Lại nói chuyện lãng phí

Lãng phí còn muôn hình vạn trạng, nhỏ nhất từ cái lễ khởi công, khánh thành, khai giảng, khai mạc, tới hoa hoét khẩu hiệu băng rôn đầy đường, tới lớn hơn là những công trình bỏ hoang, công trình đắp chiếu, công trình chục năm không xong.

Chúng tôi đã bàn về việc lãng phí trên mục này của "Người đưa tin", bài "Nạn hình thức và lãng phí" đăng ngày 20/5/2024, hôm nay vẫn thấy cần quay trở lại để hưởng ứng bài viết về lãng phí của Tổng bí thư Chủ tịch nước Tô Lâm trên báo mấy hôm trước.

Nó chứng tỏ là, người đứng đầu đất nước đã phát hiện ra lãng phí là một vấn đề rất lớn ảnh hưởng tới đất nước hiện nay. Ông viết: Lãng phí "gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức...".

Tức là, ở cương vị của mình, bằng cái nhìn bao quát hơn, sâu xa hơn, ông chỉ ra căn nguyên và hệ lụy của việc lãng phí. Nó là sự thờ ơ, sự làm lấy được, bệnh hình thức, cả bệnh thành tích..., dẫn đến việc suy giảm niềm tin của dân với Đảng và nhà nước.

Và vấn đề là, bây giờ chúng ta phải xắn tay vào cùng xử lý.

Ngay lập tức, thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cụ thể hóa nội dung bài viết của Tổng bí thư Chủ tịch nước về lãng phí.

Và tiếp theo, chắc chắn các tỉnh thành khác cũng sẽ có những hành động tương tự.

Trước mắt sắp tới sẽ có các đại hội, các cuộc họp lớn, chúng ta sẽ chống lãng phí từ những việc rất nhỏ, như trang trí hội trường, như quà tặng...

Ngay tôi, một nhà báo làng nhàng, hôm nọ ngồi lục tủ cũng thấy còn tới mấy cái cặp nguyên nhãn chưa dùng tới, dù trước đấy đã cho bớt đi khá nhiều. Ấy là việc đi dự họp, đại hội hay được tặng quà, mà thứ dễ nhất là tặng... cặp. Mỗi người một cặp giống hệt nhau. Người có kinh nghiệm khi đi dự họp biết sẽ được tặng cặp là mang theo sợi dây, cột vào quai cặp để... đánh dấu cặp của mình, và sau buổi đầu nhận cặp đó thì cất ngay, vẫn xách cặp cũ đi họp, để... không bị xách nhầm.

Tôi hay đi công tác vùng sâu vùng xa ở Tây Nguyên, chứng kiến những cái bể nước chơ vơ bên đường. Đấy là các "công trình nước sạch" nhà nước làm cho bà con nhưng không hiệu quả, cũng có thể đã nghiệm thu rồi, nhưng bà con không dùng được, thế là bỏ hoang. Nó cũng là một dạng lãng phí. Cũng như thế một dạo là các công trình nhà ở cho bà con nông thôn, vùng sâu vùng xa, chương trình 134 ấy, nhưng rồi bà con không dùng được, hoặc dùng miễn cưỡng, kiểu như bên cạnh cái nhà xây theo chương trình, bà con vẫn làm thêm cái nhà sàn truyền thống để ở, thế là cái nhà xây bỏ không.

Lãng phí còn muôn hình vạn trạng, nhỏ nhất từ cái lễ khởi công, khánh thành, khai giảng, khai mạc, tới hoa hoét khẩu hiệu băng rôn đầy đường, không những không đọc được mà còn gây ảnh hưởng giao thông, tới lớn hơn là những công trình bỏ hoang, công trình đắp chiếu, công trình chục năm không xong mà vừa rồi nhân lò cụ Tổng thắp lên, nhiều việc được xới lại, và nhiều nhân vật cộm cám vào tù.

Tôi tâm đắc ý này của Tổng bí thư: "Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân.

Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Tức đưa vấn đề lãng phí vào luật, được giám sát bởi luật chứ không thể tùy hứng như hiện nay.

Lại nhớ cách đây mấy năm, chúng tôi có một ít quà là sách, giày dép, đồ chơi... mang xuống tặng cho một số trường học vùng sâu vùng xa. Một cô giáo là chỗ thân tình hỏi: Cho em tên của đoàn để làm... chữ trên phông. Tôi nói ngay, không phông bạt băng rôn gì nhé, chúng tôi ghé và đi ngay. Chỉ gặp các cháu để tặng quà, nhờ cô cho danh sách các cháu.

Cô giáo ngạc nhiên lắm, trường chúng em lâu nay ai về tặng quà đều có băng rôn hoặc cái phông chữ trên sân khấu, rằng là chào mừng đoàn gì đấy về tặng quà, rồi còn quay phim chụp hình các cái nữa.

Và đây, hôm qua mấy tờ báo viết về việc đường 19 nối Quy Nhơn Pleiku ì ạch sửa đã mấy năm không xong. Nó hết sức lãng phí, về tất cả mọi mặt. Người dân sống hai bên đường rất khổ. Xe cộ phải đi trên đường này, vừa nhanh hư hỏng, vừa tốn nhiên liệu, thời gian, và hàng hóa lưu thông chậm... tạo nên một sự lãng phí khủng khiếp. ai cũng thấy, trôi qua ngày này ngày khác, và vẫn đang tiếp tục ì ạch thế.

Một trong những biểu hiện lớn của lãng phí là lãng phí... con người. Cách chúng ta tuyển và sử dụng biên chế hiện nay đang gây lãng phí rất lớn. Biên chế cồng kềnh và người được đặt không đúng chỗ cũng không ít. Nó khiến việc xử lý công việc của bộ máy bị kéo dài hoặc thiếu hiệu quả, và đấy chính là lãng phí.

Một cái tin nhỏ trên báo chí hôm qua: "Đề nghị xem xét, xử lý cán bộ dùng chứng chỉ tiếng Anh Cambridge International" nó cũng khiến chúng ta giật mình, ấy là cái trung tâm không có thật này đã cấp khoảng 4.200 chứng chỉ tiếng Anh mang tên Cambridge International, và người mua những chứng chỉ này tất nhiên không phải là dân thường rồi, dân thường mua làm gì?

Thêm nữa việc cơ quan điều tra có công văn kiến nghị bộ Nội vụ kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ công chức, viên chức có kê khai sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ mang tên tổ chức Cambrigde International (là tổ chức không có thật) rõ ràng không phải là tự nhiên mà có. Tức nó liên quan tới công tác cán bộ, năng lực thật của họ và bằng cấp họ khai. Bao nhiêu người có tài thật sự bị số mua bằng chiếm chỗ. Và, phải gọi đúng tên đấy là lãng phí.

Không thể khác, lãng phí cũng phải được coi là tội ác, phải được trừng phạt tương đương với các tội nghiêm trọng khác để đất nước phát triển.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lai-noi-chuyen-lang-phi-204241015142340071.htm