Lạc trôi (Flow) - thông điệp lớn về tinh thần hòa hợp
Một trong những chiến thắng vang dội, đầy bất ngờ nhất trong cuộc đua giành tượng vàng Oscar 2025 chính là chiến thắng của bộ phim hoạt hình Flow (tựa tiếng Việt: Lạc trôi) tại hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Bộ phim của đạo diễn Gints Zilbalodis đến từ đất nước Latvia đã vượt qua các đối thủ nặng ký của các hãng phim hoạt hình lớn như DreamWorks Animation, Disney-Pixar bởi chính câu chuyện giàu thông điệp và nghệ thuật kể chuyện đầy sáng tạo, hấp dẫn và lôi cuốn.

Poster phim Lạc trôi (Flow). Nguồn: Internet
Theo nước xuôi dòng
Lạc trôi lấy bối cảnh hậu tận thế, nơi thế gian ngập trong biển nước khi một cơn lũ bất ngờ ập đến. Loài người không còn, chỉ còn những tàn tích hoang tàn, đổ nát và những con vật không nơi nương tựa phải bắt đầu một hành trình sinh tồn trong thảm họa.
Tình huống bộ phim đặt ra rất kịch tính: nước không ngừng dâng lên, mọi nơi trú ngụ quen thuộc đều không còn an toàn, và chiếc thuyền là phao cứu sinh duy nhất. Đó là lý do mà mèo, chó, chim ăn rắn, vượn cáo và chuột lang nước phải cùng leo lên một chiếc thuyền. Chiếc thuyền nhỏ là không gian không hề thoải mái vì khác biệt về tập tính giữa các loài là rất lớn: mèo luôn hoài nghi, cảnh giác, thích sống một mình, có nghị lực; chó vô tư, sôi nổi, thích vui chơi; vượn cáo tham lam, thích tích trữ, có phần phù phiếm; chuột lang nước bình thản, tốt bụng, bao dung; chim mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh. Nhưng nó là vùng an toàn đối với tất cả, rơi ra khỏi thuyền gần như là không còn đường sống. Thế nên, dù muốn hay không, những con vật khác loài phải cùng trôi theo dòng nước trên chiếc thuyền nhỏ ấy.
Cơn lũ lớn, có thể là cơn đại hồng thủy, nhưng cũng có thể là một ẩn dụ về mọi tai ương, biến cố hay hiểm họa mà bất kỳ ai trong chúng ta đều có nguy cơ đối mặt trong đời. Nó ập đến bất ngờ như dòng nước cuồn cuộn đổ từ thượng ngàn xuống vùng trũng, không thể đương đầu ngăn cản, cũng không thể neo bám vào vùng an toàn bấy lâu. Chú mèo đen thay vì nhảy lên chiếc thuyền khi lần đầu tiên thấy nó, đã quay về ngôi nhà hoang tàn, liên tục leo lên những vị trí cao hơn với hy vọng được an toàn. Nhưng cuối cùng, bức tượng mèo cao nhất cũng bị nhấn chìm. Chú phải lên thuyền, dù đầy dè dặt. Vượn cáo cũng vậy, dù yêu thích đống đồ mình tích trữ bao nhiêu đi chăng nữa, nó vẫn phải lên thuyền. Để tồn tại, buông bỏ những điều mình yêu thích và gắn bó, theo nước xuôi dòng là lựa chọn duy nhất.
Hòa hợp để sinh tồn
Dù chú mèo đen luôn hướng về nơi có các hàng cột cao ngất trời như thể đó là một địa đàng mới hậu tận thế, dù chú và chú chim ăn rắn đã cùng nhau lèo lái con thuyền đi về nơi đó, mọi việc đều không dễ dàng vì dòng nước luôn ẩn chứa nhiều bất trắc. Sóng to gió lớn, mèo đen bị rớt xuống nước. Lênh đênh giữa biển nước mênh mông, thức ăn không dễ tìm thấy. Ngay cả khi nước rút, chiếc thuyền treo lơ lửng trên cây cao, dưới đó là đáy vực sâu thăm thẳm. Thuận theo dòng nước là lựa chọn duy nhất, nhưng như vậy chưa đủ để đưa tất cả vượt qua thử thách sinh tồn.
Đạo diễn Gints Zilbalodis từng chia sẻ dự án Lạc trôi phản ánh trải nghiệm của anh: “Tôi muốn kể một câu chuyện về chính mình. Học cách làm việc cùng người khác, học cách tin tưởng người khác là điều mà Lạc trôi muốn truyền tải”. Song có lẽ sâu xa hơn, bộ phim muốn chuyển tải một cách mạnh mẽ thông điệp về tinh thần hòa hợp, bằng cách cho thấy sự chia rẽ giữa loài với loài, giữa người với người, giữa các dân tộc, cộng đồng, hay quốc gia không phải nằm ở sự khác biệt. Sự vị kỷ, chấp niệm cố hữu mới là nguyên nhân của bao xung đột trên thế gian này.
Tình huống buộc tất cả chúng phải chấp nhận chung sống với nhau, trong một không gian chật chội và chông chênh là chiếc thuyền nhỏ đang trôi theo dòng nước. Sự chật hẹp và thường xuyên chao nghiêng của chiếc thuyền khiến cho ngay cả khi mỗi thành viên muốn tìm kiếm một không gian riêng, khu trú vào thế giới của mình, như cách vượn kéo “giỏ tài sản” vào dưới khoang thuyền và nằm giữ nó, thì vẫn không tránh khỏi sự va chạm, tiếp xúc với những thành viên còn lại. Tìm một thế giới riêng cho cái tôi của mình trong một bối cảnh tai ương như thế này là điều không thể. Không những vậy, sự khác biệt về tập tính cũng là nguyên nhân gây ra xung đột: chim ăn rắn đã thẳng thừng từ chối yêu cầu vui chơi của chú chó, vượn cáo giận dữ khi quả cầu yêu thích bị đá rơi xuống nước… Song mọi xung đột, mâu thuẫn đều phải được kìm hãm, vì tất cả đều đang cùng trên một con thuyền.
Mèo, vượn cáo, chim ăn rắn, chuột lang nước và chó - giờ đây không phải là những cá thể đơn lẻ, mà đã trở thành một thành viên trong một tập thể mới. Sau những xung đột, mỗi thành viên đều học được cách hòa hợp thông qua việc kiểm soát cái tôi, bớt đi sự vị kỷ và mở rộng sự vị tha. Chú mèo đen đã bắt cá cho các thành viên còn lại trong đoàn. Vượn cáo đã chọn đi cùng mèo thay vì ở lại cùng đồng loại. Chú chó vô tư ham chơi cũng chọn ở lại cùng mèo, vượn cáo để cứu chuột lang nước thay vì chạy với những chú chó khác đuổi theo một con thỏ. Sự thay đổi của các nhân vật từ xa cách đến gắn kết, từ xung đột đến hòa hợp đã cho thấy rằng, để có thể đương đầu hay đối diện với mọi sóng gió, không phải chỉ cần có sức mạnh nội tâm để thuận theo dòng nước, mà cần có sự kết nối với những người xung quanh bằng cách tự điều chỉnh mình, xóa bỏ khoảng cách hay rào cản của sự khác biệt. Chính tinh thần hòa hợp đã tạo nên sức mạnh cho hành trình sinh tồn khi bị lạc trôi theo dòng nước.
Nghệ thuật của “không lời”
Với ngân sách 3,7 triệu USD - kém 54 lần kinh phí của Inside Out 2 của Disney - Pixar, Lạc trôi đã thực sự truyền cảm hứng cho các nhà làm phim độc lập nhỏ lẻ khắp nơi trên thế giới khi nó cho thấy kinh phí hay công nghệ làm phim hiện đại tiên tiến nhất không phải là yếu tố quan trọng quyết định thành công của một bộ phim hoạt hình. Chính thông điệp sâu sắc, nhân văn và nghệ thuật kể chuyện sáng tạo, ấn tượng mới là những yếu tố cần đầu tư hơn cả.
Điểm đặc biệt nhất của Lạc trôi là kỹ thuật điện ảnh: “Show, don't tell” (tạm dịch: Hãy tả, đừng kể). Bộ phim không có lời thoại. Ngôn ngữ giao tiếp giữa các loài là tiếng kêu của chúng. Sự bất đồng ngôn ngữ ngụ ý rằng đối thoại không phải là yếu tố quyết định sự thông hiểu. Chính sự kết nối về mặt cảm xúc trong cùng một hoàn cảnh mới giúp các thành viên trên chiếc thuyền hình thành và phát triển sự gắn bó thân thiết với nhau.
Không có lời thoại, ngôn ngữ của phim là âm thanh và hình ảnh. Liên tục thay đổi góc nhìn, toàn cảnh và cận cảnh, các khung cảnh trong phim khi thì khoáng đạt, bao la, choáng ngợp, khi gần gũi, sắc nét, chân thực. Những loài động vật trong phim được tạo hình đơn giản bằng những khối màu, nhấn mạnh vào động tác và biểu cảm hơn là chú trọng vào các chi tiết tả thực phức tạp, song chuyển động và biểu cảm vẫn mềm mại và sinh động. Âm thanh của cuộc sống như tiếng kêu của loài vật, tiếng nước, tiếng gió… kết hợp với phần âm nhạc giàu cảm xúc, đặc tả được sự bình lặng lẫn cao trào, kịch tính của câu chuyện đã góp phần “kể” câu chuyện theo cách đặc biệt nhất.
Lạc trôi chứa đựng tầng tầng lớp lớp các ẩn dụ đa nghĩa. Mỗi chi tiết xuất hiện đều ẩn chứa những bài học, thông điệp sâu xa. Cá voi tung hoành, tự do, phóng khoáng trong dòng nước mênh mông khi cơn lũ đến, từng tình cờ cứu vớt mèo đang sắp chìm xuống đáy nước sâu, đột ngột xuất hiện lại ở cuối phim, khi nước bất ngờ rút cạn, trong tình trạng thoi thóp khiến cho mèo không khỏi tiếc thương. Thì ra, sự phân biệt giữa tai ương hay phúc lành là không thể rạch ròi.
Bộ phim có cấu trúc vòng tròn. Mở đầu với hình ảnh đàn hươu rầm rầm băng qua vùng đất mèo đang cư ngụ, ngay sau đó là cơn lũ. Cuối phim, đàn hươu ấy lại tiếp tục xuất hiện, báo hiệu một cơn lũ khác sẽ xuất hiện. Chỉ có điều khác biệt, đầu phim, mèo hoảng loạn, ngơ ngác, đơn độc bao nhiêu thì cuối phim, mèo đã bình thản, tĩnh tại cùng với những người bạn đồng hành thân thiết của mình. Trải qua một hành trình sinh tử cùng nhau, mỗi cá thể đã có những biến chuyển rõ rệt.