Lại chộn rộn chuyện đạo văn

Mấy hôm nay giới viết và đọc nước nhà lại xôn xao chuyện một cô gái ở Lào Cai đạo văn.

Cô này là nông dân, làm ruộng, và chắc là cũng yêu văn chương. Một ngày đẹp trời, cô tham gia mấy group văn chương, đăng lên đấy mấy truyện ngắn. Và các thành viên của group ấy sửng sốt, vì nó hay, nó bản sắc, nó đậm đặc chất dân tộc thiểu số phía Bắc.

Rồi từ những nhóm văn chương ấy, cô vươn ra, gửi truyện cho các báo. Trời ơi hay quá, in ngay. Từ tỉnh lên tới báo, tạp chí ở Hà Nội, cô gửi đâu lọt đấy, in tơi tới.

Một số báo bắt đầu viết về "hiện tượng" văn chương Duyên Phùng, bút danh của cô ấy, tên thật là Phùng Thị Duyên.

Tôi kịp xem một chương trình truyền hình của tỉnh ấy làm về hiện tượng văn chương này. Cô Duyên Phùng kể: Em toàn tranh thủ viết, chứ nghề em làm nông (hình ảnh cô ấy đang phơi ngô) bận lắm, hôm nào mưa không đi làm được thì em viết được dài hơn. Em toàn viết trên điện thoại, cứ 2 ngày được một truyện ngắn. Cái tiểu thuyết "Làm dâu" em viết trong 31 ngày.

Tôi, một người cũng sống bằng viết, nhưng viết trên laptop, xem đến đấy thì sửng sốt. Hai nhẽ, một là không thể viết trong thời gian ngắn như thế ra những tác phẩm như thế. Không thể, dứt khoát không thể.

Lâu lâu viết một truyện, và trong hai ngày thì có thể, và phải tính 2 ngày viết cộng với cả mấy tháng tư duy chứ không chỉ tự nhiên bấm bấm rồi nó ra. Và 2, viết trên điện thoại thì khi chuyển đi, chữ nghĩa nó sẽ bị đổi font, nó lộn xộn, nó như bờ rào đổ ngay. Mấy năm nay tôi giữ chuyên mục "Gương mặt thơ" cho báo Gia Lai, lâu lâu gặp bác tác giả mail thơ cho tôi từ điện thoại hoặc iPad là tôi đến khổ.

Phải dùng Clear All Formatting để định dạng lại, rồi so lại bản chính để cách khổ cho đúng vân vân. Và đấy là bài thơ, dài lắm là 5-6 khổ, chưa tới 30 dòng mà đã khổ rồi, huống gì cả cuốn tiểu thuyết. Sẽ chả ai làm được thế. Thế mà ở đây bạn này kể thế và... lên sóng, và ai cũng tin.

Bài đăng trên trang Facebook của nhà văn Trang Thụy. Ảnh: Tiền Phong

Bài đăng trên trang Facebook của nhà văn Trang Thụy. Ảnh: Tiền Phong

Và đã ăn cắp thì ăn cắp cho nó bõ, nên toàn lấy của những người viết hay về đề tài dân tộc thiểu số Tây Bắc mà xài cho sướng. Hai nạn nhân chính là Đỗ Bích Thúy và Trang Thụy, thêm Tống Ngọc Hân và Nguyễn Phú..., toàn những tên tuổi cự phách văn xuôi. Trang Thụy vừa ra một cuốn sách rất hay là "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về", trên mục này hơn một tháng trước tôi đã viết, bàn về một cách viết, cách tiếp cận đề tài rất hay, và đặc biệt đánh giá cao việc tác giả sử dụng ngôn ngữ rất giỏi, rất đắc địa và độc đáo. Thì giờ, những cái đắc địa, cái độc đáo, cái giỏi ấy, đã được Duyên Phùng bê về làm của mình.

Có bạn đọc mách với tôi, bốn năm trước trên một cái group văn chương, có người đã phát hiện bạn này ăn cắp văn, nhưng bạn này cứ cãi tay đôi, vả trên ấy, cũng chả đôi co làm gì, mà đôi co thì đa phần người bị đạo sẽ thiệt (tôi cũng từng là nạn nhân), nên bèn im lặng. Và cứ thế tiện thể bạn này... tiến tới tới hôm nay.

Trên một tờ báo hôm qua, bạn Duyên Phùng này thú nhận với tác giả khi được liên hệ trực tiếp là: bạn không đạo văn mà bị... nhiễm văn. Khi báo ra, thiên hạ ồ lên, ôi giời, thế văn nó như bệnh truyền nhiễm à, giống các loại virus à, như Covid à, mà nhiễm?

Hiện tại thì một số cơ quan báo chí, văn chương sử dụng tác phẩm của bạn này đã có những động thái đầu tiên, như đài Truyền hình Lào Cai đã gỡ cái phim làm về tác giả là "hiện tượng văn chương" của tỉnh này.

Tạp chí Văn Nghệ Bình Định, nơi in 2 truyện ngắn của Duyên Phùng cũng có thông báo chính thức về việc này, gỡ truyện của cô ra khỏi tạp chí online và Fanpage của Tạp chí, gửi thông báo chấm dứt cộng tác và xin lỗi các tác giả bị đạo.

Hội VHNT Lào Cai cũng đã làm việc với cô này, may là cô chưa phải hội viên hội VHNT Lào Cai, nghe nói sắp kết nạp, nhưng đã là hội viên hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam rồi.

Thực ra chuyện cô Duyên Phùng này không phải là cá biệt. Trước đó có một bạn nữ ở Đăk Nông đã tung hoành như chỗ không người, lấy truyện của toàn nhà văn nổi tiếng nhưng chỉ in ở cái Tạp chí nơi mình làm trưởng ban biên tập. Đến khi bị phát hiện, cũng mãi mới chịu nhận. Rồi một cô nữa lấy cái truyện ngắn của nhà văn Tống Ngọc Hân, tên nhân vật, các chi tiết đắt... ghép thành một bài thơ. Nhạc sĩ Lê Mây đã phổ nhạc, bài hát rất hay, ông đã dựng và tôi kịp nghe, rất thích. Nhưng khi nghe rõ ngọn nguồn thông tin, ông tuyên bố từ bỏ đứa con ấy của ông, xóa luôn, coi như chưa có nó.

Bản thân Tống Ngọc Hân còn bị tới mấy người nữa đạo văn mình, thậm chí đạo nguyên cả tập truyện. Rồi nữa, có hai nhà thơ nữ chơi với nhau rất thân, rồi một ngày "đẹp trời" một nhà này lấy thơ nhà kia cho nhạc sĩ phổ nhạc và lấy... tên mình. Vấn đề là những bản nhạc khá hay, được nhiều người thích, nhiều người hát. Thế là mất ngọt mất nhạt với nhau...

Tôi cũng từng có bài thơ, và những câu hay nhất, độc đáo, và mang dấu ấn cá nhân nhất lại bị một ông mang về nhà mình. Và điều quan trọng là, nhiều người bênh ông này, rằng có 24 chữ cái, sao ông (tức tôi) dám nhận của mình. Rằng là, Nguyễn Du viết Kiều từ Thanh Tâm tài nhân có ai nói ông ăn cắp đâu. Sau mò ra, những người bênh ấy, cùng hội cùng thuyền... nhiễm văn, bắt chước từ của cô Duyên Phùng. Ngay nhà văn Tống Ngọc Hân hồi ấy, mệt quá rồi cũng thôi, vì bị phản kích lại cũng ghê gớm.

Chuyện Duyên Phùng, ban đầu tôi có ý thương bạn ấy, rằng bạn ấy ở nông thôn, ít tiếp xúc, ít hiểu biết, lại được tung hô, nên nghĩ sáng tác văn chương nó là như thế, mà nếu chỉ như thế thì... "em làm tốt". Vả nữa, làm nông, khi đăng có tí nhuận bút, rồi lại giải thưởng (bạn này có tới mấy giải thưởng, mới nhất là giải thưởng truyện ngắn 3 tỉnh Lào Cai- Yên Bái- Phú Thọ, bạn này được chấm giải nhất, nhưng phút cuối bị phát hiện "nhiễm văn" nên bị loại. Năm nay bị loại nhưng năm ngoái bạn Duyên Phùng cũng đã kịp rinh giải B cũng của cuộc thi truyện ngắn 3 tỉnh này. Chưa hết, trước khi bị phát hiện "nhiễm văn" mấy ngày, bạn này cũng được giải truyện ngắn ở nhóm "Nhịp cầu văn chương" vân vân, tức vừa có danh vừa có cả... nhuận bút và tiền thưởng, thì tội gì không... nhiễm. Nghe nói hội VHNT Lào Cai cũng yêu cầu Duyên Phùng viết đơn rút khỏi giải thưởng VHNT Lào Cai 2024).

Vấn đề là, bạn này có vẻ không phục thiện, nên từ 4 năm trước đã bị phát hiện mà bây giờ vẫn tiếp diễn, ngây thơ tiếp diễn thì không thể thương được nữa. Lại nghe nói, trong một group văn chương, khi một thành viên của nhóm phát hiện Duyên Phùng lấy truyện người khác làm của mình để đăng thì người bị sút khỏi nhóm lại là bạn phát hiện chứ không phải Duyên Phùng, vì "Duyên Phùng là tài năng, là sao mai đang lên, nên bị ganh ghét".

Lôi chuyện trong nhà ra nói thực ra là rất xấu hổ, nhưng nếu im lặng để nó tiếp tục lan ra thì còn xấu hổ hơn. Có một thực tế là, những người "nhiễm văn", cầm nhầm văn, đạo văn... sau khi bị phát hiện, họ đều vẫn... phơ phơ sống, cả ở đời thực lẫn trên Facebook.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lai-chon-ron-chuyen-dao-van-204241215083049539.htm