'Lại một năm Tết không được về thăm con vì Covid-19'

'Đón Tết một mình', 'không về quê' là câu trả lời của nhiều người dân Trung Quốc khi được hỏi về kế hoạch đón năm mới. Đây là cái Tết thứ hai bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Các gia đình chen lấn qua đám đông. Máy bay chật cứng hành khách. Dòng người hối hả kéo vali đi lại không ngừng ở các bến tàu, nhà ga.

Cảnh tượng quen thuộc của mùa "xuân vận" hàng năm ở Trung Quốc không còn xuất hiện vào năm nay. Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, nhà chức trách Trung Quốc phải siết chặt các biện pháp chống dịch.

Khi Covid-19 chưa xuất hiện, "xuân vận" ở Trung Quốc được xem là đợt di cư quy mô bậc nhất thế giới, khi hàng trăm triệu người lao động sẽ ồ ạt về quê để đón Tết Nguyên đán.

 "Đón Tết một mình", "không về quê ăn Tết" là câu trả lời xuất hiện nhiều khi người dân Trung Quốc được hỏi về kế hoạch đón năm mới. Ảnh: AP.

"Đón Tết một mình", "không về quê ăn Tết" là câu trả lời xuất hiện nhiều khi người dân Trung Quốc được hỏi về kế hoạch đón năm mới. Ảnh: AP.

Đây là cái Tết Âm lịch thứ hai của người dân xứ tỷ dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Một số đã chọn ở lại, "ai ở đâu ăn Tết ở đó" đúng với mong đợi của chính quyền địa phương. Họ sẽ phải đợi lâu hơn - có thể là một năm nữa - để gặp lại những người thân yêu.

Đối với nhiều người, đầu năm cũng là dịp duy nhất trong năm được đoàn tụ với gia đình. Trong khi đó, một số cho hay vẫn không nản lòng và tiếp tục tìm cách về nhà.

Chen Jingting (27 tuổi)

Chen đã học tập và làm việc tại Thượng Hải hon 10 năm. Theo kế hoạch, cô sẽ cùng bố về quê nhà - thành phố Diêm Thành - trong kỳ nghỉ Tết tới.

Chính quyền địa phương không bắt buộc xét nghiệm Covid-19 với người trở về từ khu vực có nguy cơ bùng phát dịch thấp. Song, lòng Chen vẫn không thôi lo lắng.

"Tôi nghe chuyện nhiều người bị kéo đi kiểm tra ở các ga tàu. Vì vậy, tôi không biết có đúng mọi chuyện diễn ra như vậy không", Chen cho hay.

 Giữa lúc Trung Quốc siết chặt biện pháp chống dịch, số chuyến vận chuyển khách về quê dịp "xuân vận" năm nay chỉ khoảng 17,58 triệu lượt - giảm gần 75,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Reuters.

Giữa lúc Trung Quốc siết chặt biện pháp chống dịch, số chuyến vận chuyển khách về quê dịp "xuân vận" năm nay chỉ khoảng 17,58 triệu lượt - giảm gần 75,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Reuters.

Từ đầu năm, mối lo không thể về thăm nhà vào dịp Tết Nguyên đán cứ quẩn quanh trong tâm trí Chen. Cô đặc biệt nhớ bà, người cô ở bên suốt thời thơ ấu vì bố đi làm ăn xa.

"Hiện tại, tôi đã kết hôn, không thể ăn tối với gia đình vào đêm giao thừa như mọi năm. Chỉ cần quê tôi không bùng phát dịch, tôi sẽ tìm cách về thăm nhà", cô nói.

Ngay cả chuyện đi về bằng tàu cao tốc hay xe riêng cũng khiến Chen thấy phân vân. Tự lái mất nhiều thời gian và gây mệt mỏi hơn, song những người lớn tuổi trong nhà lo ngại phương tiện công cộng không an toàn vào thời điểm này.

Ma Hongwei (51 tuổi)

Ma điều hành một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm chế biến sẵn. Nhiều đơn hàng đến hơn trong năm nay, do đông người chọn ở lại Thượng Hải trong kỳ nghỉ lễ.

Công việc bận rộn, con trai lớn đang đi du học, Ma dự định đón Tết Âm lịch cùng vợ ít ngày và tiếp tục làm việc. Người đàn ông cũng không có thói quen đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ hội mùa xuân.

Chỉ có điều duy nhất khiến Ma bận lòng là người mẹ đang ở trong trung tâm chăm sóc người già và sẽ trải qua những ngày đầu năm mới mà không có người thân nào bên cạnh.

"Bà đón Tết một mình vì không ai về nhà vào dịp Tết. Tôi sẽ về thăm mẹ sau", Ma nói.

 Nhiều người dân chọn ăn Tết tại chỗ, đợi dịp khác về nhà với gia đình vì sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc. Ảnh: AP.

Nhiều người dân chọn ăn Tết tại chỗ, đợi dịp khác về nhà với gia đình vì sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc. Ảnh: AP.

Peng Huanrong (48 tuổi)

Ban đầu, Peng dự định về nhà vào ngày 6/2 để gặp các con. Song, Peng rút lại quyết định sau khi chính quyền khuyến khích "ai ở đâu ăn Tết ở đó".

Cô chọn ở lại Hạ Môn cùng chồng. Anh vẫn phải đi làm trong những ngày nghỉ do đặc trưng của công việc tài xế xe buýt.

"Nếu chọn về nhà, tôi phải có xét nghiệm âm tính ở Hạ Môn trước khi rời đi. Bố chồng nói rằng khi về đến địa phương, tôi sẽ phải cách ly 14 ngày tại một trung tâm được chỉ định. Điều đó làm tôi sợ hãi", Peng cho hay.

Peng đã làm việc ở Hạ Môn được 5 năm. Con nhỏ gửi lại quê nhà Chu Khẩu (Hà Nam). Trong một năm, cô thường chỉ về nhà một lần và ở lại khoảng 2 tuần, lúc trong dịp Tết, lúc sau kỳ nghỉ.

"Tôi đã không về nhà vào Tết năm ngoái. Tôi mới chỉ quay về 1 lần thăm con sau khi dịch thuyên giảm. Năm nay tiếp tục không được sum vầy đón Tết với các con nên tôi khá buồn bã. Có lẽ kỳ nghỉ lễ Lao động vào ngày 1/5 sắp tới, tôi sẽ về thăm con".

 Tặng tiền mặt, phiếu mua hàng, tiền điện thoại là cách nhiều thành phố đang áp dụng để thuyết phục người dân lẫn dân lao động xa nhà ở lại địa phương vào dịp Tết. Ảnh: Reuters.

Tặng tiền mặt, phiếu mua hàng, tiền điện thoại là cách nhiều thành phố đang áp dụng để thuyết phục người dân lẫn dân lao động xa nhà ở lại địa phương vào dịp Tết. Ảnh: Reuters.

Yang Youzhi (24 tuổi)

Vừa đến Thượng Hải hai tháng trước, Yang tiếp tục làm công việc nhân viên giao hàng như trước kia từng làm ở Nam Kinh.

Mùa xuân này, thay vì về quê ở Từ Châu (tỉnh Giang Tô), Yang sẽ ở lại thành phố làm việc.

"Nhiều đơn hàng giao hơn trong Tết và ít nhân viên hơn vì nhiều đồng nghiệp của tôi đã về quê. Đây sẽ là dịp để tôi kiếm nhiều tiền hơn. Tôi đã kết bạn ở Thượng Hải nên không thấy cô đơn. Tôi và đồng nghiệp sẽ cùng nhau ăn uống vào đêm giao thừa. Công ty cũng tặng chúng tôi ít quà Tết", Yang kể.

Dù lạc quan, Yang thừa nhận anh vẫn nhớ gia đình mình và cảm giác sum họp đầm ấm vào năm mới.

Li Xingwei (29 tuổi)

Li là nhà thiết kế nội thất làm việc tại Vũ Hán. Giống nhiều người khác, họ không chọn về quê ăn Tết. Vợ chồng Li sẽ đi ngắm cảnh ở Vũ Hán thư giãn sau một năm mệt mỏi.

Li chia sẻ lý do chọn ở lại là vì sợ dịch bệnh bùng phát bất ngờ. Quê nhà Hà Nam của Li ở gần Hà Bắc, nơi nhiều ca nhiễm mới đang xuất hiện.

"Nếu có ca nhiễm mới ở quê tôi, tôi sợ khó quay lại Vũ Hán và công việc chắc chắn ảnh hưởng. Năm ngoái, tôi vừa về nhà được một ngày thì Vũ Hán phong tỏa toàn thành phố".

Dù đã xác định trước như vậy, Li vẫn không tránh khỏi cảm giác thèm muốn được đón Tết ở nơi thân thuộc.

"Tôi nhớ phố phường quê tôi nhộn nhịp nhất trong những ngày Tết Nguyên đán. Ngày đầu năm, tôi và gia đình dậy từ sáng sớm, đi thăm mộ, sau đó đi thăm hỏi họ hàng. Tôi thích không khí gần gũi ở nhà, nơi mà mọi người trong làng đều biết nhau và nói 'chúc mừng năm mới'. Thành phố lớn thiếu bầu không khí như vậy", Li bày tỏ.

Zheng Li (23 tuổi)

Vì tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch, Zheng chưa lên kế hoạch đón năm mới cho bản thân.

Zheng muốn về thăm gia đình ở Lạc Sơn (Tứ Xuyên) vì trong thời gian tới công việc bác sĩ thực tập sẽ rất bận bịu. Tuy vậy, nhiều thành phố đang khuyến khích mọi người không đi du lịch trong thời gian nghỉ lễ, do đó nhiều khả năng bệnh viện nơi Zheng làm việc sẽ không có ngày nghỉ.

"Do chưa có ý định cụ thể nào, tôi có thể sẽ đón Tết một mình. Tôi không thực sự lo lắng về chuyện phải đi xét nghiệm Covid-19. Đó là công việc hàng tuần của những nhân viên y tế tại đây", Zheng bày tỏ.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lai-mot-nam-tet-khong-duoc-ve-tham-con-vi-covid-19-post1182216.html