Lại đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường
Nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng quy định.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố tái diễn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Từ khoảng đầu tháng 6 đến nay, nông dân Hà Nội bước vào thu hoạch lúa vụ xuân 2021, tình trạng đốt rơm rạ tái diễn. Tại xứ đồng các huyện Quốc Oai, Thanh Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa…, nhiều cột khói trắng bốc lên nghi ngút, nhất là vào các buổi chiều tối. Anh Nguyễn Văn Cường, lái xe ô-tô tải thường xuyên đi qua huyện Quốc Oai cho biết, khói đốt rơm rạ không chỉ lẩn khuất trong các tuyến đường liên xã, mà còn bao phủ cả tuyến đại lộ Thăng Long. Khói trắng dày đặc, cộng với nắng chiều gay gắt chiếu thẳng vào buồng lái, khiến tầm nhìn của lái xe rất hạn chế.
Tại sân bay Nội Bài, huyện Sóc Sơn, nông dân tiếp tục đốt rơm rạ tại các xã Phù Lỗ, Phú Cường, Mai Ðình ảnh hưởng tầm nhìn của phi công trong quá trình cất, hạ cánh.
Theo số liệu điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tỷ lệ rơm rạ bị đốt trong vụ xuân là khoảng 20%, cao hơn ở vụ mùa. Tuy nhiên, con số thực tế tại các huyện còn lớn hơn nhiều.
Từ ngày 9 đến 11-6, tổ công tác liên ngành thành phố, gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố đã kiểm tra đột xuất tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch tại một số huyện. Theo báo cáo của huyện Ứng Hòa, vụ xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch gần 46.000 tấn đã được xử lý bằng các phương pháp như thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu khoảng 31%; để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy khoảng 58%; tỷ lệ rơm rạ đốt còn 11%. Tại huyện Thanh Oai, việc đốt rơm rạ giảm đáng kể, nhưng một số người dân không chịu sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ do giá chế phẩm cao. Ðối với huyện Phúc Thọ, năm 2018 - 2019, huyện hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ cho nông dân, cho nên giảm đốt rơm rạ. Tuy nhiên, năm 2020 - 2021 huyện thiếu kinh phí hỗ trợ dẫn đến nhiều xã tái diễn tình trạng này.
UBND các huyện đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan có hướng dẫn cụ thể chế tài xử lý hành vi đốt rơm rạ; hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, máy cuốn ép rơm và giới thiệu mô hình thu gom rơm rạ sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của từng huyện; khuyến khích phát triển các ngành nghề sản xuất nông nghiệp tận dụng rơm rạ trong sản xuất…
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đơn vị đang tích cực phối hợp các ban, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; giới thiệu giải pháp kỹ thuật thay thế. Cùng với đó, các phòng, chi cục của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường giám sát, kiểm kê nguồn thải phát sinh từ việc đốt rơm rạ; đánh giá tác động ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ làm cơ sở khoa học để xây dựng chính sách quản lý mang lại hiệu quả cao nhất.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe, môi trường sống; vận động người dân loại bỏ thói quen này, áp dụng các biện pháp xử lý an toàn, hợp vệ sinh, mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời có biện pháp xử lý hành vi đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.