Lạc quan về thỏa thuận Mỹ-Trung, S&P 500 tiến sát mức kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng với chỉ số S&P 500 (đo lường biến động giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) tiến sát mức cao nhất trong lịch sử khi giới đầu tư lạc quan về đàm phán Mỹ-Trung Quốc, cũng như kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp Mỹ.
Chốt phiên giao dịch hôm 21-10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 57,44 điểm (0,2%), lên mức 26.827,64 điểm, trong khi đó hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,7 và 0,9%.
Với mức điểm 3.006,72, chỉ số S&P 500 chỉ kém 0,6% so với mức đóng cửa cao kỷ lục 3.025,86 điểm được thiết lập vào ngày 26-7.
Động lực tăng điểm của thị trường đến từ các hy vọng về đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Hôm 19-10, phát biểu tại một hội nghị công nghệ ở tỉnh Giang Tây, Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, cung cấp các tín hiệu tích cực trong nỗ lực đàm phán với Mỹ để ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.
Ông nói: “Trung Quốc và Mỹ đã đạt được tiến triển quan trọng ở nhiều khía cạnh và đã thiết lập một nền tảng quan trọng cho thỏa thuận giai đoạn một”.
Ông khẳng định Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với Mỹ để giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của mỗi bên dựa trên sự ngang bằng và tôn trọng lẫn nhau”.
Trong quí 3-2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc rơi về mức 6%, thấp nhất kể từ năm 1992. Điều này càng thôi thúc Bắc Kinh phải tìm cách đình chiến thương mại với Washington.
Trong khi đó, phát biểu với báo chí hôm 21-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các nỗ lực chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang diễn ra suôn sẻ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Nhà Trắng vẫn nhắm đến mục tiêu hoàn tất thỏa thuận thương mại kịp trong thời gian diễn ra hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Chile vào ngày 16 và 17-11. Dù vậy, ông thừa nhận vẫn còn một số vấn đề tồn đọng cần phải giải quyết.
Trao đổi với Fox Business Network, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, nói rằng thời điểm hoàn tất đàm phán thỏa thuận không quan trọng bằng đạt được một thỏa thuận “đúng đắn”.
Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, cho biết vòng áp thuế 15% của Mỹ vào ngày 15-12 tới đối với 160 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng như điện thoại di động, laptop và máy tính bảng... có thể được rút lại nếu các cuộc đàm phán với Trung Quốc diễn ra tốt đẹp.
Bên cạnh những lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, thị trường cũng phản ứng tích cực với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Cho đến nay, có khoảng 75 công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính với hơn 80% có lợi nhuận hoặc doanh thu vượt kỳ vọng. Trong tuần này, có thêm 130 công ty trong chỉ số S&P 500 tiếp tục công bố kết quả kinh doanh.
Arnim Holzer, nhà chiến lược vĩ mô của Công ty EAB Investment Group, cho biết: “Thị trường cổ phiếu kỳ vọng các cuộc đàm phán Mỹ-Trung sẽ tích cực hơn và khả năng các doanh nghiệp Mỹ bao gồm một số tên tuổi lớn sẽ công bố lợi nhuận tốt hơn dự báo trong tuần này”.
Stephen Innes, nhà chiến lược thị trường phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty môi giới ngoại hối AxiTrader, nhận định: “Không giống như những vòng đàm phán trước đây khi hai bên theo đuổi lập trường phải đạt được điều gì đó hơn là không có gì cả, đàm phán lần này dường như thiết lập một lộ trình hiệu quả, rõ ràng cho thấy Mỹ và Trung Quốc thực sự đồng lòng hướng đến thỏa thuận giai đoạn 1 vào giữa tháng 11”.
Chốt phiên giao dịch hôm 21-10, giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn giao dịch Comex ở New York giảm 6 đô la Mỹ (0,4%), về mức 1.488,1 đô la/ounce. Giá vàng suy giảm khi nhu cầu trú ẩn tài sản an toàn của giới đầu tư suy yếu trước những tin tức lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Theo Market Watch, Reuters
Chánh Tài