Lạc lối vì ma túy
Xuất thân từ những gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều thanh niên từ vùng cao xuống các khu, cụm công nghiệp ở Bắc Giang tìm kế sinh nhai. Thế nhưng không ít người đã 'lạc lối' vì dính vào ma túy, phải ngồi tù thậm chí bị tử hình.
Lương Thanh Trường (SN 2004) là người dân tộc Tày, cư trú tại thôn Nam Lân 2, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Bố mẹ ly hôn khi Trường 12 tuổi. Thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, cộng thêm hoàn cảnh khó khăn nên Trường bỏ học khi đang học lớp 9 và đến huyện Việt Yên tìm việc làm.
Tại đây, Trường làm nhân viên quán bar do Bùi Duy Linh (SN 1990) ở tổ dân phố Nếnh, thị trấn Nếnh làm chủ. Công việc ban đầu của Trường là trông xe cho khách, sau đó chuyển sang bưng bê đồ uống, dọn dẹp phòng với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Thời gian làm việc tại quán, Trường thường xuyên buồn chán, buông thả bản thân, rồi nghe lời dụ dỗ của bạn bè sử dụng ma túy. Giữa tháng 5/2022, Linh nói cho Trường biết có ma túy dạng “kẹo”, nếu Trường muốn kiếm thêm thu nhập, muốn sử dụng ma túy không mất tiền thì giúp Linh bán cho những ai có nhu cầu. Cứ thế, chàng thanh niên dân tộc miền núi bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội và bị công an bắt.
Kết quả điều tra, tổng khối lượng ma túy mà Bùi Duy Linh phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán là 35,925 gam loại MDMA. Còn Lương Thanh Trường phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán 36,372 gam ma túy loại MDMA và 1,077 gam loại Ketamine.
Cũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn đến huyện Việt Yên tìm việc làm, trong một lần về quê, Đèo Văn Xuân (SN 1998) ở bản Nà Tòng, xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) quen biết Lầu A Sung (ở cùng huyện). Người này nói với Xuân có nguồn ma túy số lượng lớn để bán, nếu biết ai mua thì báo lại. Ít lâu sau, Xuân tìm được người muốn mua 4 bánh ma túy Heroin; 2 kg ma túy đá, 50 túi ma túy hồng phiến. Xuân liên hệ với Lầu A Sung nói có “khách” và giúp sức tích cực nhằm tiêu thụ trót lọt số lượng ma túy trên để nhận được 50 triệu đồng tiền công. Tuy nhiên, hành vi mua bán trái phép ma túy của Xuân đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Cuối năm 2022, TAND tỉnh tuyên phạt Đèo Văn Xuân án tử hình.
Từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng trong tỉnh đã khởi tố gần 320 vụ án với hơn 460 bị can về các tội liên quan đến ma túy (tăng hơn 30 vụ, gần 90 bị can so với cùng kỳ năm 2021). TAND hai cấp xét xử hàng trăm vụ án, riêng TAND tỉnh đã tuyên phạt gần 20 án tử hình.
Theo ông Ngô Tiến Thụy, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và xét xử sơ thẩm án an ninh - ma túy (Viện KSND tỉnh), tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, phạm vi hoạt động rộng khắp, đặc biệt là khu vực tập trung đông người như TP, thị trấn, các khu công nghiệp, nhà trọ. Trong đó, nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh sống ở các tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái… đến Bắc Giang tìm việc làm. Các đối tượng thuê phòng trọ rồi đưa ma túy từ nơi khác về lén lút bán cho công nhân, người lao động, người dân.
Mới đây, Công an huyện Việt Yên đã tóm gọn nhóm đối tượng gồm: Lương Văn Thảo (SN 1995) ở xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng; Lý Văn Nam (SN 2001) trú tại xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan; Vi Văn Tuân (SN 2003) ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (cùng tỉnh Lạng Sơn) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Được biết, nhóm người này thuê nhà trọ cùng với các công nhân nhưng luôn thay đổi chỗ ở, thường liên lạc với các “con nghiện” để bán ma túy, làm mất an ninh trật tự, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho chủ đầu tư và công nhân, người lao động trên địa bàn.
Nguyên nhân chính do các đối tượng thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý từ gia đình, nhận thức pháp luật hạn chế, nhẹ dạ cả tin, bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm pháp. Nhiều người vì lợi nhuận khủng mà ma túy mang lại đã bất chấp quy định, liều lĩnh nhưng cuối cùng đều phải trả giá đắt.
Nhận thấy, những người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn là nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ sa vào ma túy. Vì thế, ngay từ cấp cơ sở cần nắm bắt kịp thời, quan tâm định hướng việc làm, tạo sinh kế, kịp thời sẻ chia, giúp đỡ, từng bước giúp họ nâng chất lượng cuộc sống và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Lực lượng công an tăng cường tuyên truyền, đấu tranh ngăn ngừa tội phạm ma túy, nhất là tại địa bàn tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, nhà trọ.
Để ma túy không thâm nhập vào đội ngũ công nhân - những người tạo ra của cải cho xã hội, ông Dương Đức Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo và Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, Liên đoàn đã triển khai có hiệu quả Đề án “Nhà trọ công nhân an toàn, văn minh” giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, các cấp công đoàn tích cực phối hợp với lực lượng công an xây dựng các file tuyên truyền pháp luật (trong đó có tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy) gắn trên xe đưa, đón công nhân để họ nghe hằng ngày. Định kỳ tổ chức tuyên truyền pháp luật (có giao lưu văn nghệ, tặng quà) cho công nhân lao động, chủ nhà trọ. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nhà trọ công nhân an toàn, văn minh.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/phap-dinh/402269/lac-loi-vi-ma-tuy.html