Lãi suất chậm đóng phạt nguội có thể lên tới 18%/năm
Chủ phương tiện chậm đóng phạt nguội theo thời gian quy định 10 ngày, sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp, ước tính lãi chậm nộp lên đến 18,25%/năm.
Phạt nguội là hình thức xử lý vi phạm sau khi các phương tiện giao thông đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định. Với hình thức phạt này, chủ các phương tiện vi phạm không bị xử lý ngay khi vi phạm, hình ảnh của vụ vi phạm ấy sẽ được ghi lại bằng hệ thống camera lắp đặt trên đường phố và gửi về cho trung tâm xử lý.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 24 Thông tư 73/2024/TT-BCA, quy định về xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở.
Đồng thời cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, App VNeTraffic để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, tra cứu, liên hệ giải quyết.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, các cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật”.
Nếu chủ phương tiện không nộp phạt nguội đúng hạn, sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi Khoản 39, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020). Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 68, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Đối với trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần, áp dụng theo khoản 2, Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.”
Đáng chú ý, nếu quá thời hạn nộp phạt nguội nêu trên, chủ phương tiện sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Như vậy, tiền lãi chậm nộp phạt nguội = 0,05% x Tiền phạt lỗi phạt nguội x Số ngày chậm nộp phạt. Theo đó, ước tính lãi chậm nộp lên đến 18,25%/năm.