Lai Châu mong muốn có cơ chế chính sách đặc thù phát triển giáo dục miền núi và biên giới

Từ khó khăn trong phát triển GD&ĐT, tỉnh Lai Châu mong muốn có cơ chế chính sách đặc thù phát triển giáo dục cho miền núi và biên giới.

Điểm cầu Lai Châu dự Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Điểm cầu Lai Châu dự Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức, NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Lai Châu đã triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu nhiệm vụ năm học và đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp theo hướng phù hợp hơn. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng nâng cao về trình độ, năng lực, đáp ứng với yêu cầu khi triển khai Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện tỉnh còn thiếu giáo viên.”.

Từ đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh Lai Châu được duy trì, đạt nhiều thành tích cao hơn. Năm học 2023-2024, tỉnh Lai Châu có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhất từ trước đến nay (đạt 13 giải), đặc biệt lần đầu tiên có học sinh đạt giải Nhất và có những môn học lần đầu tiên được giải như: Hóa học, Vật lý, Toán, Tiếng Anh.

Tỉnh Lai Châu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV. Hiện, toàn tỉnh có 206 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 62,8%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì và nâng cao. Lai Châu là 1 trong 34 tỉnh đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Ngành GD&ĐT Lai Châu đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có kết nối Internet cáp quang, trên 40% lớp học được trang bị thiết bị trình chiếu. Trên 98,6% giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin dạy học trên lớp; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến với trên 50 nghìn tài liệu, học liệu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT Lai Châu còn đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở những môn học mới của Chương trình GDPT 2018 (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ, còn thiếu so với yêu cầu…

NGƯT Đinh Trung Tuấn bày tỏ: “Từ những khó khăn trên, tỉnh Lai Châu có một số kiến nghị với Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển giáo dục cho miền núi, biên giới. Tiếp tục giao bổ sung biên chế đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lai Châu năm học 2024 - 2025 và những năm tiếp theo để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của tỉnh”.

Tiếp nối những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn đang đặt ra, tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền các chủ trương, chính sách cho phát triển giáo dục. Chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ để triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm học mới.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 07 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo Đại học sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030.

Cùng với đó, ngành GD&ĐT Lai Châu tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục. Ngành cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục các cấp học; Xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Không những thế, tỉnh còn tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lai-chau-mong-muon-co-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-giao-duc-mien-nui-va-bien-gioi-post697280.html