Lạc Xuân ở Chiêm Hóa: Hiệu quả từ giống mới, cách làm mới

Vụ xuân này, huyện Chiêm Hóa trồng được trên 2.000 ha lạc, mặc dù gặp thời tiết bất lợi đầu vụ nhưng nhờ vận dụng cách làm mới, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất lạc của huyện vẫn đạt bình quân 70 tạ lạc tươi/ha, không thấp hơn so với vụ xuân năm ngoái. Hiện, người dân đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lạc chuẩn bị các điều kiện gieo cấy vụ mùa.

Những ngày này, người dân các xã Yên Nguyên, Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ… đang tập trung nhân lực ra đồng thu hoạch lạc xuân. Theo đánh giá của người dân, năm nay lạc không sai củ nhưng củ đều, chắc hạt, giá bán hiện tại trên 10.000 đồng/kg củ tươi nên người dân rất phấn khởi.

Người dân thôn Bản Cậu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) thu hoạch lạc xuân.

Người dân thôn Bản Cậu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) thu hoạch lạc xuân.

Vụ xuân năm nay, xã Phúc Sơn trồng 490 ha lạc, dẫn đầu huyện về diện tích, trong đó lạc trồng trên đất ruộng 264,5 ha, lạc trồng trên soi bãi 225,5 ha, chủ yếu là giống lạc L14 và L16. Hầu hết các hộ dân trong xã đều tận dụng hết diện tích đất soi bãi ven suối và đất ruộng 1 vụ để trồng lạc. Lạc được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt từ 65 đến 72 tạ lạc tươi/ha. Để giải phóng đất cho sản xuất vụ mùa, bà con nông dân ở các thôn bản đã giúp nhau ngày công khẩn trương thu hoạch lạc. Điểm mới trong sản xuất lạc xuân của xã là người dân đã chủ động tự mua nilon về che phủ cho gần 4 ha lạc, phương pháp trồng này qua các vụ trước đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Lạc được che phủ nilon làm tăng nhiệt độ đất giúp cây phát triển nhanh ở giai đoạn mọc mầm; giữ ẩm đất tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi ở các giai đoạn sau, hạn chế cỏ dại, sự rửa trôi chất dinh dưỡng nên năng suất cao hơn từ 40 - 70 kg lạc tươi/1.000m2 so với cách trồng thông thường.

Gia đình chị Hoàng Thị Mai, thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn đã chủ động đầu tư nilon để trồng 2.000 m2, trong tổng số 6.000 m2 lạc của gia đình. Chị Mai cho biết, ngoài thực hiện che phủ nilon, gia đình còn sử dụng chế phẩm vi sinh để bón cho lạc, nhờ vậy đất tơi xốp, lạc ít bị bệnh lại giảm công chăm sóc, làm cỏ, lạc giữ ẩm tốt và đặc biệt là mẩy củ, cho thu hoạch sớm hơn so với lạc trồng truyền thống, năng suất lạc đạt 7,2 tạ/1.000 m2.

Vụ này, xã Phúc Sơn đã đưa vào trồng thử nghiệm giống lạc L14 nguyên chủng trên đất ruộng 1 vụ với 2,5 ha tại thôn Bản Cậu. Ông Phạm Đức Thế, thôn Bản Cậu cho biết, vụ xuân này gia đình trồng thử nghiệm 2.000 m2 giống lạc L14 nguyên chủng rất hợp với đồng đất xã Phúc Sơn, cây lạc ít bị sâu bệnh, hoa ra đều... Hiện nay, lạc đã được thu hoạch, giống lạc L14 cây thấp hơn 10 - 20 cm so với các giống lạc khác, tuy củ bé nhưng vỏ mỏng mẩy, chất lượng lạc tốt hơn so với các giống lạc thông thường. Vụ này, gia đình ông thu hoạch được gần 1,4 tấn lạc tươi, ông giữ lại toàn bộ củ để làm giống và bán cho người dân có nhu cầu trồng giống lạc này.

Từ mờ sáng người dân xã Minh Quang đã có mặt trên đồng để thu hoạch lạc. Bà Ma Thị Lan, thôn Bản Pài bảo rằng, năm nào cũng vậy, không chỉ riêng gia đình bà mà nhiều hộ dân trong thôn tranh thủ trồng sớm để có lạc tươi bán. Lạc đầu mùa giá bán cao, bà rất phấn khởi bởi được tư thương tới tận ruộng thu mua lạc tươi với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Hiện nay, gia đình đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch toàn bộ 2.000 m2 lạc để kịp cấy lúa vụ mùa. Theo bà Lan, do mưa nhiều đầu vụ cùng với mưa đá đã ảnh hưởng đến năng suất lạc. Với 1.000 m2 vừa thu hoạch xong gia đình thu được 6 tạ lạc tươi, giảm 1 tạ so với vụ trước nhưng bù lại giá thu mua lại cao hơn vụ trước từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Như vậy trồng lạc vẫn có thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng cây màu khác.

Thực hiện thâm canh 3 vụ mỗi năm, kết hợp giữa trồng lạc vụ xuân, trồng lúa vụ mùa và trồng ngô vụ đông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Chiêm Hóa. Với 1.000 m2 lạc cho năng suất từ 6 - 7 tạ củ tươi, giá bán hiện tại khoảng 1 triệu đồng/tạ, người dân thu về bình quân 5 đến 6 triệu đồng. Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian tới huyện Chiêm Hóa tiếp tục mở rộng trồng đại trà giống lạc L14 nguyên chủng, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng lạc; tích cực kết nối thị trường tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/lac-xuan-o-chiem-hoa-hieu-qua-tu-giong-moi-cach-lam-moi-133079.html