Lại sai phạm về bồi thường bảo hiểm xe
Kết quả thanh tra chuyên đề bảo hiểm xe được cơ quan quản lý thị trường công bố mới đây một lần nữa chỉ ra hàng loạt vi phạm của công ty bảo hiểm.

Bảo hiểm xe là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao
Đụng là ra lỗi
Vào trung tuần tháng 4/2025, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố kết luận thanh tra chuyên đề tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không - VNI (mã chứng khoán AIC) và Công ty Bảo hiểm Liên hiệp (UIC). Kỳ thanh tra tập trung vào các hoạt động trong năm tài chính 2023, có xem xét thêm các kỳ liên quan.
Qua thanh tra, cơ quan quản lý phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại 2 công ty bảo hiểm này.
Chẳng hạn, tại VNI, vi phạm nổi bật là thời hạn bồi thường, tạm ứng bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn chậm so với quy định. Có những hồ sơ kéo dài trên 300 ngày, thậm chí lên tới hơn 600 ngày, trong khi quy định là từ 15-30 ngày làm việc.
Liên quan đến số tiền bồi thường, nhiều trường hợp thanh toán thấp hơn so với quy định. Dẫn chứng cụ thể một vụ việc có tử vong về người, theo kết luận thanh tra, VNI đã bồi thường cho khách hàng 30 triệu đồng, trong khi theo quy định con số này là 150 triệu đồng...
Còn tại UIC, cơ quan thanh tra phát hiện Công ty đã áp dụng giảm trừ số tiền bồi thường thiệt hại không đúng quy định pháp luật. Cụ thể, sau khi bị tai nạn, có người đã yêu cầu bồi thường bảo hiểm, thay vì chi trả gần 40 triệu đồng thiệt hại về tài sản, UIC tự ý “cắt” 50% với lý do “khách hàng va chạm với bên thứ ba, không có hồ sơ công an giao thông”.
Về bảo hiểm thân vỏ xe ô tô, theo cơ quan thanh tra, UIC cũng tự “xén” bớt tiền của khách hàng đối với 4 hồ sơ bồi thường, mức giảm trừ 30%. Cụ thể, một khách hàng bị tai nạn xe, thiệt hại tài sản thuộc phạm vi bảo hiểm hơn 75 triệu đồng, nhưng UIC chỉ trả 58 triệu đồng.
Thực tế, trên thị trường bảo hiểm, các vi phạm liên quan đến công tác bồi thường bảo hiểm xe cơ giới không phải hiếm gặp và cũng không phải đến bây giờ mới được phát hiện. Từ các cuộc thanh tra chuyên đề ở những năm trước, cơ quan quản lý đã chỉ ra nhiều vi phạm và áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu các công ty bảo hiểm vi phạm rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật… Thế nhưng, ở kỳ thanh tra mới nhất này, hàng loạt vi phạm vẫn tái diễn.
Cũng liên quan tới vi phạm bồi thường bảo hiểm xe, thị trường còn chứng kiến những vụ việc gian lận bảo hiểm do chính khách hàng thực hiện. Báo Đầu tư Chứng khoán từng nhận được phản ánh từ nhiều công ty bảo hiểm về hành vi cấu kết giữa người mua và người bán bảo hiểm, thường xảy ra đối với những xe khi bị tai nạn không mua bảo hiểm đối với tổn thất hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm đã hết hiệu lực. Khách hàng thông đồng với người cấp bảo hiểm để ghi lùi ngày hiệu lực bảo hiểm nhằm hợp thức hóa hồ sơ, hoặc ghi cùng ngày hiệu lực bảo hiểm nhưng ghi sai ngày xảy ra tai nạn, sau đó mới thông báo cho giám định viên nhằm phù hợp với ngày được ghi trong hồ sơ công an.
Cũng có trường hợp khách hàng cấu kết với cán bộ giám định nhằm làm tăng số lượng và giá trị tổn thất để tăng số tiền bồi thường thiệt hại khi duyệt hồ sơ bồi thường. Hành vi gian lận này xảy ra phổ biến đối với loại hình bảo hiểm vật chất xe hoặc trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba. Khi cấu kết với xưởng sửa chữa, hành vi phổ biến là khai man về số lượng và mức độ tổn thất của các bộ phận lớn hơn tổn thất thực tế.
Việc khai báo gian dối này chủ yếu do các chủ xe tự thực hiện trong quá trình tự ý tháo dỡ, thay thế các chi tiết và các bộ phận xe cơ giới khi đưa xe vào xưởng sửa chữa, đổi các phụ tùng không hỏng và đưa các phụ tùng hư hại vào, sau đó thông báo cho cán bộ giám định đến giám định, hoặc thông đồng với cán bộ giám định và chủ xưởng để gian lận bảo hiểm.
Trước thực trạng số vụ gian lận bảo hiểm xe cơ giới có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) liên tục đưa ra cảnh bảo và cho biết, số tiền gian lận bảo hiểm xe cơ giới hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường.
Số liệu từ IAV cho thấy, 2 tháng đầu năm 2025, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục có đóng góp lớn với doanh thu đạt 3.482 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,7% trong tổng doanh thu toàn thị trường. Năm 2024, doanh thu từ mảng này tăng 5,3% so với năm 2023, đạt 18.752 tỷ đồng; bồi thường xe cơ giới là 8.630 tỷ đồng (chiếm 46% tổng doanh thu).
Minh bạch bồi thường xe, cách nào?
Để minh bạch hóa hoạt động bồi thường bảo hiểm xe, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, các công ty bảo hiểm cũng đã chủ động đưa ra giải pháp.
Đơn cử, Bảo hiểm Bảo Việt đã khống chế mức giá sàn sửa chữa xe tại các hãng xe, xưởng xe đối tác. Giá giá sửa chữa được đàm phán và kiểm soát ở mức hợp lý theo từng khu vực và vùng miền. Điều này giúp hạn chế tình trạng khai khống, đẩy giá sửa chữa lên cao, gây tăng chi phí bồi thường cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc bắt tay với các garage ôtô nói không với hoa hồng cũng là giải pháp giúp thiết lập hoạt động bồi thường minh bạch. Tại lễ ký kết hợp tác giữa Bảo hiểm Quân đội (MIC) với hơn 30 garage ôtô khu vực Hà Nội từ gần 10 năm trước, Tổng giám đốc MIC lúc bấy giờ cho biết, MIC sẽ tiên phong xóa bỏ hoa hồng dành cho đội ngũ nhân viên giám định bồi thường.
Theo tìm hiểu, hoa hồng ở đây là số tiền nhân viên giám định bồi thường của các công ty bảo hiểm nhận được từ các xưởng sửa chữa từ việc lựa chọn đưa người tham gia bảo hiểm xe vào xưởng đó trong hàng chục xưởng đang liên kết khác.
Nói cách khác, thay vì để giám định bồi thường nhận khoản tiền từ xưởng sửa chữa như trước đây thì nay sẽ không được nhận, mà lấy phần tiền đó trừ luôn vào giá sửa chữa, từ đó hạn chế việc khai tăng chi phí sửa chữa, giảm chi phí bồi thường xuống, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả hoạt động cho công ty bảo hiểm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu Chứng khoán, giám đốc một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong tốp đầu thị trường cho biết, không dễ khống chế được giá trần vì còn liên quan đến chi phí nhân công, nguyên liệu… Do đó, để giảm chi phí bồi thường, công ty bảo hiểm thường đàm phán giá sửa chữa với các gara ở mức hợp lý, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát hoạt động này.
Để tường minh hơn, vị giám đốc này nêu ví dụ, lâu nay, giá sửa chữa là 1 đồng thì thường bị nâng lên thành 1,5 đồng. Nếu phân cấp cho các công ty thành viên trực thuộc tự duyệt giá như trước đây thì có khả xảy ra công ty thành viên cấu kết với gara tự đẩy giá sửa chữa lên, sau đó gara “lại quả” ngoài hợp đồng cho công ty thành viên đó để 2 bên cùng ăn chia. Nhưng nếu loại bỏ phân cấp, bồi thường tập trung từ cấp tổng công ty thì không còn hiện tượng trên nữa. Giải pháp này mang lại lợi ích cho cả công ty bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm.
“Với một công ty bảo hiểm lớn, số tiền bồi thường bảo hiểm xe có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong khi tỷ lệ bồi thường dao động từ 40-60%, nếu cấu kết với xưởng sửa chữa xe thì phần ‘lại quả’ là 10%, tương đương 40-100 tỷ đồng mỗi năm. Thực tế, có công ty từ chối mức hoa hồng 10%, mà chỉ nhận 2-3% và sử dụng công khai để hỗ trợ nhân đạo cho chủ xe (trong trường hợp bị từ chối bồi thường do không đủ cơ sở), bồi dưỡng thêm cho giám định viên…”, vị giám đốc này chia sẻ thêm.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lai-sai-pham-ve-boi-thuong-bao-hiem-xe-post369061.html