Lãi suất cho vay đã 'dễ thở' hơn, doanh nghiệp rốt ráo tìm hợp đồng, mở rộng thị trường

Hiện lãi suất cho vay bình quân đã về ngưỡng 8%/năm, tức là giảm 3% so với cuối năm 2022. Đồng thời các ngân hàng kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay, trở thành động lực để các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.

Sau 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện giảm tối thiểu từ 1,5-2% lãi suất cho vay. Yêu cầu này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã được tiếp cận với nguồn vốn mới, dễ thở hơn trước và hoạt động kinh doanh cũng bớt áp lực hơn.

Ngân hàng “sốt ruột” muốn đẩy tín dụng ra nền kinh tế

Việc liên tiếp hạ lãi suất điều hành, qua đó ép mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt hơn so với trước đã và đang có những tác động hữu hiệu. Bởi trong bối cảnh, tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng đã khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực giải ngân nguồn vốn đã huy động mà không cần sự thúc giục nào.

Các ngân hàng cũng khá "sốt ruột", muốn đẩy tín dụng ra nền kinh tế.

Các ngân hàng cũng khá "sốt ruột", muốn đẩy tín dụng ra nền kinh tế.

Chẳng hạn, Agribank dành 25.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi vay thông thường dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Vietinbank cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi từ 6,8%/năm…

Không chỉ tung các gói ưu đãi với lãi suất giảm sâu, nhiều ngân hàng còn hạ lãi suất trực tiếp cho các khoản vay hiện hữu như tại Vietcombank, BIDV toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp được giảm thêm 0,5%/năm, áp dụng từ nay đến hết năm.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngay bản thân các ngân hàng cũng khá "sốt ruột", muốn đẩy tín dụng ra. Để đẩy tín dụng ra thì một trong những giải pháp là giảm lãi suất.

Hiện lãi suất cho vay bình quân đã về ngưỡng 8%/năm, tức là giảm 3% so với cuối năm 2022. Hạ lãi suất cho vay kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay mà các tổ chức tín dụng đang triển khai sẽ giúp nguồn vốn được đưa vào lưu thông. Từ đó, sản xuất cũng được kích thích hơn, gia tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Công ty chứng khoán VnDirect nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhờ tác động từ việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm và Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

VnDirect dự báo lãi suất cho vay sẽ giảm thêm từ 100-150 điểm cơ bản trong năm nay. Lãi suất giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh.

Có thể thấy, việc giảm lãi suất cần nỗ lực không chỉ của ngân hàng, mà còn cần nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, người vay vốn. Doanh nghiệp cần tìm kiếm các hướng đi mới, tăng hiệu quả kinh doanh, để đảm bảo khả năng trả nợ mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Trong khi ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí, chia sẻ, cùng người vay vượt qua giai đoạn khó khăn.

Doanh nghiệp nhẹ gánh khi lãi suất giảm

Ông Nguyễn Văn Minh, giám đốc công ty TNHH may Hoàng Minh, cho biết không chỉ đơn hàng giảm sút từ đầu năm nay mà điều đáng lo ngại hơn là đơn giá cũng giảm, có thời điểm lên tới 60%. Trong bối cảnh đó nếu doanh nghiệp đi vay vốn với lãi suất trên 10%/năm sẽ không thể “trụ” được. Vì vậy, DN chỉ sản xuất cầm chừng.

“Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, cùng với lãi suất cho vay giảm dưới 10%/năm sẽ là động lực để doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm”, ông Minh cho hay.

Còn theo tính toán của Công ty đóng tàu Thái Bình Dương: Với gần 400 tỷ hạn mức tín dụng, lãi suất cho vay đã giảm về 8%/năm, doanh nghiệp có thể tiết giảm hàng chục tỷ đồng so với mức lãi suất 11,5% cách đây mấy tháng. "Chi phí lãi vay giảm giúp chúng tôi có thể tái đầu tư, sản xuất và mạnh dạn tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường", ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty đóng tàu Thái Bình Dương cho biết.

Ông Trần Hoài Hữu, giám đốc công ty Gia Nhiên cho biết, trước những khó khăn của thị trường suốt thời gian qua, công ty đã phải thực hiện chính sách giảm giá rất mạnh, có sản phẩm phải giảm tới 30-40%, nhiều đơn hàng phải chấp nhận không có lãi. “Việc nhận đơn hàng chủ yếu để duy trì hoạt động và thời gian qua có thể tồn tại được cũng là nhờ những chính sách này”, ông Hữu nói.

Điều tích cực là sau rất nhiều nỗ lực, khoảng một tuần trở lại đây ông Hữu bắt đầu đón nhiều khách hàng tìm tới hỏi thông tin. Theo đó, nhiều khả năng trong những ngày tới sẽ có đơn hàng với 2 khách hàng mới tại Hà Lan và Ba Lan.

“Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội lực chưa tốt sẽ rất cần đến dòng vốn của ngân hàng, việc có đơn hàng mới cộng với lãi suất vay hiện giờ khoảng 7,5% sẽ là động lực tốt để vực dậy sản xuất”, ông Hữu nói.

Với mức lãi suất cho vay ở mức 8%, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh, Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Sức chịu đựng cũng như khả năng hấp thụ, việc chuẩn bị cho chi phí vốn của các doanh nghiệp sẽ được tốt hơn trong quá trình phục hồi hiện nay.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-cho-vay-da-apos-de-tho-apos-hon-doanh-nghiep-rot-rao-tim-hop-dong-mo-rong-thi-truong-1095001.html