'Lạc bước chẳng muốn về' ở nơi được ví như Đà Lạt thứ 2 ở Tây Nguyên
Đến Măng Đen (Kom Tum) những ngày nắng hạ, ai cũng nghĩ đã tìm được chốn an yên để dừng chân ngắm nhìn cao nguyên hùng vĩ. Măng Đen ngập tràn những sườn đồi, những cụm khói lẫn sương mờ đủ để khiến người ta cảm thấy như được… về nhà.
Bạn nghĩ gì khi nhắc về Kon Tum? Phải chăng là những con đường đất đỏ đầy nắng gió, những căn nhà rông đặc trưng cao vút, tiếng cồng chiêng rộn rã hay chút hương cà phê thoảng trong gió? Ai cũng từng nghĩ về Kon Tum như thế trước khi đặt chân đến Măng Đen - một thị trấn nhỏ với bốn bề là núi non, cây cối và hoa rừng.
Măng Đen được ví như Đà Lạt thứ hai bởi những đặc trưng về địa hình, phong cảnh của vùng đất này.
Thôn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, là một cao nguyên thuộc dãy Trường Sơn với độ cao trên 1.000 m, khí hậu quanh năm ẩm lạnh, mờ sương.
Người ta vẫn gọi vùng đất này là "Khu du lịch Măng Đen", nhưng không hẳn vậy vì ở đây du lịch không thật sự phát triển, hoặc phát triển theo một cách âm thầm và lặng lẽ nào đó khiến người ta không thể nhận ra. Chỉ biết rằng, ở Măng Đen, mọi thứ đều mộc mạc, giản dị và hoang sơ, ví như Đà Lạt từ mấy chục năm về trước.
Đến Măng Đen để hòa mình với không gian sống bình yên nhiều hơn là thưởng thức một chuyến đi du lịch.
Đường đến Măng Đen có nhiều cách nhưng thuận lợi nhất tại bất cứ điểm xuất phát nào là dừng chân ở thành phố Kon Tum sau đó bắt xe bus hoặc thuê xe máy lên Măng Đen.
Đường đến Măng Đen cũng giống như một chuyến du lịch ngắn, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác lắc lư qua các cung đường đèo, phóng tầm mắt ngắm nhìn những thung lũng và khoảng trời mây đổ sương mờ trên đỉnh núi.
Khung cảnh yên bình ở Măng Đen
Khung cảnh trên đường đến Măng Đen đủ khiến du khách cảm thấy phấn khích.
Người ta gọi Măng Đen là Đà Lạt thứ hai bởi đây cũng là một cao nguyên trùng điệp với những thung lũng và rừng thông bạt ngàn. Nét đẹp của vùng đất nguyên sơ có phần trầm buồn nhưng lãng mạn. Người dân ở đây cũng có nhịp sống "núi rừng" vô cùng đặc trưng.
Sức hút của Măng Đen không được tạo ra bởi những thứ tiện nghi của dịch vụ, những ngôi nhà cao tầng đồ sộ hay nhịp sống năng động mà bởi chính sự an yên vốn có của mảnh đất cao nguyên này.
Cũng chính bởi vẫn còn vẹn nguyên nét đẹp thiên nhiên "trời phú" nên ở Măng Đen chưa có nhiều điểm du lịch. Các điểm tham quan, vui chơi đều tập chung một khu vực giúp du khách có thể dễ dàng di chuyển và tiết kiệm thời gian. Dưới đây là những điểm tham quan thú vị gợi ý cho du khách khi tới Măng Đen.
Không khí, nhịp sống và sự thanh bình của vùng cao nguyên quanh năm ẩm ướt và se lạnh này sẽ luôn là lý do để người chưa đến muốn dừng chân một lần và người đến rồi thì không muốn rời đi
Làng Konbring
Nằm cách trung tâm huyện Kon Plông khoảng 3km, làng Konbring hiện lên nguyên sơ, bình yên với những con đường nhỏ dẫn vào những căn nhà sàn đặc trưng.
Hiện nay, trong làng còn gìn giữ một số công trình kiến trúc mang đặc trưng riêng của người Mơ Nâm
Đây là một trong bốn làng văn hóa du lịch cộng đồng của huyện Kon Plông, với hơn 90% là người dân tộc Mơ Nâm, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy.
Hồ Đắk Ke
Hồ Đak Ke là một trong những điểm tham quan hiếm hoi ở Măng Đen. Từ vị trí của các homestay đến hồ Đăk Ke chỉ khoảng 600 m. Hiện nay, xung quanh hồ đang được cải tạo, xây dựng để phát triển du lịch nhưng khung cảnh vẫn giữ nguyên được nét hoang sơ, tự nhiên.
Mặt nước hồ trong vắt, được bao bọc bởi những hàng cây xanh chạy dài
Cầu treo
Có lẽ cầu treo là một trong những nét đặc trưng của Măng Đen nói riêng, và Kon Tum nói chung, bởi vì tất cả những chiếc cầu ở Măng Đen đều là cầu treo, rất khó bắt gặp một cây cầu bằng bê tông cốt thép nào ở vùng cao nguyên này.
Cầu treo được coi là một trong những nét kiến trúc đặc trưng ở Măng Đen
Tuy nhiên, hầu hết cầu treo ở Măng Đen đều nhỏ, có quy định rõ ràng về số lượng xe máy qua cầu, chỉ được qua từng chiếc một, nếu đi bộ chỉ cho phép đi qua dưới 10 người.
Thác Pa Sỹ
Nếu đến thác Pa Sỹ vào một buổi chiều muộn, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào khu rừng thần tiên với không khí se lạnh, tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim ríu rít và tiếng thác đổ càng lúc càng to.
Thác Pa Sỹ được coi là nơi phát triển du lịch nhất ở Măng Đen, từng lối đi đều được xây dựng chỉn chu và có bảng chỉ dẫn rõ ràng.
Sau khi đi bộ qua quãng đường tầm 500 m, ngang qua rừng, xuống những bậc thang đá gập ghềnh, thác Pa Sỹ hiện ra tươi mát và yên bình.
Không như các thác của Tây Nguyên (thác Dray Nur, Dray Sap…) chia thành nhiều nhánh đổ khác nhau, thác Pa Sỹ chỉ có duy nhất một nhánh đổ nước, được bao bọc bởi cả một rừng cây xanh xung quanh.
Ngoài ra khu vực xung quanh cũng đang trong quá trình khởi công để tạo thành một khu du lịch sinh thái hoàn chỉnh với quán ăn, chỗ ở, các điểm chụp hình…
Măng Đen chỉ có vậy với tất cả những gì thiên nhiên nhất. Khí hậu mát mẻ, trong lành, những rặng thông xanh mát, làn gió se lạnh và mùi thơm nhè nhẹ của hoa rừng, của lá thông, nhưng cũng đủ khiến người ta thật sự say mê.
Có lẽ với những ai đã từng đến đây, hoặc đã từng nghe qua về cái nguyên sơ đẹp đẽ của vùng cao nguyên này đều có đôi lần "ích kỷ", muốn giữ cho Măng Đen luôn được giản đơn và an yên như vậy. Không bê tông hóa, không du lịch hóa, để cho chúng ta luôn có một ngôi nhà thứ hai mà tìm về.