Là tỉnh nghèo, chưa tự cân đối ngân sách, vì sao thu ngân sách Trà Vinh vượt 30%?
Trà Vinh được coi là địa phương có điểm xuất phát thấp, kinh tế xã hội chậm phát triển nhưng năm 2019 vừa qua thu ngân sách đạt trên 13.600 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch.
Sở hữu lợi thế “biển bạc”
Văn phòng Chính phủ vừa có thông kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.
Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2019 tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tỉnh đạt 14,85%, đưa Trà Vinh vào nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 22%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 78% trong cơ cấu kinh tế; thu ngân sách đạt trên 13.600 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch.
Là tỉnh nghèo, vẫn chưa tự cân đối được ngân sách địa phương; nhưng Trà Vinh sở hữu lợi thế “biển bạc” với nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp dịch vụ.
Trong đó phải kể đến vị thế thuận lợi kết nối giao thông với các tỉnh duyên hải miền Tây, TPHCM và quốc tế nhờ kết cấu hạ tầng đồng bộ với 3 quốc lộ lớn là 53, 54 và 60;
Đặc biệt là nơi có cảng biển lớn có thể tiếp nhận tàu container 50.000 tấn với lượng hàng hóa qua cảng tới 20 triệu tấn/năm.
Với những tiềm năng ấy, tính từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Trà Vinh thu hút được 20 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư hơn 5.831 tỷ đồng, tăng 2.111 tỷ đồng so với cùng kì năm 2018; đặc biệt có 2 dự án nước ngoài thu hút vốn đầu tư trên 100 triệu USD.
Nổi bật là các công trình trọng điểm: Nhà máy chế biến rau màu thực phẩm, quy mô 40.000 tấn/năm tại các khu công nghiệp; Dự án xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, quy mô trên 32.000 tấn/năm tại huyện Cầu Kè;
Nhà máy điện gió 270.000MWh tại các xã ven biển của huyện Duyên Hải; Dự án liên kết sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu quy mô 1.000 ha… Cùng hàng loạt dự án phát triển công nghiệp dịch vụ khác đã góp phần thay đổi diện mạo Trà Vinh lên tầm cao mới, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Đây là nền tảng để Trà Vinh có nguồn thu ngân sách bền vững hiện nay và trong nhiều năm tiếp theo.
Phát triển kết cấu hạ tầng
Mặc dù có nhiều kết quả ấn tượng về kinh tế, nhưng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, Trà Vinh cần quan tâm khai thác các thế mạnh, phát triển kinh tế biển và ven biển, cảng biển, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ logistics.
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 cần lưu ý bài học kinh nghiệm "tự lực, tự thân", làm cơ sở quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm tới (2021 - 2025);
Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Trà Vinh cần khẩn trương xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030 để triển khai lập Quy hoạch.
Việc lập Quy hoạch phải phù hợp với khả năng huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các khu vực trong tỉnh; bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Thủ tướng cũng yêu cầu Trà Vinh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
Cùng với đó là xây dựng văn hóa và con người; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.