Lạc quan về tình hình dịch bệnh
Số ca nhiễm Covid-19 mới có dấu hiệu giảm tại nhiều điểm nóng, tỷ lệ dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19 không ngừng tăng, các quốc gia châu Á đang tăng tốc kế hoạch tiêm chủng. Đây có thể coi là những tín hiệu lạc quan về tình hình dịch bệnh.
Ngày 8/6, Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo 86.498 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ, đánh dấu số ca bệnh hàng ngày lần đầu tiên dưới mốc 100.000 người kể từ đầu tháng 4, khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 tấn công nước này. Số ca tử vong hàng ngày tại Ấn Độ cũng ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4, với 2.123 trường hợp không qua khỏi trong 24 giờ. Đây cũng là ngày thứ 26 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca bệnh phục hồi nhiều hơn số ca nhiễm mới. Những dấu hiệu tích cực này đã cho phép nhiều địa phương tại quốc gia Nam Á bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, hạn chế phòng chống Covid-19.
Trước đó, 135.000 người đã được phép tham dự giải đua xe Indianapolis 500, được tổ chức cuối tuần qua tại bang Indiana, Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cho đến nay. Các nhà hàng tại nhiều bang của nước này cũng tấp nập khách trở lại, khi khẩu hiệu, nhận được sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden, khuyến khích: Nếu đã tiêm phòng đầy đủ, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Nền kinh tế mở cửa trở lại, với tỷ lệ 76% người trưởng thành đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, Mỹ dường như đang ở một vị trí vững chắc trong việc hạn chế sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2 hiện là mối lo ngại lớn ở châu Á và châu Âu.
Cũng là một thành công nhờ chiến dịch tiêm chủng, giới chức Y tế Na Uy ngày 6/6 tuyên bố dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản chấm dứt ở quốc gia châu Âu này. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát nhiễm trùng, Viện Y tế Công cộng Na Uy Preben Aavitsland đã cung cấp biểu đồ cho thấy số ca bệnh Covid-19 ở Na Uy thấp nhất kể từ mùa Hè năm ngoái. Ông Preben tin tưởng, với việc tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, sẽ có rất ít các ca mắc mới được ghi nhận ở Na Uy, do đó người dân nước này sẽ không cần phải bận tâm đến dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.
Rõ ràng, không ai dám chắc rằng Na Uy sẽ không phải đối mặt với làn sóng nhiễm mới, nhưng tuyên bố “hết dịch” và thực tế đã cho thấy, giới chức nước này đã sẵn sàng xử lý tốt các kịch bản. Nhìn chung, thay vì tâm lý lo sợ và bi quan ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế, nhiều nước đang ngầm đặt ra viễn cảnh “sống chung với Covid-19”, với trang bị tốt nhất là chiến dịch tiêm ngừa vaccine nhanh chóng.
Để “sửa sai” trong chiến lược tiêm chủng ngừa Covid-19 bị cho đã tỏ ra chậm chạp hơn cả, các quốc gia châu Á đang cho thấy quyết tâm nhanh chóng cải thiện khả năng tiếp cận với vaccine từ đa dạng nguồn cung - bao gồm Sáng kiến COVAX; đàm phán để mua vaccine; kêu gọi các nước giàu chia sẻ lượng vaccine dư thừa và phê chuẩn sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau - để từ đó đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Kết quả, tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người hàng ngày của Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand hiện đã cao hơn cả Mỹ. Thống kê mới nhất công bố ngày 7/6 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở châu Á hiện đạt 26 liều/100 người, xếp sau khu vực Bắc Mỹ là 63, châu Âu - 51 và Nam Mỹ - 31.
Thậm chí, nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đang đặt cược vào loạt ứng cử viên vaccine được phát triển trong nước, sau khi vật lộn để đảm bảo nguồn cung từ nước ngoài. Mặc dù các loại vaccine được phát triển trong nước khó có thể đến kịp thời để cứu vãn tình trạng thiếu hụt hiện tại, nhưng các chuyên gia khoa học coi cách tiếp cận này là một khoản đầu tư dài hạn, sẽ đón đầu nhu cầu tiêm vaccine tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch trước các biến thể virus trong nhiều năm tới.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lac-quan-ve-tinh-hinh-dich-benh-422834.html