Lai Châu: Chuyển biến tích cực ở vùng dân tộc thiểu số nhờ truyền thông bình đẳng giới

Nhờ những nỗ lực trong công tác truyền thông ở vùng đông bào dân tộc thiểu số trong suốt những năm qua, Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về vấn đề bình đẳng giới.

 Truyền thông về bình đẳng giới đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở tinh Lai Châu

Truyền thông về bình đẳng giới đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở tinh Lai Châu

Với đặc thù là địa bàn vùng cao, vùng biên giới, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân nơi đây với hơn 84% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã phát hành hơn 30.900 tài liệu truyền thông về bình đẳng giới; Báo Lai Châu đăng tải gần 1.000 tin, bài, video, ảnh phản ánh các mô hình, gương điển hình và chính sách pháp luật về giới. Các phương tiện truyền thông từ tỉnh đến cơ sở đã phát sóng hàng nghìn tin, bài, phóng sự; phát hành 30.933 tờ rơi, tờ gấp, treo 1.221 băng rôn, banner, truyền thông lưu động được 336 đợt; tổ chức 3.310 buổi sinh hoạt chuyên đề và 1.379 cuộc thi tuyên truyền, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Ngoài ra, hơn 95% hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân phố đã được rà soát, sửa đổi, đảm bảo không có nội dung phân biệt đối xử về giới.

Cán bộ Hội LHPN xã Tả Lèng, Lai Châu, tuyên truyền về bình đẳng giới

Cán bộ Hội LHPN xã Tả Lèng, Lai Châu, tuyên truyền về bình đẳng giới

Ngoài ra, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các mô hình như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình hạnh phúc bền vững”. Từ đó, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết, tự tin tham gia phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội và chủ động phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.

Đồng thời, Hội cũng chú trọng vận động sự tham gia của nam giới vào công tác tuyên truyền thông qua những hình ảnh, câu chuyện thiết thực, như: Hình ảnh người cha chăm con, người chồng sẻ chia công việc gia đình hay những trưởng bản người dân tộc thiểu số đứng ra tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã trở thành minh chứng sinh động về những chuyển biến trong cộng đồng.

Trong 5 năm triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới, tỉnh Lai Châu đã đạt kết quả tích cực ở cả 5 chỉ tiêu trọng tâm. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tổ chức ít nhất 2 cuộc truyền thông pháp luật về giới; toàn tỉnh duy trì triển khai hiệu quả Tháng hành động vì bình đẳng giới. Tỷ lệ người dân có nhận thức cơ bản về giới đạt 60%. 70% cơ quan truyền thông đã áp dụng thí điểm Bộ chỉ số giới và 95% hương ước, quy ước cộng đồng được rà soát, loại bỏ nội dung phân biệt giới.

Các kết quả cho thấy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bình đẳng, văn minh trong cộng đồng.

Hội thi truyền thông về bình đẳng giới

Hội thi truyền thông về bình đẳng giới

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai chương trình truyền thông về bình đẳng giới ở Lai Châu vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: Địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, còn định kiến giới trong cộng đồng dân cư, một số cán bộ cơ sở chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng truyền thông. Một số ít bộ phận người dân chưa thay đổi tư tưởng, quan niệm truyền thống về vai trò giới dẫn đến khó khăn trong công tác truyền thông. Thiếu nguồn lực, phương tiện để triển khai truyền thông hiện đại đến các địa bàn khó khăn. Việc đo lường, đánh giá hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới có thời điểm chưa được thực hiện thường xuyên.

Trong giai đoạn từ năm 2026-2030, Lai Châu tiếp tục xác định mục tiêu: Đảm bảo tất cả người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận đầy đủ, chính xác về bình đẳng giới; phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% hương ước, quy ước không có nội dung phân biệt giới và tăng nhận thức của cộng đồng thêm 10-15% so với năm 2025.

Để đạt được điều đó, tỉnh sẽ chú trọng ứng dụng nền tảng số trong truyền thông, tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ và cộng tác viên cơ sở, tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lai-chau-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-o-vung-dan-toc-thieu-so-nho-truyen-thong-binh-dang-gioi-20250706193729796.htm