Lại kêu oan, khóc mướn!
6 năm tù là hình phạt mà hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên đối với Nguyễn Lân Thắng do phạm tội 'Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam'. Ngay sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm kết thúc, hàng loạt 'con buôn dân chủ' đã nhanh chóng đăng đàn xuyên tạc vụ án, 'kêu oan' cho Nguyễn Lân Thắng.
Nguyễn Lân Thắng là cái tên không hề xa lạ đối với nhiều người. Xuất thân từ dòng họ Nguyễn Lân danh tiếng, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp cho đất nước nhưng Thắng lại chọn con đường “dân chủ”. Dưới sự trợ sức của các thế lực bên ngoài và sự tung hô của các hội, nhóm trong nước, tên tuổi Thắng đã nhanh chóng “nổi như cồn”. Và rồi, trong “cơn say dân chủ”, Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện hàng loạt hành vi gây ảnh hưởng xấu đến đất nước. Với những hành vi phạm tội mang tính chất ngông cuồng, ngạo mạn, thách thức dư luận của y, cái kết “ăn cơm nhà nước” là điều mà mọi người dễ dàng đoán được.
Theo đúng kịch bản được dựng sẵn, trước, trong và sau phiên tòa xét xử Nguyễn Lân Thắng, các cá nhân, tổ chức “dân chủ” trong và ngoài nước như Đài Á châu tự do - RFA, VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt, Việt Tân… đã liên tiếp đăng đàn xuyên tạc, đưa ra những thông tin sai lệch, gây sức ép cho chính quyền. Trước hết, lợi dụng việc tòa án xét xử kín đối với Nguyễn Lân Thắng, các đối tượng chống đối đã vu khống tính minh bạch của hệ thống tư pháp Việt Nam. Đồng thời, bằng thủ đoạn “đổi trắng, thay đen”, chúng cũng đưa ra nhiều luận điệu “tô son, vẽ hồng” cho Nguyễn Lân Thắng, từ đó bôi lem chính quyền. Đơn cử, cái gọi là Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hồ đồ cho rằng: “nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng”, “Việt Nam đang triệt hạ và bỏ tù một cách có hệ thống mạng lưới các nhà hoạt động chính trị và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ dám thực hiện quyền của mình để đòi cải cách và cải thiện đất nước”. Trong khi đó, một số “luật sư dân chủ” lại “tẩy trắng” cho Nguyễn Lân Thắng bằng các luận điệu: “Nguyễn Lân Thắng hoạt động chủ yếu là bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm từ thiện vùng cao, bảo vệ cây xanh và đứng về phía bị hại trong vụ Fomosa xả thải ở miền Trung. Đó không thể là chống Nhà nước mà là chống những cái xấu, cái chưa hoàn thiện của Nhà nước”, “nếu tuyên có án, nghĩa là Chính quyền Việt Nam coi phản biện xã hội ôn hòa cũng là hành vi chống Nhà nước”, “bản án của Nguyễn Lân Thắng càng cao, tính trả thù với cá nhân càng lớn nhưng tính chính đáng của chính quyền càng suy giảm”…
Phải khẳng định rõ, việc tòa án nhân dân xét xử kín đối với bị cáo Nguyễn Lân Thắng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 103, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Đối với Nguyễn Lân Thắng, hành vi phạm tội của y là làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó có nhiều nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc nên cần thiết xét xử kín. Mặt khác, xét xử kín nhưng các quyền lợi của bị cáo vẫn được bảo đảm. Xét xử chỉ là khâu cuối trong quy trình tố tụng hình sự. Trước đó, trong giai đoạn điều tra, truy tố, các cơ quan tố tụng đã thu thập, đánh giá chứng cứ một cách khách quan để làm rõ sự thật của vụ án. Xét xử kín không có nghĩa là “ngấm ngầm”, thiếu khách quan, thiếu dân chủ. Quá trình xét xử kín, hội đồng xét xử đã triệu tập đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng. Ở vụ án, ngoài luật sư, vợ của Nguyễn Lân Thắng cũng được tham gia. Quyền tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện một cách dân chủ, bình đẳng trước tòa. Ngoài ra, khi không đồng ý với bản án sơ thẩm thì bị cáo vẫn có quyền kháng cáo để tiếp tục giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Vậy, hà cớ gì các “nhà dân chủ” lại vu khống nền tư pháp Việt Nam, cho rằng quá trình xét xử thiếu khách quan, công bằng?
Một số kẻ liên tục “kêu oan”, cho rằng Nguyễn Lân Thắng không phạm tội. Vậy nhưng quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh từ ngày 13-6-2018 đến 31-12-2020, Nguyễn Lân Thắng trực tiếp tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng, đăng tải lên internet nhiều video có nội dung tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước. Trong đó có 11 nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền; 8 nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận; 4 nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời, bị cáo Nguyễn Lân Thắng cũng tàng trữ nhiều tài liệu có thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Nực cười thay, một số kẻ đang đánh lừa dư luận bằng cách đánh đồng giữa hành vi chống phá và phản biện xã hội, khoác lên mình Nguyễn Lân Thắng tấm áo “trí thức”, từ đó vu khống trắng trợn rằng Đảng, Nhà nước “đàn áp trí thức”, “không chấp nhận các ý kiến phản biện”. Xin thưa, có ai “yêu nước” mà lại đăng đàn lên mạng xã hội để phủ nhận những đóng góp, thậm chí là phỉ báng Chủ tịch Hồ Chí Minh như Nguyễn Lân Thắng? Có thứ nhân quyền nào lại “ăn mừng” trước sự hy sinh của các chiến sĩ khi cứu hộ công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3?
Kệch cỡm thay, một số kẻ đang cố tình núp bóng “tự do ngôn luận” để cổ xúy quan điểm cho rằng mọi người được “thoải mái bày tỏ quan điểm” một cách vô pháp, vô thiên. Vậy nhưng xin nhắc lại, trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (1966) đã khẳng định việc thực hiện quyền tự do ngôn luận nói riêng và các quyền dân sự, chính trị khác nói chung phải kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt; có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội. Không ở một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận những kẻ lợi dụng tự do ngôn luận để xâm hại lợi ích chung của cộng đồng.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản biện mang tính xây dựng của tất cả mọi người. Vậy nhưng ngược lại, với những kẻ chống phá đất nước như Nguyễn Lân Thắng thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/143300/lai-keu-oan-khoc-muon