Lai Châu: Đẩy mạnh hơn nữa việc huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án 818

Thời gian tới, ngành Dân số Lai Châu cần tăng cường sự phối hợp với các đoàn thể nhằm phát huy tối đa nguồn lực thực hiện Đề án. Đồng thời, huy động mạnh mẽ sự tham gia của hệ thống Y tế cũng như các tổ chức xã hội trong thực hiện Đề án và có chính sách phù hợp để các tổ chức này chủ động tham gia vào các hoạt động chung của tỉnh.

Sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng), UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019 - 2030 để tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho hoạt động Đề án.

Theo đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tham mưu cho sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện và đăng ký 18 sản phẩm của Đề án 818 và rà soát đăng ký các cơ sở đủ điều kiện tham gia thực hiện dịch vụ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lai Châu, để thực hiện giai đoạn 1 (từ năm 2019 -2025), tỉnh Lai Châu đã lựa chọn triển khai thực hiện tại 14 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố làm mô hình điểm về xã hội hóa các phương tiện tránh thai và cung ứng các sản phẩm của Đề án 818.

Tích cực tuyên truyền, tư vấn lồng ghép Đề án 818 trong các chương trình của công tác Dân số - KHHGĐ. Đồng thời, thực hiện rà soát đăng ký cơ sở đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại tỉnh Lai Châu.

Truyền thông về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Lai Châu. Ảnh TL

Truyền thông về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Lai Châu. Ảnh TL

Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch Đề án, tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều hạn chế ở các cấp. Đề án thực hiện còn mang tính hình thức, các nội dung hoạt động không có, cụ thể các sản phẩm thuộc Đề án 818 đã có văn bản gửi cho các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nhưng không khả thi và hồi đáp để thực hiện.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành thành viên ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ tại một số huyện, xã còn hạn chế. Việc tổ chức thực hiện Đề án thiếu sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, thiếu sự phối hợp thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể xã.

Từ thực tế trên, theo ông Hoàng Hải Hưng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lai Châu, thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Đề án 818 trên địa bàn tỉnh, cần huy động sự tham gia của cấp ủy Đảng vào việc thực hiện Đề án thông qua việc lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của các ban ngành đoàn thể địa phương đưa nội dung thích hợp, phù hợp với Đề án bằng nhiều hình thức để thuyết phục người dân.

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp với các đoàn thể nhằm phát huy tối đa nguồn lực thực hiện dưới sự chỉ đạo chung của UBND tỉnh. Huy động mạnh mẽ sự tham gia của hệ thống Y tế cũng như các tổ chức xã hội trong thực hiện Đề án và có chính sách phù hợp để các tổ chức này chủ động tham gia vào các hoạt động chung của tỉnh.

Tăng cường phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông vận động đổi mới các hình thức truyền thông, xây dựng các nội dung truyền thông đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc, từng nhóm đối tượng. Chú trọng tới các hình thức truyền thông trực tiếp như truyên truyền vận động trực tiếp tại các hộ gia đình, qua các buổi sinh hoạt nhóm, thôn, bản, tổ dân phố.

Ngoài ra, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng trong việc truyền thông về sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, tạo dư luận xã hội đồng tình ủng hộ theo phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của người dân.

Thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và thay đổi nhận thức, hành vi của người dân từ "bao cấp, miễn phí" sang "mua bán, tự chi trả" phù hợp với khả năng của người dân, đảm bảo thuận tiện, chất lượng và an toàn.

Mặt khác, xây dựng hệ thống bảo đảm cho việc dự phòng, sàng lọc, kiểm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng chuyên môn đã được quy định.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/lai-chau-day-manh-hon-nua-viec-huy-dong-cac-nguon-luc-de-thuc-hien-de-an-818-172211212192214173.htm