Lái mô tô địa hình chạy bằng 2 bánh ở đồi cát Bàu Trắng có phạm luật?

Những cơ sở tại đồi cát Bàu Trắng đang kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch nên phải có các biện pháp bảo đảm an toàn, nếu không sẽ bị xử phạt.

Liên quan đến đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh xe mô tô địa hình ở điểm du lịch đồi cát Bàu Trắng (tỉnh Bình Thuận) chở hai nữ du khách đi với tốc độ cao chỉ với hai bánh xe vô cùng nguy hiểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Minh đã ký văn bản đề nghị UBND huyện Bắc Bình phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẩn trương tổ chức kiểm tra, làm rõ nội dung clip trên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan có biện pháp tăng cường công tác quản lý việc kinh doanh dịch vụ xe mô tô, ô tô địa hình tại đồi cát, đảm bảo an toàn cho du khách. Kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 16-7-2024.

 Người điều khiển xe mô tô địa hình chở hai nữ du khách đi bằng 2 bánh khiến nhiều người thót tim. Ảnh: PN

Người điều khiển xe mô tô địa hình chở hai nữ du khách đi bằng 2 bánh khiến nhiều người thót tim. Ảnh: PN

Nhận định về việc này, Luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng có hai vấn đề cần bàn trong sự việc này. Thứ nhất là vấn đề về tổ chức khai thác kinh doanh bằng xe địa hình tại địa điểm du lịch đồi cát Bàu Trắng. Thứ hai hành vi "biểu diễn" nguy hiểm xe mô tô (4 bánh) bằng hai bánh.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 168/2017 (quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch) thì đi mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát thuộc sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.

Do vậy mà các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch phải có các biện pháp bảo đảm an toàn như:

- Có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm.

- Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp; Phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch; hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch...

Trường hợp không đảm bảo các điều kiện về an toàn cho du khách thì cơ sở tổ chức kinh doanh du lịch bằng xe địa hình trên đồi cát sẽ bị xử phạt hành theo quy định tại Điều 15 Nghị định 45/2019.

 Cơ sở kinh doanh dịch vụ xe mô tô địa hình chạy trên đồi cát với tốc độ cao bằng xe hai bánh rất nguy hiểm. Ảnh: PN

Cơ sở kinh doanh dịch vụ xe mô tô địa hình chạy trên đồi cát với tốc độ cao bằng xe hai bánh rất nguy hiểm. Ảnh: PN

Cụ thể, mức phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi không có phương án cứu hộ, cứu nạn theo quy định; Phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi không bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch; Phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi không can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra...

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp hai lần so với mức phạt đối với cá nhân.

Đối với hành vi chở khách di chuyển tốc độ cao bằng hai bánh xe, có thể thấy đây là hành động rất nguy hiểm, theo quy định của Luật giao thông đường bộ hành vi này chắc chắn sẽ bị xử phạt.

Tuy nhiên, địa điểm thực hiện hành vi này lại trong một điểm du lịch, không phải tham gia giao thông nên không thể áp dụng Nghị định 100/2019 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021, nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) để xử phạt vì không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Tuy khó có thể áp dụng các quy định luật giao thông đường bộ để xử phạt nhưng để một cơ sở khai thác du lịch thực hiện những hành vi nguy hiểm, gây phản cảm như vậy cơ quan quản lý về du lịch tại địa phương hoàn có thể xem xét để xử lý theo quy định tại Nghị định 45/2019 như đã nêu ở trên.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch này, ngoài nguy cơ phải đối diện với việc bị xử phạt hành chính thì trong trường hợp cung cấp dịch vụ nếu khách du lịch bị tai nạn thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chi phí chữa bệnh.

Một vấn đề khác mà ngành giao thông vận tải của tỉnh Bình Thuận cũng cần xác minh làm rõ là những chiếc xe mô tô, ô tô địa hình sử dụng để chở du khách trong điểm du lịch này có đảm bảo về chất lượng, niên hạn sử dụng, kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng hay không?

Trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy những chiếc xe này không đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn kỹ thuật thì phải có biện pháp ngăn chặn, không cho các cơ sở sử dụng để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/lai-mo-to-dia-hinh-chay-bang-2-banh-o-doi-cat-bau-trang-co-pham-luat-post800218.html