Lạc Dương: Trồng nấm hương trong nhà kính, thu chục triệu/tháng
Trên diện tích nhà kính chỉ 50 m2 trồng nấm hương, nông dân không sử dụng chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng như hạn chế tác động của môi trường, sau khi bán sản phẩm và trừ chi phí cho lợi nhuận chục triệu đồng/tháng. Đó là cách làm kinh tế mới của hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Dương.
Gần 2 năm trở lại đây, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Lạc Dương đã dần quen với việc chăm sóc các nhà trồng nấm thay cho những vườn cà phê già cỗi. Đây là mô hình chuỗi liên kết sản xuất nấm hương được UBND huyện triển khai cho các hội viên tham gia nhằm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mới.
Anh Liêng Hot Ha Ren (Thôn 1, xã Đạ Sar) quyết định đầu tư 50 triệu đồng để xây dựng nhà trồng nấm hương dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long. Anh cho biết, mình đầu tư với vốn ban đầu được cấp 5.000 phôi giống, đến nay, số phôi giống này cho thu hoạch rất đạt. Nhận thấy trồng nấm hương không quá khó, lại cho thu nhập đều, anh quyết định đầu tư tiền để xây dựng thêm một nhà nấm nữa. Hiện nay với 2 nhà nấm mỗi ngày anh thu 20-25 kg. Sau khi thu hoạch được Công ty Nấm Nguyên Long thu mua toàn bộ với giá 70.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu về 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả, nhiều hộ đồng bào cũng mong muốn trồng, tuy nhiên nguồn phôi giống đang thiếu, bà con rất mong phía công ty nghiên cứu cung cấp nguồn giống để cho bà con nhân rộng mô hình.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Lạc Dương hiện có 22 hộ tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất nấm hương, quy mô 33 nhà trồng nấm với Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long, tập trung ở các xã: Đưng K’Nớ, Đa Nhim, Đa Sar và thị trấn Lạc Dương, trong đó hơn 70% hộ là người đồng bào DTTS.
Tham gia mô hình chuỗi liên kết, bà con được các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật từ khi làm nhà nấm, chọn phôi, chăm sóc đến khi thu hoạch, đóng gói và cam kết thu mua 100% sản phẩm. Ngoài ra, từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Lạc Dương cũng đã cho bà con vay vốn để thực hiện mô hình. Còn HTX sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ môi trường Lâm Đồng cũng cho bà con vay trả chậm 20 triệu đồng để thực hiện mô hình. Riêng các hộ ở xã Đưng K’Nớ được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.
Ông Nguyễn Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long cho biết: Thời gian qua, công ty gặp một số sự cố về hệ thống điện nên một số phôi nấm của công ty cung cấp cho người dân không đạt chất lượng như mong muốn. Hiện, công ty đã khắc phục xong và cam kết sẽ cung cấp phôi giống đảm bảo trong thời gian tới cho bà con. Đối với đầu ra, Công ty đã nghiên cứu nhiều sản phẩm cho loại nấm hương và đã có đối tác nước ngoài hợp đồng thu mua nên việc mở rộng sản xuất của bà con sẽ được đảm bảo.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Từ việc canh tác nông nghiệp truyền thống, huyện Lạc Dương đã tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang ứng dụng công nghệ cao và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Tiêu biểu cho sự thành công đó phải kể đến mô hình chuỗi liên kết trồng nấm hương.
Tùy theo khả năng kinh tế của gia đình, có hộ trồng 50 m2 với quy mô 1 nhà nấm, có hộ trồng 100 m2 với quy mô 2 nhà nấm. Kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng cho một nhà nấm 50 m2. Kỹ thuật trồng đơn giản cộng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và Nhà nước là điều kiện thuận lợi để các hộ thực hiện mô hình hiệu quả để từng bước thoát nghèo.
Theo ông Hải, việc trồng nấm không khó, cũng không vất vả, thị trường tiêu thụ lại đang rất rộng mở, ai cũng có thể thành công. Tuy nhiên, bà con phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...
Điều kiện đầu tiên là nhà trồng nấm phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm phải đảm bảo trên 85%. Ngoài ra, đặc điểm của nấm là loài ưa sạch, từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý, chăm sóc và thu hái đều được bà con tuân thủ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Sản phẩm sau khi thu hái được sơ chế và đóng gói đảm bảo đúng quy trình.
Nấm thu trong vòng hơn 3 tháng, sản lượng đạt 1,5 tấn/nhà/vụ, với giá nấm hương hiện công ty thu mua 70.000 đồng/kg, mỗi mô hình thu về lợi nhuận từ 7-10 triệu đồng một tháng sau khi đã trừ chi phí.
Mô hình chuỗi liên kết trồng nấm ở huyện Lạc Dương đã mở ra hướng làm kinh tế mới, hiệu quả cho người nông dân; bởi rất thích hợp với điều kiện sản xuất hộ, vốn ít của đa số nông dân hiện nay. Mặt khác, việc trồng nấm trong nhà cũng là một giải pháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh phát triển mạnh. Hiện, UBND huyện Lạc Dương đang xúc tiến, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho người dân.