Lạc quan thương mại đẩy giá dầu vượt ngưỡng 61 USD/thùng
Giá 'vàng đen' tăng nhẹ khi chốt phiên ngày 6/9 giữa bối cảnh căng thẳng thương mại dịu xuống dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh.
Giá dầu đi lên trong ngày 6/9 khi đà sụt giảm 3 tuần liên tiếp của số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã góp phần giúp giá dầu tăng mạnh trong tuần qua.
Sự sụt giảm của số giàn khoan, cùng với báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố 1 ngày trước đó cũng cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa giảm 3 tuần liên tiếp, đã giúp xoa dịu nỗi lo liên quan đến cuộc chiến thương mại đối với nhu cầu năng lượng.
Theo đó, dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 6/9 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 4 giàn xuống 738 giàn trong tuần này, sau khi giảm 2 tuần liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex tăng 22 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 56,52 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 2,6%.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11 nhích 59 xu Mỹ (tương đương 1%) lên 61,54 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 3,9%.
Marshall Steeves, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, nói với MarketWatch rằng ông hơi ngạc nhiên khi thấy dầu tăng giá sau dữ liệu về giàn khoan.
“Có sự khác biệt giữa số giàn khoan và sản lượng, dữ liệu định kỳ gần đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy mức sản lượng cao kỷ lục trong tuần trước cùng thời gian số giàn khoan sụt giảm”, ông Steeves cho hay.
Báo cáo mới nhất cho biết, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 130.000 việc làm trong tháng 8, đánh dấu mức tăng nhỏ nhất trong 3 tháng, thấp hơn dự báo tăng 173,000 việc làm từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch. Tỷ lệ thất nghiệp không đổi ở mức 3.7% như kỳ vọng.
“Báo cáo việc làm khá xáo trộn và có lẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đi đúng hướng hạ lãi suất tại cuộc họp tiếp theo”, chuyên gia Steeves nhận định.
Giá dầu trong phiên ngày 5/9 ban đầu nhận được hỗ trợ từ đà sụt giảm của nguồn cung tại Mỹ, rồi sau đó xóa gần hết đà tăng vào cuối phiên.
“Báo cáo của EIA thúc đẩy giá dầu tăng”, các chuyên gia phân tích tại Sevens Report Research, nhận định. Tuy nhiên, “nó không đủ mạnh để giữ đà tăng đến cuối phiên vì hiện tại có quá nhiều rào cản đối với năng lượng bao gồm sự gia tăng sản lượng toàn cầu, nỗi lo về nhu cầu liên quan đến cuộc chiến thương mại và e ngại suy thoái, cùng với sức ép đối với Iran gần đây dịu bớt”.
Giá dầu phục hồi trong tuần này sau thông tin căng thẳng leo thang ở Trung Đông, vốn có thể làm gián đoạn nguồn cung cùng với sự lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc có thể trở lại bàn đàm phán để đưa ra một giải pháp cho xung đột thương mại kéo dài.
Ngày 5/9, Washington và Bắc Kinh đã nhất trí mở cuộc đàm phán cấp cao vào đầu tháng 10 tới tại Washington, qua đó làm tăng hy vọng của giới đầu tư về khả năng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chấm dứt.
Mặc dù tranh chấp thương mại kéo dài đã tác động đến giá dầu, song thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, đã hỗ trợ đà phục hồi của giá “vàng đen”.
Nhà phân tích hàng hóa Benjamin Lu thuộc Phillip Futures tại Singapore, nhận xét đà tăng trưởng kinh tế chững lại, bất ổn thương mại toàn cầu và những rủi ro thị trường ngày càng tăng là những yếu tố để dự đoán giá dầu Mỹ sẽ “trồi sụt” trong khoảng 55-60 USD/thùng trong quý III năm nay./.