Lai Châu: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn trường học

Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong bếp ăn trường học cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được các nhà trường trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe, duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2024 – 2025, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ có tổng số 24 lớp với 423 học sinh, trong đó có 248 học sinh bán trú. Ngoài chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATVSTP trong trường học với mong muốn đảm bảo sức khỏe học tập, tạo sự tin cậy, yên tâm cho các bậc phụ huynh có con theo học ở trường. Theo chia sẻ của thầy giáo Doãn Trung Cường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pu Sam Cáp, ngay từ đầu năm học nhà trường xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho các bộ phận chịu trách nhiệm về công tác chăm sóc và nuôi dưỡng, nấu ăn cho học sinh tại trường. Chú trọng từ khâu vệ sinh đồ dùng nhà bếp, đồ dùng ăn uống đến khâu giao nhận thực phẩm, chế biến, quy trình nấu ăn. Từ đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra mất vệ sinh và ngộ độc thực phẩm tại trường.

Các bữa ăn của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ luôn đảm bảo dinh dưỡng.

Các bữa ăn của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ luôn đảm bảo dinh dưỡng.

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống bếp ăn nhà trường luôn đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, có tủ lưu mẫu thức ăn, tủ đựng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín riêng biệt. Nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng, yêu cầu cam kết về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Các loại thực phẩm được nhà trường sử dụng đều tươi sống; hạn chế các loại thực phẩm khô, đóng hộp. Rau, thịt nhập vào mỗi buổi sáng được kiểm tra đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, nhà trường mới ký nhận, hàng ngày đều lưu mẫu thức ăn trong 24 tiếng. Vì vậy, phụ huynh học sinh rất yên tâm đối với những bữa ăn bán trú hằng ngày của con em mình, nhờ vậy tỷ lệ ra lớp luôn đạt trên 98%.

Hiện nay, huyện Sìn Hồ có 63 đơn vị trường với tổng số 25.223 học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện chỉ đạo các trường có tổ chức ăn bán trú thực hiện chế độ ăn cho học sinh theo biểu đồ dinh dưỡng. 100% trẻ mầm non và tiểu học được theo dõi sức khỏe theo biểu đồ và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Phòng thường xuyên rà soát cơ sở vật chất của các trường học, sửa chữa, nâng cấp bếp ăn, nhà ăn tập thể cho các trường học. Ngoài chương trình kiểm tra ATTP của cơ quan liên ngành, Phòng còn chỉ đạo các trường tự kiểm tra, giám sát quy trình nhận nguyên liệu, thực phẩm, chế biến thức ăn đảm bảo ATVSTP, thực hiện nghiêm túc việc công khai chế độ, thực đơn, giá cả bữa ăn của học sinh dưới nhiều hình thức bảng tin, niêm yết tại khu vực bếp các điểm trường, thông báo qua các cuộc họp... Định kỳ hằng tháng, gửi thông tin học sinh ăn đến Phòng GD&ĐT để theo dõi, giám sát.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Tân Phong, thành phố Lai Châu thực hiện ghi chú, lưu mẫu thức ăn.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Tân Phong, thành phố Lai Châu thực hiện ghi chú, lưu mẫu thức ăn.

Tại Trường Mầm non Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, năm học 2024-2025 nhà trường có 447 học sinh ăn bán trú. Để tạo nề nếp trong công tác bán trú, nhà trường xây dựng nội quy bán trú, thời gian biểu, đồng thời phân công giáo viên trực, quản lý học sinh hàng ngày, hàng tuần. Nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, nhà trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm tin cậy, lựa chọn những thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng để học sinh có sức khỏe tốt, yên tâm học tập.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 113 trường mầm non (1 trường tư thục), 82 trường tiểu học, 30 trường liên cấp TH&THCS, 80 trường THCS; 23 trường THPT. Trong đó, có 85 trường PTDTBT với 41.384 học sinh được tổ chức ăn bán trú. Được biết, thực hiện tốt công tác bán trú, trước khi bước vào năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Lai Châu đã yêu cầu các đơn vị nhà trường cần thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng có uy tín, có giấy phép kinh doanh thực phẩm còn hiệu lực và đảm bảo các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Tại các trường học, thực hiện bếp một chiều, những trường chưa có bếp ăn một chiều thì cần nấu ăn đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh khu vực bếp ăn; lưu mẫu thức ăn sống và chín, trong quá trình chế biến thức ăn cho học sinh phải đảm bảo tuyệt đối ATVSTP. Các bữa ăn được thực hiện theo đúng chế độ quy định, đảm bảo dinh dưỡng trong cả ba bữa sáng, trưa và tối.

Việc đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn trong trường học luôn là vấn đề cần sự chung tay của các nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, các trường học trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học. Qua đó, kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm, góp phần đảm bảo sức khỏe, an toàn và phát triển toàn diện cho các em học sinh.

Hà Tĩnh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/huong-ung-thang-hanh-dong-vi-an-toan-toan-thuc-pham-tu-154-155/lai-chau-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-trong-bep-an-truong-hoc-678469