Lai Châu: Triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ VHTTDL
Đây là một trong những kết quả nổi bật được nêu trong Báo cáo Tình hình thi hành Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.
Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Chỉ thị 814/CT-TTg thông qua các hình thức như: cổ động bằng xe ô tô, panô, áp phích, tờ rơi, kịch tuyên truyền, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiếu bóng lưu động, thông tin lưu động, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Công tác thông tin tuyên truyền đã kịp thời chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân; các chương trình đều có nội dung ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu đã đem lại những kết quả nhất định, tạo được sự ý thức trong việc thực hiện của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các đội chiếu phim lưu động của tỉnh đã tổ chức các buổi chiếu phim lưu động tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa phục vụ Nhân dân, nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép vào trước, trong và sau mỗi buổi chiếu bóng lưu động đã kịp thời tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thông qua công tác tuyên truyền đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Các yếu tố văn hóa và nhân tố con người được khai thác, phát huy, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thực hiện "Xóa đói, giảm nghèo" giải quyết các chính sách xã hội.
Việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đến các cơ sở kinh doanh được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở, qua đó tiếp tục duy trì hoạt động này đi vào nề nếp, phòng ngừa hạn chế mức thấp nhất những hành vi vi phạm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa được tăng cường, đảm bảo mọi hoạt động văn hóa phát triển phù hợp với định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngày càng đáp ứng các nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp Nhân dân. Việc quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường thông qua các hoạt động nghiệp vụ như kiểm tra giấy phép, điều kiện kinh doanh, việc chấp hành các quy định trong kinh doanh về giờ hoạt động, nhân viên…
Qua công tác kiểm tra đã định hướng hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, tụ điểm văn hóa bảo đảm nội dung văn hóa lành mạnh, có chất lượng; bảo đảm trật tự, vệ sinh, nếp sống văn hóa và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động văn hóa để truyền bá loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực, tổ chức trá hình các hoạt động mại dâm, ma túy, đánh bạc, số đề.
Công tác kiểm duyệt chương trình văn nghệ, nghệ thuật biểu diễn, các lễ hội được quan tâm thực hiện tốt. Kiên quyết không để xảy ra các hoạt động lợi dụng biểu diễn văn hóa, văn nghệ để thực hiện các hoạt động chống phá trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng của các thế lực thù địch, hoạt động biểu diễn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm pháp luật.