Lai Châu khởi sắc cùng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là Chương trình mục tiêu Quốc gia lớn, mà thành quả mang lại sẽ làm thay đổi khu vực nông thôn. Nắm bắt được mục đích, ý nghĩa đó, tỉnh Lai Châu đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thu hút mọi nguồn lực xã hội nhằm triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả.

Xây dựng đường giao thông, điểm nhấn xây dựng nông thôn mới tại Lai Châu.

Xây dựng đường giao thông, điểm nhấn xây dựng nông thôn mới tại Lai Châu.

Xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) nằm ở xa trung tâm huyện, và Nậm Sỏ cũng là xã “tốp cuối” trong xây dựng NTM ở Tân Uyên. Diện tích tự nhiên rộng tới gần 16 nghìn ha, dân cư sống rải rác ở 16 bản với 8.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Kinh. Địa hình Nậm Sỏ lại phức tạp, đồi núi có độ dốc cao, không thuận lợi cho canh tác.

Khi bắt đầu xây dựng NTM, nhận thức của một bộ phận không nhỏ nhân dân còn hạn chế, khiến nhiều người nghĩ hoàn thành các tiêu chí NTM ở xã vùng cao này là hết sức xa vời. Nhưng khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt; đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhiều đổi thay đã diễn ra nhanh chóng, thậm chí bất ngờ.

Người dân Nậm Sỏ còn nghèo, nhưng sẵn tấm lòng. Việc Mặt trận và Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… vận động khiến bà con nhận ra xây dựng NTM chính là thực hiện các giải pháp để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của chính mình.

Khi chủ trương về cải tạo, nâng cấp các con đường được phổ biến, người dân vui mừng như mở hội, vì đó chính là cơ hội để đi lại thuận tiện hơn, giao thương có đà phát triển. Đó là lý do riêng năm 2020 toàn xã có 200 hộ hiến đất làm đường, với hơn 17 nghìn mét vuông. Khi những tuyến đường mở ra, người dân còn tự nguyện chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp đường ngõ bản; một số bản như: Ít Luông, Nà Ngòi, Hua Cở, Ngăm Ca..., nhân dân còn tự nguyện đóng góp tiền để lắp đèn chiếu sáng, chỉnh trang một số tuyến đường trong bản. Tối đến, ánh điện tỏa sáng những con đường chính.

Đối với phát triển kinh tế, xã đã tận dụng, phát huy tốt các nguồn hỗ trợ từ chương trình 30a/CP hay 135/CP, người dân được hỗ trợ con giống như gà, vịt, trâu, bò và máy móc, phương tiện cơ giới phục vụ cho sản xuất; đồng thời, vận động người dân tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao ý thức phòng bệnh.

Hiện Nậm Sỏ có tổng đàn trâu, bò, lợn là 7.000 con. Ngoài ra, người dân còn mở rộng canh tác chuối, mắc-ca, sơn tra, nghệ đen; phục dựng giống nếp nương Khẩu Hốc lên hơn 100 ha. Dù khó khăn, Nậm Sỏ là xã cuối cùng của huyện Tân Uyên đạt đủ các tiêu chí của NTM. Sự vươn lên của Nậm Sỏ là hình ảnh mang tính biểu tượng cho những nỗ lực xây dựng NTM của Lai Châu – một trong những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước.

Lai Châu là tỉnh xa nhất ở Tây Bắc. Địa hình đồi núi phức tạp, diện tích canh tác hạn chế, giao thông khó khăn. Lai Châu “hội tụ” nhiều yếu tố không thuận lợi trong xây dựng NTM. Hầu hết các địa phương đều có xuất phát điểm thấp, đạt được ít tiêu chí khi mới xây dựng NTM. Nhưng sau hơn mười năm xây dựng NTM, đến Lai Châu, ai cũng ngỡ ngàng bởi những đổi thay. Huyện Sìn Hồ vốn là một cao nguyên đá nằm sát tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Sìn Hồ có phong cảnh đẹp và hùng vĩ. Song đi kèm là cái nghèo, cái đói đeo bám người dân suốt nhiều năm. Bây giờ, trên những cung đường uốn lượn, từ xa, đã thấy những nếp nhà sàn khang trang, những cột điện đưa điện lưới tới khắp các thôn bản. NTM “về bản” bắt đầu bởi những lớp lớp tập huấn, đào tạo nghề về trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn để người dân có thêm kiến thức trong sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.

Ban đầu, không phải ai cũng hiểu. Người ta nghĩ đấy là “chuyện phong trào”. Nhiều bà con khi được mời đi nghe giảng tập huấn, vẫn bảo đấy là “chuyện của cán bộ”, đi nghe giảng “mất cả buổi làm”. Cán bộ Mặt trận không hiểu lòng dân, không thạo tiếng nói của các dân tộc thiểu số sẽ không làm được. Phải đến tận nơi chia sẻ với bà con.

Cùng một giống cây, sao có nơi năng suất cao, có nơi năng suất thấp. Cùng một diện tích canh tác, phải trồng các giống mới cho lúa nhiều, thóc nhiều, quả sai…, mà lại được Trung ương, được tỉnh hỗ trợ… Bấy giờ, bà con mới hiểu, mới “chịu” đến bồi dưỡng kiến thức.

Từ đó, mới có thể vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thâm canh, tăng vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; mạnh dạn đăng ký mở rộng diện tích trồng chè, cao su, trồng dược liệu, cây ăn quả ôn đới… Chương trình xây dựng NTM được lồng ghép với các chương trình giảm nghèo thông qua cấp phát cây, con giống năng suất cao, máy móc hỗ trợ sản xuất cho bà con và xây dựng các mô hình, dự án phát triển kinh tế...

Cao nguyên đá Sìn Hồ bắt đầu “thay áo mới” bằng nhiều chương trình, dự án như dự án cải tạo vườn tạp bằng cây mít Thái Lan, ổi Đài Loan, bưởi da xanh tại xã Chăn Nưa quy mô 16,88 ha; nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Nậm Mạ với trên 160 lồng…

Sìn Hồ còn đổi thay mạnh mẽ về hạ tầng. Riêng 2020 huyện đầu tư làm khoảng 20 km đường giao thông nông thôn; xây mới, nâng cấp 6 nhà văn hóa xã, 16 nhà văn hóa bản; nâng cấp sửa chữa 6 công trình cấp nước sinh hoạt… Với tổng số vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2020 hơn 108 tỷ đồng.

Nhân dân đóng góp tiền của, vật chất xây dựng NTM mới tổng giá trị gần 13 tỷ đồng. Cao nguyên Sìn Hồ đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Nậm Tăm, Nậm Mạ, Chăn Nưa, Lùng Thàng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5%/năm; đường bê tông sạch đẹp đến từng thôn bản, ngõ xóm, điện bừng sáng bản làng...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ Nguyễn Quốc Vương, phong trào xây dựng NTM là cơ hội để cán bộ gần dân, sát dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy được quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động sức mạnh, nguồn lực trong nhân dân đóng góp cho sự nghiệp chung của cả cộng đồng.

Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đến từng thôn bản khang trang; bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương được bảo tồn, duy trì và phát triển; nhiều xã đã hình thành các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, bền vững.

Bà Hà Thị Phú - Chủ tịch MTTQ thành phố Lai Châu cho biết: Có thể thấy, sau hơn 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020, bộ mặt nông thôn của thành phố đã thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả.

Nhờ xây dựng NTM thành công mà bộ mặt của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn thật sự khởi sắc, mang lại “luồng gió” tại nơi nơi phên dậu của Tổ quốc.

Phương Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lai-chau-khoi-sac-cung-nong-thon-moi-554579.html