Lại nóng vụ ông Navalny nghi bị đầu độc: Nga đặt câu hỏi cốt tử

Nga đặt câu hỏi cốt tử về chi tiết tổ chức OPCW đưa người đến Đức trước cả khi nhân vật đối lập Alexey Navalny ngã bệnh trên máy bay.

Theo đài RT, Nga ngày 10-7 cho rằng báo cáo mới nhất của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), trong đó có thông tin về phản ứng của tổ chức này đối với “vụ đầu độc” nhân vật đối lập Nga Alexey Navalny, có sự "mâu thuẫn rõ ràng", và OPCW đã không giải thích được chúng.

Động thái trên được đưa ra sau khi OPCW, tại phiên họp thứ 97 của hội đồng điều hành tổ chức vào đầu tuần này, đã đưa ra báo cáo có thông tin về phản ứng của tổ chức đối với vụ “ông Navalny bị đầu độc” hồi tháng 8-2020.

Ông Aleksandr Shulgin – đặc phái viên của Nga tại OPCW – cho biết Nga sẽ yêu cầu OPCW làm rõ về báo cáo này.

Lại nóng vụ ông Navalny nghi bị đầu độc: Nga đặt câu hỏi cốt tử. Ảnh: AP

Lại nóng vụ ông Navalny nghi bị đầu độc: Nga đặt câu hỏi cốt tử. Ảnh: AP

Theo báo cáo, OPCW cho biết vào ngày 20-8-2020 ban thư ký của tổ chức "đã triển khai một đội để thực hiện chuyến thăm nhằm hỗ trợ kỹ thuật" liên quan vụ "một công dân Nga" nghi ngờ bị đầu độc, theo yêu cầu của Đức.

Tuy nhiên, theo RT, vấn đề là vào ngày 20-8-2020, ông Navalny đang bay từ thành phố Tomsk ở vùng Siberia đến Moscow.

Trên chuyến bay, đầu tiên ông Navalny cảm thấy trong người không ổn và sau đó đã được đưa đến bệnh viện ở thành phố Omsk, Siberia.

Nga yêu cầu OPCW giải thích "làm thế nào điều này thậm chí có thể xảy ra" và tại sao tổ chức này trước đó đã thông báo với các quốc gia thành viên rằng nhóm của họ chỉ được triển khai đến Đức vào đầu tháng 9-2020, ông Shulgin nói.

“Vậy chúng ta có gì ở đây? Khi ông Navalny lần đầu tiên cảm thấy không khỏe khi vẫn đang trên chuyến bay từ Tomsk đến Moscow thì các chuyên gia OPCW đã đợi ông ta sẵn ở Berlin?” – ông Shulgin đặt câu hỏi.

Theo ông Shulgin, ban thư ký kỹ thuật của OPCW đến nay vẫn chưa đưa ra được câu trả lời nào cho những câu hỏi này.

Ông Shulgin cho biết Nga có "rất nhiều câu hỏi" cho OPCW và sẽ tìm kiếm "câu trả lời rõ ràng" cho mọi câu hỏi.

Liên quan báo cáo trên, bà Maria Zakharova - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – cho biết những “mâu thuẫn rõ ràng” trong báo cáo của OPCW chỉ cho thấy một số quốc gia phương Tây, cùng với bản thân ông Navalny, đang “đi đến tận cùng câu chuyện đầu độc vũ khí hóa học của họ”.

Ông Shulgin cho biết: “Thay vì trả lời các câu hỏi của Nga, phiên họp của ủy ban điều hành OPCW đã chứng kiến một ‘màn kịch’ khác về việc ông Navalny ‘được cho là bị đầu độc bằng một chất vũ khí hóa học’".

“Các luận điểm chống Nga thường xuyên trở thành “điều bắt buộc” đối với các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại bất kỳ sự kiện OPCW nào” – ông Shulgin nói thêm.

Nhân vật đối lập Nga Navalny bất tỉnh trên chuyến bay hôm 20-8-2020. Theo truyền thông Nga, sau khi được điều trị hai ngày đầu tiên tại Nga, ông Navalny được chuyển đến bệnh viện Berlin, Đức để điều trị. Tại đây, ông đã phục hồi và được xuất viện cuối tháng 9-2020.

Ngày 24-8-2020, các bác sĩ Đức cho biết kết quả khám nghiệm lâm sàng cho thấy ông Navalny đã bị ngộ độc thuốc ức chế men cholinesterase.

OPCW cho biết “dấu ấn sinh học của chất ức chế cholinesterase” đã được tìm thấy trong các mẫu máu và nước tiểu lấy từ ông Navalny được gửi đến các phòng thí nghiệm của họ.

Ông Navalny đã trải qua hơn một tháng điều trị tại Berlin và cáo buộc Điện Kremlin đã “ra lệnh” đầu độc ông. Trong khi đó, một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh) cho rằng chính hành động của các bác sĩ Nga ở Omsk đã đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống nhân vật đối lập.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10-2020 cho biết đã đích thân yêu cầu các công tố viên Nga cho phép ông Navalny đến Đức.

Berlin sau đó đã nhiều lần tuyên bố rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất “giống Novichok” – chất hóa học được cho là được sử dụng để đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal ở Anh vào năm 2018.

Căn cứ mà giới chức một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu viện dẫn là các bằng chứng do quân đội Đức thu được cũng như phân tích từ hai phòng thí nghiệm ở Pháp và Thụy Điển.

Trong khi đó Moscow đã nhiều lần chỉ ra rằng Berlin chưa bao giờ đưa ra bất kỳ bằng chứng vật chất nào về ông Navalny nghi bị đầu độc, cũng như không chia sẻ bất kỳ phát hiện nào với các quan chức Nga.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/lai-nong-vu-ong-navalny-nghi-bi-dau-doc-nga-dat-cau-hoi-cot-tu-999659.html