trên thế giới.

Nón lá sen và thiếu nữ xứ Huế xuống phố hằng ngày.

Nón lá sen và thiếu nữ xứ Huế xuống phố hằng ngày.

Ðào Minh Tuấn thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/la-sen-va-bien-tau-cua-chiec-non-a33347.html