'Là ưu tiên số 1, phải quyết liệt như chống dịch'
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu này về công tác hoàn thiện thể chế, xử lý các văn bản nợ đọng, khi làm việc với 11 bộ, cơ quan về đôn đốc các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Ngày 6/2, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực pháp luật từ 1/7/2020.
Các Bộ tham gia buổi làm việc gồm: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật (VPCP) Đinh Dũng Sỹ cho biết, tới nay còn nợ đọng 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ 1/1/2020 và các luật đã có hiệu lực từ trước đó, gồm 21 nghị định và thông tư thuộc phạm vi quản lý của 6 Bộ. Trong đó, riêng Bộ Công an có tới 15 văn bản, gồm 12 nghị định và 3 thông tư.
Cùng với đó, để hướng dẫn các luật có hiệu lực từ 1/7/2020, các bộ cần ban hành và trình ban hành 62 văn bản, gồm 35 nghị định và 27 thông tư. Trong đó, riêng 11 Bộ tham dự cuộc họp có 22 nghị định và 16 thông tư.
Tại cuôc họp, các Bộ, cơ quan đã giải trình, báo cáo cụ thể tình hình xây dựng, trình văn bản nợ đọng, cam kết thời gian hoàn thành; đồng thời báo cáo tiến độ và thời gian hoàn thành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh sắp có hiệu lực.
Là Bộ có nhiều văn bản nợ đọng nhất, đại diện Bộ Công an nêu nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có nhiều vấn đề hoàn toàn mới, chưa có thực tiễn như về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại (hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự). Thực tế, có những vấn đề khó nhất, phức tạp thì không quy định cụ thể trong luật mà lại giao cho Chính phủ hướng dẫn. Cùng với đó, có những vấn đề rất khó, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của cả trong và ngoài nước như các văn bản hướng dẫn Luật An ninh mạng.
Trước các ý kiến từ Tổ công tác, đại diện Bộ Công an “nhận khuyết điểm, thiếu sót” và cam kết thời hạn trình ban hành các văn bản. Để các văn bản đã nợ đọng kịp ban hành chậm nhất ngày 15/4, Bộ Công an trình các dự thảo trước 15/3, trong đó, một nửa các dự thảo sẽ trình trước 15/2. Còn với các văn bản có hiệu lực từ 1/7, để kịp ban hành chậm nhất ngày 15/5, Bộ sẽ trình dự thảo trước 15/4.
Một vấn đề nổi lên tại cuộc làm việc là công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là khi trả lời các phiếu lấy ý kiến. Thực tế, theo các đồng chí tham dự cuộc họp, có những vấn đề thiếu ý kiến của một số Bộ thì không thể trình dự thảo được.
Đồng tình với ý kiến này và nhận định công tác phối hợp là một điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật, song ông Đinh Dũng Sỹ thẳng thắn cho rằng, một nguyên nhân khác là cơ quan soạn thảo chưa tính toán, chưa lường được hết các khó khăn, vướng mắc khi xây dựng luật và văn bản hướng dẫn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, thành viên Tổ công tác, lưu ý rằng, các cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét lại cách thức lấy ý kiến các Bộ khác. “Nếu gửi tập hồ sơ dày cả gang tay thì các Bộ rất khó góp ý kiến, chúng ta cần tóm lược lại các nội dung cần lấy ý kiến. Vừa qua, VPCP đã rất sáng tạo về việc này, tóm lược lại những nội dung cần xin ý kiến, các ý kiến trái ngược ra sao”, Thứ trưởng phát biểu và lưu ý các Bộ không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng, cần hết sức bảo đảm chất lượng của các văn bản hướng dẫn.
Còn Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan nêu thực tế, có những luật cần quá nhiều văn bản hướng dẫn. Ông cho biết, sắp tới, VPCP sẽ trình Chính phủ một giải pháp là nếu với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của một bộ thì chỉ ban hành một nghị định hướng dẫn, một thông tư hướng dẫn. Khi đó, sẽ giảm được rất nhiều số lượng văn bản cần xây dựng.
Hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1
Sau khi nghe các Bộ báo cáo, giải trình và cam kết thời hạn hoàn thành các văn bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu các Vụ, Cục của VPCP khẩn trương xử lý các văn bản đã được các Bộ trình.
“Thủ tướng nói với tôi, xây dựng, hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1, phải bảo đảm tiến độ, trừ những văn bản có lý do rất chính đáng, những vấn đề rất nhạy cảm cần xem xét rất kỹ lưỡng, còn những vấn đề về quy trình, thủ tục, công tác phối hợp thì các Bộ cần cùng VPCP xử lý dứt điểm. Làm mạnh mẽ, quyết liệt như chống dịch”, Bộ trưởng phát biểu.
Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2019 là năm 2020 phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.
Còn tại phiên họp Chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính cần tiếp tục được chú trọng, coi là trọng tâm của năm 2020. Các chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở bước phát triển kinh tế-xã hội thì phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.
Đề nghị các bộ cùng VPCP phối hợp tháo gỡ từng việc một để ban hành các văn bản “sớm ngày nào tốt ngày đó”, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị cách làm cụ thể. Theo đó, Bộ chủ trì dành thời gian xử lý dứt điểm, do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Bộ Tư pháp dành thời gian thẩm định nhanh các dự thảo, các Bộ cho ý kiến khẩn trương, không để “om” hàng tháng.
VPCP cũng sẽ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ rất nhanh và sau khi có ý kiến thành viên Chính phủ, VPCP sẽ mời các Bộ lên làm việc tại VPCP để tiếp thu ý kiến, gọt giũa câu chữ... Như vậy, công việc sẽ chạy rất nhanh, thậm chí chỉ cần nửa ngày thay vì hằng tháng nếu làm theo cách cũ là chuyển các ý kiến thành viên Chính phủ về lại Bộ chủ trì. “Bộ nào chậm thì Vụ, Cục theo dõi của VPCP phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng quán triệt các đơn vị của VPCP.