Lai Châu huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ triệt phá nhiều hầm vàng trái phép

Trong 1 tuần, hơn 400 cán bộ, chiến sỹ đã triệt phá khoảng 50 lán trại, 40 hầm khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng chuẩn bị đánh sập hầm khai thác vàng ở bản Nậm Suổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè.

Lực lượng chức năng chuẩn bị đánh sập hầm khai thác vàng ở bản Nậm Suổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè.

Hiểm nguy rình rập

Việc khai thác vàng trái phép ở Lai Châu diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Những phu vàng khai thác thủ công với công cụ hỗ trợ thô sơ. Bất chấp rủi ro trong quá trình khai thác “chui”, họ đang “đánh đu” với tử thần bởi giấc mộng đổi đời.

Trong chuyến thâm nhập tại “bãi vàng ông Hưởng” ở xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, chúng tôi rợn người với những vách đá dựng đứng trên đường lên hang khai thác. Để đi đến hang, chúng tôi phải leo thêm 2 cái thang gỗ ọp ẹp, dựng đứng gắn trên vách núi vô cùng nguy hiểm. Chỉ sơ sẩy thôi là có thể rơi xuống vực sâu hun hút.

Đường lên hầm khai thác vàng tại "Bãi vàng ông Hưởng" với hiểm nguy rình rập.

Đường lên hầm khai thác vàng tại "Bãi vàng ông Hưởng" với hiểm nguy rình rập.

Đi sâu vào trong hang chừng 30m, chúng tôi phát hiện các bao tải chứa đất đá (nghi là vàng sa khoáng) đang được cất giấu. Sâu vào bên trong có một giếng nước và nhiều công cụ hỗ trợ cho việc khai thác thủ công.

Nhìn giếng nước sâu với 2 bên hầm được chống bằng gỗ khiến chúng tôi rùng mình vì mức độ nguy hiểm. Đất đá có thể sạt lở, vùi lấp phu vàng bất cứ lúc nào.

Phu vàng Sùng Vạ Sấu (ở bản Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè) mới lên khu vực Nậm Kha Á, xã Mù Cả để khai thác. Sấu cùng bà con rủ nhau vào rừng tìm, làm được vài ngày mà chưa tìm thấy vàng ở đâu.

“Công việc làm vàng cũng đơn giản, lấy cuốc và búa đục rồi đập đá, sau đó đãi bằng dụng cụ thô sơ. Bà con có người làm được mấy chục triệu đồng, nhưng có người làm cả tháng chỉ được vài triệu. Công việc này cũng nguy hiểm lắm, phải chặt cây chống để khỏi bị sập hầm” – Sùng Vạ Sấu nói.

Việc khai thác vàng trong hầm lò rất nguy hiểm.

Việc khai thác vàng trong hầm lò rất nguy hiểm.

Còn Vàng A Dình - người được thuê khai thác vàng trái phép đầu suối bản Nậm Suổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè cho biết mình đến từ huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Dình chỉ cần làm ban ngày và mỗi tháng sẽ được trả công 6 triệu đồng.

Nơi “thâm sơn cùng cốc”, những phu vàng như Sấu, Dình đang ngày đêm liều mình đánh cược mạng sống bản thân. Họ bất chấp nguy hiểm có thể đổ sập xuống đầu bất cứ lúc nào để lao theo những giấc mơ vàng. Họ đào vàng, tìm vàng công khai như thể không nhanh sẽ hết.

Hiển hiện nỗi lo môi trường

Theo lời kể, vào những năm 2009, 2010, khi "vàng tặc" hoành hành, dòng suối đầu nguồn bản Phiêng Chại, xã Noong Hẻo (Sìn Hồ) đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Vàng tặc” đào sâu xuống lòng suối để bới khiến dòng nước đục ngầu, đỏ bùn đất. Điều đó khiến người dân chật vật tìm kiếm nước sạch dùng trong sinh hoạt và sản xuất.

Cả xã Noong Hẻo có 10 bản, nhưng 5 bản trong số đó trực tiếp sử dụng nguồn nước từ con suối bị ảnh hưởng này. Người dân chẳng dám đem nước vào ao vì sợ cá chết. Dòng nước bẩn đục, kéo theo bùn đất đỏ chảy tràn vào ruộng cũng khiến cây lúa kém phát triển, cho năng suất và sản lượng thấp. Do đó nhiều hộ dân trong bản đã bỏ hoang ruộng.

Nguồn nước ở đầu nguồn bản Phiêng Chại, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ có nguy cơ bị ô nhiễm do khai thác vàng trái phép. Ảnh tư liệu.

Nguồn nước ở đầu nguồn bản Phiêng Chại, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ có nguy cơ bị ô nhiễm do khai thác vàng trái phép. Ảnh tư liệu.

Điều đáng nói, với công cụ chế biến thô sơ, hóa chất để “bắt vàng” và các loại chất thải như dầu, mỡ từ các phương tiện, máy móc thải ra môi trường đều đổ dồn về suối. Dòng suối càng trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của hàng trăm hộ dân sử dụng nước nơi cuối nguồn.

Kể từ năm 2012, sau khi hầm vàng bị đánh sập, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã giảm dần, người dân yên tâm hơn trong lao động sản xuất và sử dụng nước để sinh hoạt. Thế nhưng, việc tái diễn hoạt động khai thác vàng trái phép gần đây lại một lần nữa đem đến mối đe dọa mới cho người dân.

Ông Quàng Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo, cho biết: “Nếu xã không quyết liệt, để tình trạng khai thác vàng diễn ra rầm rộ và kéo dài như trước đây thì việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước là không thể tránh khỏi”.

Còn tại bản Nậm Suổng, xã Vàng San (huyện Mường Tè) hiện có 70 hộ người Mảng. Theo người dân trong bản, từ khi có đội "vàng tặc" về làm trên thượng nguồn đã khiến nước suối bị ô nhiễm.

Theo anh Lò Văn Sảnh, bản Nậm Suổng cho biết, mỗi lần lên thăm ao cá, phải lội theo khe suối. Cứ mỗi lần như thế chân lại bị ngứa rồi lên mụn, lở loét. Trẻ con trong bản tắm về cũng đều bị như thế.

Cây gỗ bị chặt hạ để phục vụ mục đích dựng lán trại ở "bãi vàng ông Hưởng".

Cây gỗ bị chặt hạ để phục vụ mục đích dựng lán trại ở "bãi vàng ông Hưởng".

Hoạt động khai thác vàng trái phép ở các bãi vàng còn có nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Bởi cột chống, lán trại, củi đốt đều được người dân “trảm” từ rừng. Và sau khi lực lượng chức năng dỡ trại, phá lán, thì một lần nữa cây rừng tiếp tục bị đốn hạ.

Tại khu vực Nậm Kha Á, trước đây có 2 đơn vị được cấp có thẩm quyền cho phép thăm dò vàng gốc. Sau khi hết thời hạn thăm dò, đơn vị rút lui, khu vực này có nhiều người dân vào khai thác trái phép.

Ông Nguyễn Công Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả cho biết: “Qua rà soát, người dân trên địa bàn không tham gia khai thác vàng trái phép. Chủ yếu là người ở xã Tà Tổng (Mường Tè) hay các xã của huyện Sìn Hồ về khai thác thuê. Hoạt động khai thác vàng trái phép có nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích rừng”.

Lán trại sử dụng nhiều gỗ xẻ.

Lán trại sử dụng nhiều gỗ xẻ.

Ở bãi vàng Nậm Kha Á có khoảng 50 lán trại và hàng chục hầm vàng. Hầm đào càng sâu, phu càng cần nhiều gỗ để chèo chống. Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn từ đó đứng trước mối đe dọa.

Ông Pờ Khừ Xá, Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho hay: “Để ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép, đồng thời bảo vệ diện tích rừng, xã đã và đang đề xuất, kiến nghị để có giải quyết liệt hơn trong thời gian tới”.

Cần quyết liệt...

Ngày 24/2, UBND tỉnh Lai Châu triển khai hỏa tốc Kế hoạch số 516 về việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng.

Sau 3 tháng thực hiện Kế hoạch 516, đã phát hiện, xử lý 147 vụ việc khai thác vàng trái phép. Trong đó, khởi tố 8 vụ với 12 bị can, xử phạt 139 vụ, thu nộp ngân sách hơn 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tỉnh Lai Châu đã cho đánh sập các hầm lò để ngăn chặn khai thác vàng trái phép.

Tỉnh Lai Châu đã cho đánh sập các hầm lò để ngăn chặn khai thác vàng trái phép.

Đến ngày 16/9, UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt phương án giải tỏa các khu vực có hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng địa phương, tại 4 bãi trái phép ở các xã Noong Hẻo, Nậm Cuổi (huyện Sìn Hồ), Vàng San và khu vực Nậm Kha Á (huyện Mường Tè) có khoảng 40 hầm vàng với nhiều kích thước khác nhau.

Cơ quan chức năng địa phương đã huy động hơn 400 cán bộ thuộc các lực lượng như: Công an, biên phòng, quân đội, dân quân, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tham gia. Để đảm bảo an toàn khi nổ, toàn bộ các cửa hang được bịt kín bằng những bao đất, cát phía ngoài.

Theo đó, từ ngày 28/9 - 4/10, tỉnh Lai Châu tổ chức các lực lượng, đồng loạt ra quân giải tỏa những bãi vàng trái phép tại hai huyện Mường Tè và Sìn Hồ bằng phương án dùng vật liệu nổ để đánh sập cửa hầm đào vàng. Trong 1 tuần, các lực lượng giải tỏa đã đánh sập khoảng 40 cửa hầm.

Ông Lò Văn Hươi, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo cho biết: “Trên địa bàn có 14 hầm khai thác vàng trái phép. Đến nay, tất cả đã được đánh sập. Hy vọng tình trạng khai thác vàng sẽ bớt nóng”.

Sau khi hoàn thành việc nổ mìn đánh sập cửa hầm tại các bãi vàng trái phép và hoàn thiện thủ tục đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng giải tỏa sẽ bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.

Chỉ trong 1 tuần, các lực lượng giải tỏa đã đánh sập khoảng 40 cửa hầm.

Chỉ trong 1 tuần, các lực lượng giải tỏa đã đánh sập khoảng 40 cửa hầm.

Tuy nhiên, câu chuyện “nhãn tiền” về đánh sập hầm vàng vẫn còn đó. Đơn cử như ở Pắc Ta (Tân Uyên) hay ở Noong Hẻo (Sìn Hồ), nhiều người dân vẫn tiếp tục vào các bãi vàng đã bị đánh sập để “mót”. Với nhiều người trong số họ, suy cho cùng cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo. Họ bất chấp hiểm nguy, theo những giấc “mộng đổi đời” mà không biết mình đang phục vụ cho lợi ích cá nhân của những chủ bưởng.

Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chia sẻ: “Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không tham gia khai thác vàng trái phép, chúng tôi sẽ chú trọng tới công tác quản lý khu vực đã giải tỏa. Song song với đó, địa phương cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống, nhận thức của người dân”.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lai-chau-huy-dong-hon-400-can-bo-chien-si-triet-pha-nhieu-ham-vang-trai-phep-post611122.html