Lạc lối ở Salamanca nhớ về… muôn năm cũ
Anh bạn ca sĩ đi cùng tôi dõi mắt qua kính xe, nhìn mãi khung cảnh cổ kính của thành phố Salamanca (Tây Ban Nha) khi rời thành phố này, nơi chúng tôi vừa trú ngụ hai ngày trước. Tôi nhìn hình ảnh đó, bỗng nhớ câu thơ của Đỗ Đình Liên '… Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?'
(SGTT) – Anh bạn ca sĩ đi cùng tôi dõi mắt qua kính xe, nhìn mãi khung cảnh cổ kính của thành phố Salamanca (Tây Ban Nha) khi rời thành phố này, nơi chúng tôi vừa trú ngụ hai ngày trước. Tôi nhìn hình ảnh đó, bỗng nhớ câu thơ của Đỗ Đình Liên “… Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”
Chuyến xe khách khởi hành từ Madrid đưa chúng tôi đến Salamanca trong một buổi trưa mùa hè oi ả. Thành phố cổ nằm trên tuyến đường bạc La Mã (Via de la Plata) chạy từ Merida đến Astorga. Các bức tường La Mã và tháp pháo phòng thủ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Puente Romano de Salamanca là một cây cầu La Mã thanh lịch, được làm bằng 15 vòm đá granit, bắc qua sông Tormes, cây cầu được xây dựng lại sau khi bị hư hại do lũ lụt vào thế kỷ 17.
Những viên đá và dấu ấn kiến trúc thế kỷ 17
Salamanca được mệnh danh là “thành phố vàng” vì các công trình nhà thờ, quảng trường ở đây đều được xây bằng một loại đá chỉ có duy nhất ở Salamanca. Khi ánh hoàng hôn hắt vào những phiến đá này chúng như được dát vàng vậy.
Điểm dừng chân đầu tiên và là nơi khiến chúng tôi quay đi quay lại rất nhiều lần trong ngày tham quan hôm đó chính là quảng trường Plaza Mayor.
Được biết đến với cái tên “phòng khách của Salamanca, quảng trường Plaza Mayor được coi là một trong những quảng trường đẹp nhất ở Tây Ban Nha. Được xây dựng bởi gia đình Churrigueras giàu có vào năm 1755, đây là một ví dụ tuyệt vời về phong cách Baroque Churrigueresque. Tòa thị chính là tâm điểm của Plaza, cũng là điểm gặp gỡ của người dân cả ngày lẫn đêm. Ban đầu được sử dụng như một đấu trường đấu bò, giờ đây, Plaza Mayor như một ngôi chợ du lịch thu nhỏ với các cửa hàng bán quà lưu niệm hoặc những nhà hàng đẹp mắt.
Nếu tranh thủ được thời gian, bạn đừng bỏ qua giây phút hoàng hôn khi mặt trời tắt nắng và quảng trường lên đèn. Hàng ngàn con người đang xem các tiết mục ca hát truyền thống hay đang uống bia ở các nhà hàng ngoài trời đều đồng loạt vỗ tay khi ánh sáng vàng ấm áp bất chợt tràn khắp bốn phía của quảng trường. Sự lung linh đó khiến người chiêm ngưỡng không thể không xúc động, mường tượng lại cảnh sinh hoạt của người dân Tây Ban Nha thế kỷ 17.
Chúng tôi, đoàn khách đến từ quốc gia xa lạ – Việt Nam, mắt đã mờ vì một ngày dài tản bộ vẫn cố gắng đón hoàng hôn lúc… 22 giờ 30. Mọi thứ với chúng tôi, lúc đó chỉ có thể gói gọn bằng cụm từ thực sự mãn nhãn, bởi những kiến trúc cổ kính khi lên đèn quả thực đẹp đến lay động lòng người, những hình vẽ của các danh nhân văn hóa trên các cây cột dường như cũng sống động hơn khi hoàng hôn buông xuống.
Ngày có dài lê thê?
Khi nhớ và viết lại những dòng này, tôi cũng phải sắp xếp lại trong đầu mình những nơi tôi đến. Những kiến trúc đẹp kiểu Gothic, kiểu Phục Hưng hay Roman khiến tôi “ồ, à không dứt”, nhưng cũng khiến tôi không thoát ra một cách dễ dàng để miêu tả về chúng cho thật khách quan. Thôi thì tôi sẽ viết về Salamanca như một cuộc gặp với người quen cũ với rất nhiều ký ức, kỷ niệm mà thứ tự thời gian có thể bị đảo lộn phần nào.
Tôi mê truyện Harry Porter, mê thế giới phù thủy đầy cuốn hút đó. Có lẽ vì vậy, khi đứng trước mái vòm nguy nga, cổ kính của trường Đại học Salamanca, nơi những chú chim đang chao lượn tôi nhớ ngay đến trường phù thủy Hogwarts, nơi Harry Porter theo học. Tôi mường tượng cảnh cậu bé sau kỳ nghỉ hè đến nhà ga chín – ba phần tư, lên chiếc xe lửa để trở về ngôi trường phù thủy, gặp lại bạn bè của mình. Ngôi trường đại học Salamanca như một lâu đài với trần cao, mái vòm theo kiến trúc Gothic thật đẹp và mang dấu ấn cổ xưa.
Đây cũng là một trong những trường lâu đời nhất và tốt nhất ở châu Âu. Từ thế kỷ 13, nó là nơi theo học của nhiều sử gia và nhà văn như Miguel de Cervantes, Christopher Columbus, Ignatius Loyola và Hernán Cortés. Nhìn dãy 160.000 tập bìa da trong thư viện trường đại học hoặc các tòa nhà đại học màu mật ong cổ điển càng khiến tôi nhớ đến ngôi trường trong sách – Hogwarts, cho dù bộ phim Harry Potter không quay phim tại ngôi trường này. Đến giờ ngôi trường này là nơi theo học của hàng ngàn sinh viên, và khu vực Salamanca rất “giàu” du học sinh đến từ các nước.
Người Salamanca rất tự hào về lịch sử của mình, điều này cũng không lạ khi mà thành phố này là di sản thế giới. Tôi nghĩ như vậy trong khi đang nghe cô hướng dẫn viên người bản địa nói một cách hăng say về những dữ liệu lịch sử của vùng đất này, cứ như cô ấy đến từ quá khứ, thời thế kỷ 16, 17.
Đến Salamanca bạn sẽ phải trầm trồ khi ngước nhìn những mái vòm như một bức tranh hình cầu với họa tiết bắt mắt, sống động lạ kỳ. Ngoài những gì tôi đã kể trên, bạn đừng quên ghé nhà thờ cổ và San Marcos (thế kỷ 12), Salina và Cung điện Monterrey (thế kỷ 16). Tất cả đều ở rất gần nhau, nên bạn đạt được hai mục tiêu thật lớn, đó là rèn luyện sức khỏe bằng cách tản bộ và thưởng thức kiến trúc Salamanca, trong tiết trời se lạnh. Nếu bạn có người yêu cùng đi thì thật không có gì hạnh phúc bằng.
Trong những hình ảnh đan xen về Salamanca, tôi không thể quên hình ảnh cô dâu, chú rể bước từ một chiếc xe hơi kiểu cổ, xuống những con đường lát đá cổ, bước vào một nhà thờ cổ và chuẩn bị làm lễ. Bên trong, những bộ cánh của các cô, các chị nhiều màu sắc, sang trọng, cổ điển phối cùng những chiếc nón đội đầu trang nhã, các quý ông lịch lãm với áo đuôi tôm.
Khung cảnh ấy khiến tôi cứ ngỡ mình vừa lọt vào một bộ phim nào đó của châu Âu lấy bối cảnh những năm giữa thế kỷ 20. Thật may mắn khi bắt gặp hình ảnh đáng yêu này tại Salamanca. Bất chợt, tôi nhớ lời cô bạn, phải chụp cho cô ấy tấm hình của một anh chàng Tây Ban Nha đẹp trai. Trong đám cưới ấy có biết bao anh chàng trông tôn quý, tao nhã như thế, sao tôi lại có thể quên nhỉ?
Lạc trong chốn nghệ thuật Segovia
Anh bạn ca sĩ của tôi rất mê Madrid, cậu ấy bảo thành phố này chứa đựng hơi thở tươi mới của Tây Ban Nha. Cậu ấy sẵn sàng mua vé lên nhà hàng cao nhất thành phố nhiều lần chỉ để chụp các khoảnh khắc khi thành phố chìm trong ánh nắng hè và khi hoàng hôn buông xuống.
Tôi thấy Madrid cũng rất hay, cảm giác thành phố này làm châu Âu như sôi động hẳn lên, sau khi chúng tôi trở về từ hai thành phố cổ Salamanca và Segovia.
Tuy vậy, dường như tâm hồn tôi bị lạc lối ở thành phố nhỏ Segovia mất rồi. Thành phố thật nhỏ, với chỉ trên 50.000 dân, nằm ở phía bắc thủ đô Madrid, cách khoảng 95 km.
Tôi thích cái không khí se lạnh vào đầu hè, con dốc nhỏ với những chiếc cửa sổ đầy hoa trên cao. Tôi vừa thoát ra khỏi thế giới phù thủy của Harry Potter thì lại thấy mình “rơi” tự do vào vở kịch nổi tiếng của William Shakespeare, khi mường tượng nàng Julliet đang đứng ở chiếc cửa sổ trên cao, dõi đôi mắt đẹp của mình xuống người nàng yêu thương.
Tôi cũng thấy mình thật sự nhỏ bé khi nhìn thấy máng dẫn nước La Mã ở quảng trường Azoguejo. Được xây dựng trên vùng đất cao giữa sông Eresma và Clamores, máng dẫn nước đóng vai trò là lối vào chính của khu phố lịch sử Segovia. Theo cô hướng dẫn viên, viên ngọc này được xây dựng dưới thời Đế chế La Mã (thế kỷ 1 sau Công nguyên), đã mang nước đến thành phố trên cao từ khoảng 15km. Có 163 vòm với chiều cao khoảng 29m tại điểm cao nhất của nó, được hỗ trợ bởi các khối đá từ dãy núi Sierra de Guadarrama hoàn toàn không có thạch cao, chì và vữa. Nó cung cấp nước cho thành phố cho tới thập niên 1970, lấy nước từ sông Río Frío cách đó 18km.
Đối diện khách sạn nơi tôi ở là một kiệt tác kiến trúc thực hùng vĩ, mà tôi nghĩ du khách nào đó đi ngang cũng phải dừng chân, đó là nhà thờ chính tòa Segovia. Đây là nhà thờ chính tòa công giáo Roma, mặt trước nhà thờ ở quảng trường chính thành phố, một trong những nhà thờ Gothic cuối cùng được xây ở Tây Ban Nha và châu Âu.
Nhà thờ được xây vào giữa thế kỷ 16, vào lúc đa số nơi ở châu Âu, kiến trúc phục hưng là trào lưu mới. Tôi không đủ bút lực cũng như độ am hiểu về kiến trúc nên mong hình ảnh sẽ giúp bạn đọc phần nào đó mường tượng được sự lộng lẫy của nhà thờ, nhất là khi Segovia lên đèn.
Cái “đáng chán” nhất tại các thành phố ở châu Âu là mọi cửa hàng đều đóng cửa sớm. Khi chúng tôi có thời gian buổi tối để tản bộ, chúng tôi thất vọng vì không kịp mua cho người thân những món quà lưu niệm, nhưng thay vào đó tôi và một cô bạn đồng nghiệp có thời gian để chiêm ngưỡng kiến trúc đẹp đẽ của nhà thờ, trong khi uống chút gì đó và lắng nghe tiếng Piano réo rắt ở nhà hàng ngay bên cạnh.
Nếu một ngày nào đó, bạn đã bắt đầu ngán các khung cảnh hiện đại, những tòa nhà cao tầng, những bữa kẹt xe, hãy một lần thử đến và sống chậm lại với góc cổ kính của Tây Ban Nha.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/lac-loi-o-salamanca-nho-ve-muon-nam-cu/