Lãi suất cao đang triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp
Báo cáo của VEPR với chủ đề 'Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023', đã cho thấy bức tranh nhiều nghịch lý giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Đó là hiện tượng nhiều DN đang điêu đứng bởi những yếu tố bất thuận, trong khi các NH đều công bố kết quả kinh doanh tốt, thu lãi lớn.
Năng lực DN cạnh tranh bị bào mòn
Theo báo cáo của VEPR, điều đáng báo động là năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đang suy giảm mạnh. Nếu các DN trên sàn chứng khoán là đại diện cho những DN tốt nhất của kinh tế (trừ những DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không niêm yết), sức khỏe của hệ thống DN Việt năm 2022 đã suy yếu đi rất nhiều.
Cụ thể, theo ước tính của VNDirect, tính đến ngày 3-2-2023, với 995 công ty niêm yết trên 3 sàn chứng khoán (HoSE, HNX, UPCoM), chiếm 92,1% vốn hóa thị trường, tổng lợi nhuận ròng quý IV-2022 của các công ty này đã giảm tới 30,4% so với cùng kỳ 2021, giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó lợi nhuận sau thuế của 421 DN phi tài chính giảm tới 70,3%. Kết quả này đã kéo tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường chỉ còn 7,1% so với cùng kỳ 2021, tức chưa bằng 50% so với dự báo trước đó là 16,7%.
Môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của DN Việt.
Những yếu tố tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam như thị trường bất động sản (BĐS) và thị trường trái phiếu DN trầm lắng đã bắt đầu từ cuối quý I-2022. Song những điều này chưa ảnh hưởng nhiều đến các DN. Kinh tế quý II và III-2022 đều tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, khi vào quý IV sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu, xuất phát từ cầu yếu của các nước đối tác chính của Việt Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của các DN. Đáng chú ý, trước những điều kiện bất lợi bên ngoài, các DN hầu như không nhận được sự hỗ trợ, thậm chí lãi suất cho vay lại tăng lên, càng làm suy yếu năng lực cạnh tranh của DN.
Trong đánh giá gần đây nhất của Phó Thống đốc NHNN, lãi suất cho vay của nhiều NH lên đến 12-13%, thậm chí có NH cho vay với lãi suất bình quân lên đến hơn 14,6%. Ở góc độ nào đó, điều này phản ánh xu hướng biến động của lãi suất cho vay, khi bắt đầu tăng từ tháng 7-2022 cho đến tháng 2-2023 và vẫn tiếp tục được neo cao. Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng, và với lãi suất cho vay bình quân 10%/năm, riêng chi phí lãi vay DN và người dân đã phải chịu ít nhất 113.510 tỷ đồng (tương đương 12% GDP của Việt Nam năm 2022).
Điều đáng nói, từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lãi suất cho vay tại Trung Quốc liên tục giảm và giảm khá nhanh, qua đó giúp DN phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19. Trong khi đó, lãi suất của các NH Việt Nam không hề giảm, ít nhất là thời điểm trong và sau dịch Covid-19. Hệ quả, DN Việt Nam phải chịu chi phí lãi vay cao gấp gần 3 lần DN Trung Quốc. Cơ hội để DN Việt có thể cạnh tranh với DN Trung Quốc hoàn toàn bằng không.
Và nếu DN Việt về ngắn hạn và dài hạn đều không thể cạnh tranh được với DN Trung Quốc, nguy cơ hàng hóa Trung Quốc đè bẹp nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam là khó tránh khỏi.
Mất động lực sản xuất và tăng trưởng
Theo đánh giá của VEPR, môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN, còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập DN. Lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng cao làm chùn bước những người muốn khởi nghiệp. Đồng thời lãi suất cao sẽ không khuyến khích những người có vốn nhàn rỗi đầu tư thành lập DN, mà chủ yếu khuyến khích họ gửi vào NH để hưởng lãi suất và an toàn.
Số liệu trong 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh. Tín dụng tăng thấp do cầu yếu và lãi suất vẫn neo cao. Điều đáng lưu ý là tốc độ huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế (TCKT) tính đến ngày 28-3 giảm xuống -3,4%. Huy động vốn tăng chủ yếu do tiền gửi của khu vực dân cư tăng mạnh, nhưng cũng không đủ bù đắp vào sự sụt giảm phần huy động từ các TCKT.
Tốc độ tăng huy động vốn trong ngành NH đến hết tháng 3 chỉ đạt 5,18%, mức thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân 13-14% trong 10 năm trở lại đây, thậm chí ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (1-2020 đến 10-2021), tốc độ huy động vốn bình quân vẫn đạt khoảng 12,7%.
Việc huy động vốn khu vực TCKT giảm trong khi tín dụng tăng chậm, đã phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của DN, bởi những DN tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Đồng thời, một phần của tiền gửi TCKT giảm là các DN FDI, DN có hoạt động xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra bên ngoài để hưởng lãi suất USD đang cao, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%. Chỉ tính riêng trong quý IV-2022, các tổ chức tín dụng nước ngoài rút tiền gửi ra khỏi Việt Nam 368 triệu USD (theo số liệu NHNN công bố).
Rõ ràng, môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của DN Việt. Trong khi đó, giai đoạn 2011-2020, Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là nước xuất khẩu vốn. Lấy thí dụ trong 2 năm 2021 và 2022, do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch Covid-19 và chi phí vận tải tăng vọt, cán cân vãng lai trở nên bị âm, nhưng về xu hướng dài hạn Việt Nam vẫn thặng dư cán cân vãng lai và là nước xuất khẩu vốn. Như vậy Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất (khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn).
VEPR khuyến nghị, đã đến lúc cần phải có chiến lược chuyển đổi tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ sang dựa trên vốn rẻ. Và chỉ khi nền kinh tế phát triển dựa trên vốn rẻ mới tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển DN theo chiều sâu (đầu tư dài hạn vào các hoạt động R&D, các dự án mạo hiểm, nhưng có thể tạo đột phá cho ngành sản xuất, đầu tư vào kỹ năng...). Đồng thời, chỉ có vốn rẻ mới có thể tạo điều kiện cho DN phát triển theo chiều rộng, mở rộng nhanh chóng số lượng DN và khi đó mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu DN mới có cơ hội thành hiện thực.