Lai lịch và công năng của Thập nhất diện Quan Âm

NSGN - Trong Phật giáo, Thập nhất diện Quan Âm, Phạn: Ekadasamukha, còn gọi: Thập nhất diện Quán Tự Tại Bồ-tát, Đại Quang Phổ Chiếu Quán Thế Âm Bồ-tát (Trung Quốc: Daguang Puzhao Guanshiyin; Nhật Bản: Daiko Fusho Kanzeon).

Dịch ý tiếng Phạn của từ này là “Thập nhất tối thắng”, “Thập nhất thủ” hoặc “Mười một đầu”.Bởi vì hình ảnh của Ngài là có mười một cái đầu, cho nên gọi theo thói quen là “Quán Âm mười một mặt”1; tiếng Trung (bính âm): Shiyimian Guanyin; tiếng Nhật: Juichimen Kannon là một vị Bồ-tát và là biểu hiện/hóa thân của Quán Thế Âm, được coi là một trong sáu hình tướng của vị Bồ-tát đại diện cho sự cứu độ dành cho chúng sinh trong sáu cõi luân hồi. Trong số những hóa thân này, Thập nhất diện Quan Âm được cho là vị Bồ-tát chuyên cứu độ những chúng sinh ở cõi A-tu-la/Asura2. Thập nhất diện Quan Âm là một trong Lục Quan Âm, lẫn trong Thất Quan Âm3.

Tổng quan

1- Nguồn gốc lịch sử

Mặc dù thường được phân loại như là một hình thức bí truyền hoặc Mật tông của Bồ-tát, nhưng dạng thức mười một đầu (ekadasamukha) được cho là một trong những mô tả hình tượng sớm nhất về Quán Thế Âm được phát triển, có trước sự xuất hiện của Phật giáo Kim Cương thưà4. Nguồn gốc chính xác của nó là không rõ ràng, mặc dù một số tác giả như Lokesh Chandra đã liên kết nó với hóa thân Rudra của thần Shiva trong Veda và thần thoại Hindu5. Thuyết này được bắt nguồn từ Thập Nhất Hoang Thần (Phạn: Ekadasa-rudra) của Bà-la-môn giáo ở Ấn Độ, có lẽ đưa vào Phật giáo khoảng thế kỷ V, VI6. Một số khía cạnh của vị thần Hindu Shiva (Rudra) và các yếu tố của giáo phái Shaiva (giáo phái xem thần Shiva là vị chúa tể tối cao), cả hai đều ảnh hưởng và hợp nhất vào Phật giáo, đóng một vai trò trong sự phát triển của hệ thống thờ cúng Quán Thế Âm7. Về thần Rudra được biết đến như “người gào thét; khủng khiếp”. Trong kinh Veda, Rudra có nhiều thuộc tính và nhiều tên gọi. Thần là một vị thần gầm rú kinh hoàng, vị thần của bão tố… và đôi khi thần được đồng nhất với thần Lửa. Mặt khác, thần cũng là vị thần phá hủy khi mang bệnh tật đến cho con người và gia súc; ngược lại, nhưng trên phương diện là một vị thần nhân đức/từ tâm khi được cho rằng có tác động chữa bệnh. Từ những mầm móng phôi thai đó về sau tích hợp vào thần Siva8.

Một bức phù điêu Quán Thế Âm mười một đầu ở Kanheri (hang 41), có niên đại từ cuối thế kỷ V đến đầu thế kỷ VI, vừa là ví dụ sớm nhất còn sót lại của loại biểu tượng này vừa là hình ảnh Thập nhất diện Quan Âm duy nhất còn sót lại ở Ấn Độ 9. Các miêu tả nghệ thuật về hình thức này có nhiều hơn ở Đông Á: nó rõ ràng là một trong những hình thức Quán Thế Âm phổ biến hơn ở Đôn Hoàng, chỉ đứng sau hình thức nghìn tay hoặc sahasrabhuja của Ngài (bản thân nó là một bắt nguồn của loại hình Thập nhất diện Quan Âm), dựa trên số lượng các bức vẽ về Bồ-tát được tìm thấy ở đó10. Ở Nhật Bản, Thập nhất diện Quan Âm trong lịch sử cũng rất phổ biến, với hình ảnh của vị Bồ-tát được đặt làm tâm điểm chính của sự tôn kính (honzon) trong nhiều ngôi chùa.

2- Những câu chuyện liên quan đến Thập nhất diện Quan Âm

Truyền thuyết Phật giáo đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau về cách Quán Thế Âm có được mười một cái đầu. Một câu chuyện kể rằng đầu và cánh tay của Quán Thế Âm từng bị tách ra thành nhiều mảnh khi Ngài phát hiện ra mức độ độc ác và khổ đau trên thế giới và kết quả là Ngài đã vượt qua nỗi đau buồn. Đức Phật A Di Đà đã nhìn thấy cảnh ngộ của Quán Thế Âm, đã phục hồi cho Ngài bằng cách ban cho Ngài mười một cái đầu và một ngàn cánh tay để cứu giúp chúng sinh. Trong một câu chuyện khác, Quán Thế Âm được cho là đã giả dạng có mười một cái đầu để khuất phục và chuyển hóa con quỷ La-sát/Rakshasa mười đầu kiêu ngạo11.

Thập nhất diện Quan Âm được liên kết chặt chẽ với vị thần đầu voi Vinayaka của Phật giáo tương tự với vị thần Ganesha của Hindu giáo. Một số câu chuyện kể rằng Vinayaka ban đầu là một quỷ vương độc ác cai trị một bầy quỷ được gọi là vināyakas. Cuối cùng quỷ vương đã được Quán Thế Âm thuần hóa. Ngài đã giả dạng một nữ quỷ đầu voi và ôm lấy quỷ vương, nhờ đó khiến quỷ vương đạt được đại lạc và từ bỏ những con đường xấu xa của mình. Những truyền thuyết này đóng vai trò là huyền thoại khởi nguyên cho hình ảnh “lưỡng thân” của Vinayaka, cho thấy hai nhân vật đầu voi (được hiểu là Vinayaka và phối ngẫu, hóa thân của Quán Thế Âm mười một đầu) ôm lấy nhau12.

Hình tượng

Thập nhất diện Quán Âm trong các kinh điển được dịch sang tiếng Hán rất sớm, chỉ sau Thánh Quán Âm Tự Tại Bồ-tát13. Kinh Phật có mô tả ba loại kinh điển cơ bản nhất về hình tượng của Quán Âm mười một mặt. Một là, sách Thập nhất diện Quán Âm thần chú kinh, Phạn: Mukhadasaikavidya-mantra-hrdaya, gọi tắt: Thập nhất diện thần chú kinh, Thập nhất diện kinh, 1 quyển, do ngài Da-xá-quật-da dịch vào đời Bắc Chu Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh tạng tập 20. Kinh này là cùng bản Phạn nhưng khác người dịch với Thập nhất diện thần chú tâm chú (ngài Huyền Trang dịch). Nội dung nói về thần chú và chú pháp của Thập nhất diện Quán Thế Âm. Kinh ghi: Một thuở nọ, khi Đức Phật trụ trên núi Kỳ-xà-quật trong thành Vương-xá; bấy giờ Bồ-tát Quán Thế Âm vì trừ diệt ưu não, bịnh khổ, chướng nạn, tai quái, ác mộng… cho tất cả chúng sanh nên Bồ-tát nói tâm chú Thập nhất diện Quán Âm, công đức trì tụng chú này, đồng thời nói về 7 loại chú pháp khác14. Hai là, sách Thập nhất diện thần chú tâm kinh do Đường Huyền Trang dịch. Ba là, sách Thập nhất diện Quán Tự Tại Bồ-tát tâm mật ngôn niệm tụng nghi quỹ kinh của Đường Bất Không dịch. Cách nói trong các quyển kinh không phải hoàn toàn tương đồng, bởi vậy, cho nên hình tượng của Quán Âm mười một mặt mà chúng ta thấy được trong các ngôi chùa cũng có những khác biệt15. Quán Âm với cách sắp đặt 11 mặt và có 2 tay, 4 tay, 8 tay… khác nhau16, ngồi kiết-già ở trên tòa sen hoặc là đứng ở trên tòa sen. Ngoài ra, Thập nhất diện Quan Âm có thể được miêu tả với 11 hoặc 12 cái đầu (tức là cái đầu chính không được tính).

Trong Thập nhất diện Quán Âm thần chú kinh nói: Thân dài 1 thước 3 tấc, có 11 mặt, 3 mặt phía trước là mặt Bồ-tát, 3 mặt bên trái có dáng vẻ trợn trừng mặt tức giận, 3 mặt bên phải gần giống mặt Bồ-tát, răng nanh lộ ra, phía sau có một mặt cười lớn, trên đỉnh có một mặt Phật. Mặt đều hướng về phía trước, phía sau phát sáng. 11 mặt đó đều đội mão hoa, trên mão đều có Phật A Di Đà. Quán Thế Âm tay trái cầm bình, miệng bình xuất hoa sen, tay phải đeo vàng ngọc, bắt ấn Thí vô uý17.

Còn kinh Thập nhất diện Quán Tự Tại Bồ-tát tâm mật ngôn niệm tụng nghi quỹ, hạ ghi có phần tương tự: Tượng Ngài có 4 tay, thân cao 1 thước 3 tấc, 3 mặt trước có dáng vẻ tịch tĩnh, 3 mặt bên phải hiện tướng phẫn nộ, 3 mặt bên trái nhe nanh bén, mặt chính lộ vẻ mỉm cười, mặt thứ 11 trên đảnh hiện tướng Như Lai18.

Cũng theo Thập nhất diện Quán Tự Tại Bồ-tát tâm mật ngôn niệm tụng nghi quỹ kinh thì Quán Âm có 4 tay, tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen, tay thứ hai cầm bình. Còn một loại hình Thập nhất diện Quan Âm hai bên trái phải mặt chính có một mặt, ở trên có 5 mặt, trên nữa có 3 mặt. Ngoài ra cách sắp xếp, vật cầm trong tay, bắt ấn… có nhiều loại hình không giống nhau, đều dựa vào các kinh ghi chép mà có sự sai biệt19.

Trong Mạn-đà-la Thai tạng giới của Mật giáo thì Thập nhất diện Quán Âm ngự ở vị trí cuối cùng bên trái của viện Tô-tất-địa, có 4 tay, 2 bên của mặt chính có 2 mặt đều hiện tướng phẫn nộ, bên trên 3 mặt này lại có 5 mặt, bên trên 5 mặt này lại có 3 mặt. Tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen, tay thứ hai cầm quân trì (bình), tay thứ nhất bên phải co ngón út, ngón trỏ, tay thứ hai co ngón út, ngón áp út. Tu pháp Thập nhất diện Quán Âm sẽ lành bệnh, diệt tội. Mạn-đà-la thờ Thập nhất diện Quán Âm làm Trung tôn gọi là Thập nhất diện Quán Âm Mạn-đà-la20.

Do sự khác biệt về văn hóa các vùng miền cũng như sự biến thiên của lịch sử, cho nên những hình tượng của Quán Âm mười một mặt mà chúng ta thấy được chưa chắc đã giống như những miêu tả trong kinh Phật. Trong động thứ 9 ở núi Thiên Long, tỉnh Sơn Tây và Pelliot thứ 102 trong động Thiên Phật ở Đôn Hoàng tại Trung Quốc đều có tượng Thập nhất diện Quán Âm. Tượng trong động thứ 9 có 2 tay, tượng trong động Thiên Phật có 8 tay21. Đặc biệt, bức bích họa Thập nhất diện Quán Âm thứ 102 ở Động Thiên Phật tại Đôn Hoàng, mặt chính là một cái đầu tương đối lớn làm bản diện (khuôn mặt gốc), phía trên bản diện có năm cái đầu khác, ở trên năm cái đầu này lại có hai cái đầu, trên hai cái đầu này lại có một cái đầu nữa, như vậy là có chín khuôn mặt, thêm vào nữa là hai bên tai phải trái mỗi bên đều có khuôn mặt thể hiện tướng trừng mắt giận dữ, gộp lại là mười một khuôn mặt. Bức Quán Âm mười một mặt này có tám cái tay, trừ cánh tay phải thứ tư làm thành thủ ấn Vô úy ra, những cánh tay còn lại lần lượt cầm các loại pháp khí khác nhau. Những tượng Quán Âm mười một mặt ngày nay thấy tương đối nhiều là có một khuôn mặt chính khá lớn, trên đầu khuôn mặt chính có năm cái đầu, trên năm cái đầu này lại có thêm năm cái đầu nữa, trên đỉnh lại thêm một cái đầu nhỏ22.

Tượng 11 mặt 4 tay được an trí trong hang đá ở Kanheri thuộc Mumbai, Ấn Độ thì trên đỉnh của mặt chính có 3 tầng, mỗi tầng có 3 mặt, trên 3 tầng ấy lại có thêm 1 mặt, tất cả là 11 mặt. Trong 4 tay, tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen, tay thứ nhất bên phải kiết ấn Thí vô úy.

Ngoài ra, ở Nhật Bản có Thiên Bình Phật (cốt gỗ, sơn khô) được cất giữ tại chùa Thánh Lâm, chùa Quán Âm, là những pho tượng Thập nhất diện Quán Âm khá nổi tiếng23.

Quán Âm Bồ-tát 11 mặt, nghìn tay nghìn mắt, tranh Thangka màu trên vải, đời Đường, Tây Tạng. Bức tranh vẽ hình Quán Thế Âm để giúp cho việc quán tưởng là bức tranh của phái Ninh Mã (Hồng giáo) trong Tạng mật. Quán Thế Âm là Bồ-tát đại bi, là một vị Bồ-tát được sùng bái nhất trong các Bồ-tát của Phật giáo Tây Tạng. Ngài có vị trí quan trọng trong kinh Pháp hoa. Trong suốt cuộc đời, không phải lúc nào Ngài cũng hiện hình người; có khi Ngài trở về thế giới Cực lạc, tức cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà24.

Ý nghĩa biểu tượng

Một cách giải thích về mười một khuôn mặt của Thập nhất diện Quan Âm là nó đại diện cho cả mười giai đoạn (bhūmis/thập địa) của con đường Bồ-tát và chính quả vị Phật. Trong khi đó, một cách giải thích khác diễn giải về mười một cái đầu tượng trưng cho mười một loại vô minh (avidyā) gây tai họa cho chúng sinh và là thứ mà Bồ-tát loại bỏ.25

Phật giáo Đại thừa cho rằng mười khuôn mặt trong số đó tượng trưng cho “Thập Địa” mà Bồ-tát đã tu hành qua, cuối cùng thì công đức viên mãn, đến được Thập nhất địa tức là đất Phật. “Thập địa” trong Phật giáo Đại thừa là mười giai vị tu hành của Bồ-tát, lần lượt là Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm thắng địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa và Pháp vân địa. Tu hành hết Thập địa này tức là đã có đủ công đức vô biên, có thể bước vào cảnh địa của Phật26.

Mười mặt ở trên, có người cho là cụ thể hóa của “Thập phương” mà Phật giáo nói đến, cũng cho rằng đó là bắt nguồn từ Bà-la-môn giáo27.

Về ý nghĩa thị hiện 11 mặt, theo Thập nhất diện thần chú Tâm kinh nghĩa sớ thì mặt Phật trên đỉnh biểu thị cho Phật quả (là tướng thuyết pháp khi chúng sinh tu tập Đại thừa), ba mặt phía trước hiện tướng đại từ ban vui (sinh ra tướng đại từ và vui vẻ từ trong tâm), vì thấy chúng sanh hành thiện; ba mặt bên trái hiện tướng phẫn nộ vì thấy chúng sanh hành ác nên sanh tâm đại bi cứu khổ (sinh ra tướng sầu bi, buồn khổ từ trong tâm); ba mặt bên phải hiện tướng nhe răng vì thấy chúng sanh tu tịnh nghiệp nên tán thán hy hữu, khuyến khích tiến vào Phật đạo (là sự khen thưởng, khích lệ); mặt cuối cùng hiện nụ cười rạng rỡ, vì thấy chúng sanh bỏ việc ác hướng về đạo (dùng việc thiện để rửa sạch tội ác)28.

Lại có một cách giải thích khác cho rằng, trong mười một khuôn mặt của Quán Âm, ba khuôn mặt hai bên phải, trái tượng trưng cho việc độ hóa những chúng sinh trong Tam giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Ba khuôn mặt tĩnh lặng phía chính diện là biểu thị sự tiêu trừ “Tam độc” cho chúng sinh (tức tham, sân, si); ba khuôn mặt giận dữ phía tay trái, biểu thị việc phá trừ tam chướng trở ngại cho những thiện nam tín nữ đi theo chính đạo chính hành (tức là phiền não, nghiệp chướng, báo chướng); ba khuôn mặt răng sắc nhọn bên phải, biểu thị phá trừ tam chướng của những ác ma ác nhân tà đạo; khuôn mặt phía sau lưng cười lớn, giận dữ biểu thị sau khi phá trừ “Tam độc”, tất nhiên có thể đạt được tất cả những trí tuệ để có năng lực phán đoán thiện ác thị phi, khuôn mặt Phật ở trên cùng biểu thị Phật quả đạt được cuối cùng.

Cành hoa sen mà Quán Âm mười một mặt cầm biểu thị bản tính của chúng sinh vốn có lòng thanh tịnh. Tịnh bình ở tay biểu thị nước cam lộ đại bi tưới tắm nuôi dưỡng hoa sen. Những viên ngọc cầm ở tay biểu thị ý nghĩa nỗ lực luyện tập tinh tiến không hề trễ nải trong quá trình tu hành Phật pháp. Tay làm Vô úy ấn biểu thị việc giảng Phật pháp, an định chúng sinh.

Lại có cách giải thích khác cho rằng, bản thân Phật-đà có năm loại trí tuệ, tức là Pháp giới thể tính trí, Đại viên kính trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí. Những viên ngọc mà Quán Âm mười một mặt cầm biểu thị Đại viên kính trí, tịnh bình Ngài cầm biểu thị lấy trí thủy cam lộ ban ân trạch thấm nhuần tất cả chúng sinh, tức là Bình đẳng tính trí; hoa sen tượng trưng cho bản thể của Quán Âm, là Diệu quan sát trí; làm ra Vô úy ấn biểu thị sự an định, thuyết pháp, là Thành sở tác trí. Bốn loại trí này gộp lại thành Pháp giới bản tính trí29.

Trong khi đó, một số mô tả trong đó Thập nhất diện Quan Âm được thể hiện với tổng cộng 12 đầu khi đó được coi là biểu tượng cho 12 mắt xích (nidāna) của Duyên khơỉ30.

Chủng tử và thần chú

Chủng tử được sử dụng để đại diện một cách tượng trưng cho Thập nhất diện Quan Âm là ka, theo truyền thống được đọc trong tiếng Nhật là kya.

Một số chân ngôn và đà-la-ni được liên kết với Bồ-tát.

Chân ngôn của Đức Thập nhất diện Quán Âm gồm có đại chú và tiểu chú.

- Đại chú (Căn bản đà-la-ni): Án na ra na ra, địa rị địa rị, độ rô độ rô, nhất trí phạ tri giả lệ giả lệ, bát ra giả lệ, bát ra giả lệ, củ tô minh, củ tô ma phạ lệ, nhất lý nhĩ lý, chỉ lý chỉ trí, nhạ ra ma bả nẳng dã, bả ra ma thuật đà, tát đát phạ, ma ha lỗ ni ca, ta phạ ha.

- Tiểu chú: Án, lô kê, nhập phạ ra, hột lý31.

Hai chân ngôn thường được sử dụng trong truyền thống Nhật Bản32 như sau:

Tiếng Phạn (La-tinh hóa)

Om mahakarunika svaha

Om lokesvara hrih (svaha)

Tiếng Nhật (La-tinh hóa)

On makakyaronikya sowaka

On rokeiji(n)bara kiriku (sowaka)

Danh hiệu của Quán Âm Bồ-tát mười một mặt là do từ sách Thập nhất diện Quán Thế Âm thần chú mà ra. Theo sách Phật thuyết Thập nhất diện Quán Thế Âm thần chú kinh: Khi đó Quán Âm Bồ-tát bạch với Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, con có thần chú, gọi là Thập nhất diện. Thần chú này đã được 11 ức chư Phật nói. Nay con xin nói sở dĩ như vậy vì muốn tất cả chúng sinh niệm pháp lành, muốn khiến cho tất cả chúng sinh không có lo âu phiền não, muốn trừ bỏ bệnh tật cho tất cả chúng sinh. Vì muốn diệt trừ tất cả chướng nạn, mộng ác tai quái, muốn trừ tất cả bệnh tật hoành hành, muốn trừ bỏ tất cả những kẻ có tâm ác khiến chúng chuyển điều nhu, muốn trừ tất cả quỷ thần chướng khiến cho khỏi chướng nạn”. Nghe nói nếu trì niệm thần chú của Quán Âm mười một mặt sẽ có thể được mười loại công đức và bốn loại quả báo như vô bệnh, cái ăn cái mặc sung túc… (là lúc lâm chung được gặp Phật, vĩnh viễn không bị rơi vào địa ngục, không bị cầm thú làm hại, hết kiếp được siêu sinh vào nước Vô lượng thọ). Bởi vì câu thần chú này có hiệu nghiệm lớn như vậy cho nên trải qua biết bao đời đến nay người ta trì tụng thần chú này rất phổ biến, cho nên dường như nhà nhà đều biết đến Quán Âm mười một mặt33.

Khởi đi từ vị thần Rudra của Bà-la-môn giáo mang cả hai thuộc tính của một hung thần lẫn phúc thần, Thập nhất diện Quan Âm về mặt hình tướng tuồng như đã thừa kế cả hai tính chất đó. Tính chất là một vị hung thần đầy quyền năng được kế thừa trong các hình tướng phẫn nộ và ngược lại tính từ tâm được thể hiện trong các hình tướng an tịnh. Tuy nhiên, ở đây công năng chủ đạo của vị Bồ-tát này vẫn là vị Bồ-tát từ bi, cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh.

__________

(1) Theo:

Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 9: (Th), tr.7916-7917.

Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa. NXB.Mỹ Thuật, tr.132-139.

Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). 1.000 vấn đề về Mật tông. NXB.Thời Đại, tr. 398-400.

(2) “A-tu-la” là dịch âm từ tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là “không đoan chính”, “không có thiên tính”. “A-tu-la” vốn là một loại ác thần trong thần thoại Ấn Độ cổ, bởi vì thường đánh nhau với các thiên thần, cho nên đời sau cũng gọi chiến trường là “Tu-la trường”. Phật giáo coi A-tu-la là một trong sáu đường (Lục đạo), lòng ghét hận của chúng sinh trong đạo này rất nặng, tuy rằng có phép thuật thần thông quảng đại, nhưng lại dễ tức giận và hiếu chiến, lòng đố kỵ rất nặng.

(3) Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết. NXB.TP.HCM, tr.111-113.

(4) Henmi, Baiei (1960). Kannon-zō (in Japanese). Seishin Shobō xb, tr.119.

(5) Theo:

Chandra, Lokesh (1988). The Thousand-armed Avalokiteśvara, Tập 1. Abhinav xb, tr.15.

Neville, Tove E. (1999). Eleven-headed Avalokiteśvara: Chenresigs, Kuan-yin, Or Kannon Bodhisattva: Its Origin and Iconography. Munshiram Manoharlal xb, tr.5-8.

(6) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916-7917.

(7) Theo:

Chandra, Lokesh (1988). Sđd.

Williams, Paul (1989). Mahāyāna Buddhism: The Doctrinal Foundations. Psychology xb, tr.233.

(8) Theo John Dowson (2004). Classical dictionary of Hindu mythology and religion, geography, history, and literature; M.R.A.S; Rupa.Co, tr.296-270.

(9) Theo:

Lee, Kenneth D. (2009). “Kannon: The Goddess of Compassion in Japan”, trong Herman, Phyllis K.; Shimkhada, Deepak (biên tập), The Constant and Changing Faces of the Goddess: Goddess Traditions of Asia. Cambridge Scholars xb, tr.67.

Gokhale, Shobhana (1987). “Eleven-Headed Avalokiteśvara from Kanheri”. Biên niên Viện nghiên cứu phương Đông Bhandarkar, tr.371.

(10) Sorensen, Henrik H. (2020). “Chapter 4: Donors and Esoteric Buddhism in Dunhuang during the Reign of the Guiyijun”, trong Meinert, Carmen; Sorensen, Henrik H. (eds.)., Buddhism in Central Asia I: Patronage, Legitimation, Sacred Space, and Pilgrimage. Brill xb, tr.99, 103.

(11) Henmi, Baiei (1960). Sđd, tr.117.

(12) Theo:

Sanford, James H. (1991). “Literary Aspects of Japan’s Ganesha Cult”, trong Brown, Robert (biên tập), Ganesh: Studies of an Asian God. Đại học Bang New York xb, tr.297, 299.

Faure, Bernard (2015). Protectors and Predators: Gods of Medieval Japan, tập 2. Đại học Hawaii xb, tr.87, 100-102, 377.

(13) Vũ Thỏa, Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

(14) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7917-7918.

(15) Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(16) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916-7917.

(17) Theo:

Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.

(18) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916-7917.

(19) Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.

(20) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916-7917.

(21) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916-7917.

(22) Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(23) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916-7917.

(24) Vũ Thỏa, Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

(25) Henmi, Baiei (1960). Sđd, tr.115.

(26) Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(27) Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.

(28) Theo:

Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916-7917.

Vũ Thỏa, Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

(29) Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(30) Henmi, Baiei (1960). Sđd, tr.119.

(31) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.7916.

(32) Ōmori, Gijō (2010). Jisshū Shingon-shū no mikkyō to shūgyō (in Japanese). Gakken xb, tr.58.

(33) Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

Huỳnh Thanh Bình/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/lai-lich-va-cong-nang-cua-thap-nhat-dien-quan-am-post73951.html