Lãi 'bèo bọt', âm nặng dòng tiền, Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) vẫn muốn rót 300 tỷ đồng mua công ty bất động sản
Bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu TTB trên thị trường lại bất ngờ nổi sóng khi tăng 53% sau chưa đến 2 tháng.
Dự chi 300 tỷ đồng mua cổ phần 2 công ty bất động sản
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB) mới đây đã thông qua Hội đồng quản trị về phương án mua cổ phần của các công ty sở hữu dự án bất động sản.
Dự án TBCO Riverside của Tập đoàn Tiến Bộ tại Thái Nguyên. Nguồn: TBGroup
Bài liên quan
MBLand: Doanh thu tụt dốc, lợi nhuận lèo tèo, “tháo chạy” giờ lại đề xuất làm tiếp KĐT mới Nam Trường Chinh
Cụ thể, TTB dự kiến sẽ mua lại tổng cộng 21,5 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Phát bao gồm 8,5 triệu cổ phần từ các cổ đông hiện hữu và 13 triệu cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn. Giá mua 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị đầu tư 215 tỷ đồng.
Thành lập từ năm 2014, Đầu tư Bình Minh Phát hiện có vốn điều lệ 130 tỷ đồng và là chủ đầu tư Dự án Nhà ở xã hội Bình Minh Phát với quy mô 11,3ha. Dự án hiện đã hoàn thiện pháp lý, giao đất và đang trong quá trình thi công hạ tầng. Như vậy 8,5 triệu cổ phần TTB dự kiến mua lại từ cổ đông hiện hữu sẽ chiếm 65,4% tổng vốn điều lệ của Đầu tư Bình Minh Phát.
Bên cạnh đó, TTB cũng sẽ mua tổng cộng 8,5 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Đại Hữu bao gồm 1 triệu cổ phần từ cổ đông hiện hữu và 7,5 triệu cổ phần trong đợt phát hành thêm. Giá mua 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị giao dịch 85 tỷ đồng.
Xây dựng Thương mại Đại Hữu được thành lập năm 2017, hiện có vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng. Như vậy 1 triệu cổ phần mà TTB dự kiến mua từ các cổ đông hiện hữu chiếm 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Thương mại Đại Hữu hiện đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm thương mại Dịch vụ và nhà ở cao tầng tại Phường Quang Vinh, Thành phố Thái Nguyên.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, cổ đông TTB đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu (tương đương 97,07% tổng số cổ phiếu hiện tại đang lưu hành) nhằm tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 1.015 tỷ đồng. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền dự kiến duy động được 500 tỷ đồng. Ngoài 300 tỷ đồng để mua lại các công ty trên, 200 tỷ đồng còn lại sẽ được bổ sung vào vốn lưu động.
Lợi nhuận giảm sâu, âm nặng dòng tiền kinh doanh
Khởi đầu với lĩnh vực sản xuất hàng thể thao thủ công, TTB bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực đầu tư bất động sản từ năm 2015, tập trung vào khu vực tỉnh lẻ như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Nhờ đó, doanh thu của TTB liên tục tăng từ mức hơn 300 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 500 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại trồi sụt thất thường trước khi rơi mạnh đến 65% trong năm ngoái, xuống còn 11,5 tỷ đồng.
Tình trạng tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2021 khi doanh doanh thu tăng gấp đôi lên 396 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 73% so với cùng kỳ xuống còn vỏn vẹn chưa đến 1 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm hơn 73 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt với các đợt bùng phát dịch 3 và 4 trên quy mô rộng đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản tỉnh lẻ bao gồm cả thị trường chính của TTB tại Bắc Giang. Ngoài ra, nguyên vật liệu tăng mạnh và áp lực trả nợ lớn do phụ thuộc nhiều vào vốn vay để tài trợ cho các dự án bất động sản cũng ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đánh giá về năm 2021, lãnh đạo TTB nhận định, tình hình thị trường còn rất nhiều khó khăn do các đợt bùng phát dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị thành viên. TTB đang chịu áp lực kinh doanh rất lớn, khi mà những thị trường trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh từng bị phong tỏa để chống dịch khiến thị trường địa ốc nơi đây bị đình trệ và đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện, cho dù dịch đã được kiểm soát.
Năm 2021, TTB xây dựng kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Trong kịch bản thận trọng, TTB dự kiến doanh thu đạt 600 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 13% xuống 10 tỷ đồng. Trong kịch bản lạc quan hơn, TTB dự kiến đạt 800 tỷ đồng doanh thu và 30 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 60% và 160% so với thực hiện năm 2020.
Với kết quả không mấy khả quan trong nửa đầu năm, khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trong kịch bản thận trọng của TTB vẫn còn bỏ ngỏ.
Cổ phiếu không màng kết quả kinh doanh
Bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu TTB trên thị trường lại bất ngờ nổi sóng thời gian gần đây. Cổ phiếu này liên tục tăng mạnh và hiện đang dừng ở mức 7.810 đồng/cổ phiếu, cao hơn 53% so với thời điểm đầu tháng 8.
Diễn biến cổ phiếu không đi kèm với yếu tố cơ bản khiến không ít nhà đầu tư nghi ngờ. Trong quá khứ, TTB từng khiến giới đầu tư phải ngỡ ngàng khi rơi một mạch từ vùng giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu xuống giao dịch quanh mức 3.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019.
Ngoài ra, TTB còn để lại nhiều tai tiếng khi nhiều lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính vì những lý do khác nhau như không công bố thông tin theo quy định, báo cáo có nội dung không chính xác.