Lãi suất chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2025
Lãi suất huy động tiền gửi sôi động ngay từ tháng đầu năm 2025, các ngân hàng thương mại cũng triển khai nhiều giải pháp đưa vốn ra nền kinh tế.
Áp lực tăng lãi suất
Lãi suất huy động tiền gửi sôi động ngay từ tháng đầu năm 2025 trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, đảm bảo được con số tăng tín dụng 16% của năm nay mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Nửa đầu tháng 1/2025, thị trường ngân hàng đang chứng kiến cuộc đua tăng lãi suất huy động mới, dù mức tăng nhẹ chỉ 0,1-0,4%/năm đối với từng kỳ hạn những cũng cho thấy xu hướng gia tăng, và mốc lãi suất tiền gửi trên 6%/năm đã xuất hiện ở nhiều ngân hàng hơn so vơi thời điểm cuối năm 2024. Tùy từng số dư tiền gửi mà lãi suất ở nhiều ngân hàng đang áp dụng lên tới gần 7% hoặc hơn thế.
Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB), với hạn mức gửi dưới 2 tỷ đồng , lãi suất cao nhất là 5,8%/năm nhưng nếu gửi online khách hàng sẽ được hưởng ở mức 6,1%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng. Hay tại VietBank, lãi suất tiền gửi có sự điều chỉnh tăng nhẹ 0,1 - 0,3 điểm % so với trước đó cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Một số nhà băng khác đang áp mức lãi suất tiền gửi trên 6%/năm có thể kể tên như: BVBank áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 12 tháng, 6,2% đối với kỳ hạn 15 tháng và 6,3% đối với kỳ hạn 18-24 tháng; Eximbank áp dụng mức lãi suất lên tới 6,8%/năm đối với kỳ hạn 34 tháng; GPBank có lãi suất 6,05%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,15%/năm đối với các kỳ hạn từ 13-36 tháng…
Nhận định về lãi suất năm 2025, trong Báo cáo chiến lược đầu tư được VNDirect công bố ngày 15/1 cũng chỉ ra rằng: Lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay. Các chuyên gia phân tích của VNDirect kỳ vọng lãi suất qua đêm sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2025 do áp lực tỷ giá tiếp diễn. Điều này còn dựa trên thực tế đã diễn ra khi kể từ quý 2/2024, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở mức khoảng 4% nhằm giảm chênh lệch lãi suất với đồng USD và ngăn chặn các giao dịch chênh lệch lãi suất. “Chúng tôi dự phóng lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 50-100 điểm cơ bản so với cùng kỳ vào năm 2025, do lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn duy trì ở mức cao và nhu cầu vốn tăng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng (LDR) cao”- báo cáo chỉ ra.
Với đà đi lên của kinh tế thế giới và sự phục hồi của kinh tế trong nước trong năm 2024, cùng mục tiêu tăng trưởng 8% của năm nay thì sức ép tăng lãi suất cả huy động và tiền gửi là không tránh khỏi do nhu cầu vốn sẽ gia tăng ngay từ những tháng đầu năm.
Phân tích kỹ hơn về diễn biến thị trường lãi suất trong năm 2025, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong Báo cáo Tài chính-kinh tế vĩ mô 2024 và triển vọng 2025 gửi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra: lãi suất huy động chịu áp lực tăng trong bối cảnh dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay bị thu hẹp, do: nhu cầu tín dụng tăng mạnh đáp ứng các nhuc ầu gia tăng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho năm mới; đồng thời tín dụng được dự báo tăng tốt trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng cao.
Thực tế 3 năm trở lại đây, từ năm 2022, tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng với mức chênh lệch lên đến 3 điểm % trong năm 2024, tạo nên áp lực thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là những ngân hàng quy mô nhỏ. Cụ thể, tỷ lệ LDR bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 11/2024 là 80,5%, tháng 10/2024 là 80,2% và tháng 12/2023 là 77,9%.
Một yếu tố khác khiến dự báo lãi suất huy động sẽ tăng còn đến từ tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống vẫn đang ở mức cao nên việc tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn cho vay, tăng trích lập dự phòng rủi ro…
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Vũ Nhữ Thăng cho biết, lãi suất huy động chịu áp lực tăng còn đến từ triển vọng kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn năm 2025, lạm phát không có dấu hiệu giảm như kỳ vọng, Fed có thể chậm lại tiến độ hạ lãi suất khiến đồng USD vẫn duy trì sức mạnh lâu hơn dự kiến. Đồng thời, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2025 dự kiến tăng mạnh có thể tạo hiệu ứng lấn át, làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngân hàng đẩy mạnh đưa vốn ra nền kinh tế
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, với dự báo xu hướng và tình hình kinh tế hiện tại, năm 2025 có nhiều thuận lợi đối với hoạt động cho vay, đặc biệt khi Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 8%, phấn đấu đạt trên 10%. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay và giảm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp thông qua các chương trình cho vay phù hợp. Để tăng trưởng tín dụng hiệu quả, ngay từ đầu năm 2025, Agribank đã triển khai 4 chương trình cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, áp dụng từ 1/1/2025 đến 31/12/2025. Cụ thể: Cho vay cho doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu, FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất giảm từ 1,2-1,8%/năm so với lãi suất thông thường, tùy vào đối tượng, thời hạn vay và các yếu tố khác.
Một nhà băng khác là VPBank cũng đang triển khai mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo đại diện ngân hàng, với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngân hàng đang có nguồn vốn không cần tài sản bảo đảm, hạn mức đến 5 tỷ đồng, quy trình giản lược thông qua kênh online, đặc biệt có chính sách ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp thông thường, lãi suất ở mức cạnh tranh trên thị trường chỉ từ 5,5%/năm. Đặc biệt, VPBank ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như cà phê, gạo, nhựa, thép, gỗ, dệt may, dược và thiết bị y tế…
Chia sẻ về định hướng cho vay ra nền kinh tế trong năm 2025, CEO của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - ông Phạm Như Ánh cho biết, tối thiểu 50% room tăng trưởng tín dụng sẽ chảy vào bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, còn lại là cho vay doanh nghiệp lớn. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ được MB tập trung đẩy mạnh tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Năm 2025, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên là các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lai-suat-chiu-nhieu-ap-luc-tang-trong-nam-2025-369682.html